Thời gian qua, nghề chăn nuôi heo phát triển mạnh ở huyện Thống Nhất. Điều này đồng nghĩa với việc các trại chăn nuôi thường xuyên xuất bán heo đi nơi khác…
Thời gian qua, nghề chăn nuôi heo phát triển mạnh ở huyện Thống Nhất. Điều này đồng nghĩa với việc các trại chăn nuôi thường xuyên xuất bán heo đi nơi khác…
Tuy nhiên, vấn đề người dân bức xúc đó là trong quá trình vận chuyển heo đi tiêu thụ, nhiều tài xế đã không tuân thủ trong việc bảo vệ môi trường.
Xả nước thải trên đường
Hàng ngày, có khá nhiều xe chở heo từ các trang trại ở huyện Thống Nhất ra quốc lộ 20 và quốc lộ 1 để đưa đi nơi khác tiêu thụ. Song, hình ảnh “chướng mắt” nhất vẫn là nước thải của heo từ trên xe chảy thành những vệt dài xuống đường. Chưa hết, mỗi khi dừng xe bên vệ đường để tắm cho heo, nước bẩn cứ thế chảy lênh láng trên đường, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Nước thải và mùi xú uế không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn là nguồn lây lan mầm bệnh, nếu trong quá trình vận chuyển heo bị chết hoặc bệnh.
Tài xế xe 60S-9600 sau khi chở heo về đã rửa xe khiến chất thải của heo chảy lênh láng ra đường rất hôi thối. Ảnh: T.Nguyên |
Có mặt trên quốc lộ 20 đoạn thuộc huyện Thống Nhất trong mấy ngày vừa qua, chúng tôi chứng kiến khu vực này mỗi ngày có vài chục xe tải chở heo đi tiêu thụ. Ông Nguyễn Văn Cẩn, ngụ xã Bàu Hàm 2 (huyện Thống Nhất) cho biết hàng ngày đi về trên quốc lộ 20 thấy nhiều tài xế tắm cho heo để nước chảy lênh láng rất hôi thối. Các phương tiện đi qua bị nước bẩn văng lên tung tóe, dính cả vào quần áo. “Nhiều bữa vội đi làm nên tôi quên mang áo gió, gặp lúc nhà xe đang tắm heo coi như lãnh đủ, buộc lòng phải về thay áo khác, nếu không mùi xú uế ở người cứ bốc lên cả ngày” - anh Cẩn bức xúc.
Điều 11, Khoản 1, Nghị định 117 của Chính phủ quy định: Phạt tiền từ 500 ngàn đồng đến 2 triệu đồng đối với hành vi thải mùi hôi thối, mùi khó chịu vào môi trường; Khoản 2 điều 16 của nghị định này cũng quy định: Phạt tiền từ 5-8 triệu đồng đối hành vi không sử dụng thiết bị, phương tiện chuyên dụng bảo đảm để không rò rỉ, phát tán ra môi trường trong quá trình vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa, chất thải… |
Còn ông Phan Trọng Hoàng, hộ chăn nuôi có trại heo gần quốc lộ 20 thuộc xã Quang Trung (huyện Thống Nhất), thì cho rằng hiện nay không phải trại heo nào cũng sạch bệnh. Khi mua và vận chuyển heo các thương lái thường tắm cho heo sạch sẽ mới mang đi tiêu thụ. “Trên đường đi, thương lái để nước bẩn từ heo chảy tung tóe khắp đường sẽ rất nguy hiểm. Bởi đây là mối đe dọa cho các trại heo, vì nếu gặp phải xe chở heo bệnh, thì mầm bệnh sẽ phát tán trong môi trường sống” - ông Hoàng nói.
Khó xử lý?
Huyện Thống Nhất là một trong những địa phương có tổng đàn heo lớn nhất tỉnh với gần 300 ngàn con. Hàng ngày, các chủ trại nơi đây xuất bán hàng ngàn heo thịt. Số lượng xe vận chuyển heo từ đây đi nơi khác tiêu thụ khá nhiều. Trong khi đó, hầu hết các xe chở heo đều không có giải pháp giải quyết vấn đề nước thải nên khi đi trên đường thì nước bẩn, chất uế tạp từ trên xe chảy tràn xuống đường rất mất vệ sinh.
Trao đổi với chúng tôi về tình trạng xe chở heo gây ô nhiễm môi trường, Trưởng trạm thú y huyện Thống Nhất Dương Thanh Tiến cho biết cơ quan chức năng thường xuyên nhắc nhở chủ xe và tài xế phải có biện pháp làm sạch xe trong quá trình vận chuyển heo; khi tắm heo xong phải chờ cho khô ráo mới lưu hành tiếp, nhưng họ không chấp hành. Việc các xe chở heo làm ô nhiễm môi trường trong quá trình vận chuyển thì cơ quan thú y không có thẩm quyền để kiểm tra xử phạt, mà trách nhiệm thuộc về lực lượng tài nguyên - môi trường, cảnh sát môi trường, cảnh sát giao thông.
Một cán bộ của Phòng Tài nguyên - môi trường huyện Thống Nhất khẳng định: “Vẫn biết xe chở heo thải nước bẩn, chất tạp uế hôi thối trên đường là vi phạm pháp luật về môi trường nhưng chúng tôi rất khó xử phạt. Vì điều quan trọng là phải có cảnh sát giao thông hoặc thanh tra giao thông mới có quyền dừng phương tiện đang lưu hành”. |
Nói về nguy cơ nhiễm bệnh cho tổng đàn heo trên địa bàn huyện Thống Nhất, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai Nguyễn Kim Đoán cũng lo ngại không ít. Theo ông Đoán, nếu những xe chở heo có con bị chết hoặc bệnh thì khi xả nước bẩn từ trên xe xuống sẽ dễ làm lây lan mầm bệnh trong không gian, từ đó phát tán sang các trại chăn nuôi.
Trong khi đó, một lãnh đạo Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh đồng Nai cho biết việc dừng xe đang lưu hành để kiểm tra, xử phạt xe chở heo xả nước thải ra đường cần có sự phối hợp của các ngành chức năng. Sắp tới, đơn vị sẽ lên kế hoạch kiểm tra cụ thể đối với các xe chở heo. Nếu phát hiện trên xe chở heo thải chất bẩn ra đường gây ô nhiễm môi trường, lực lượng chức năng sẽ xử phạt nghiêm khắc.
Thảo Nguyên