Báo Đồng Nai điện tử
En

TP.Biên Hòa: Chỉ một nguyện vọng vào lớp 6

11:05, 06/05/2015

Mấy ngày qua, các trường tiểu học ở TP.Biên Hòa tiến hành thi học kỳ II đối với khối lớp 5. Đây là đợt thi rất quan trọng, bởi kết quả điểm của học sinh kỳ này sẽ là cơ sở để các trường THCS xét tuyển lớp 6.

Mấy ngày qua, các trường tiểu học ở TP.Biên Hòa tiến hành thi học kỳ II đối với khối lớp 5. Đây là đợt thi rất quan trọng, bởi kết quả điểm của học sinh kỳ này sẽ là cơ sở để các trường THCS xét tuyển lớp 6.

Theo Phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa, năm nay các trường THCS chỉ xét tuyển học sinh lớp 6 theo nguyện vọng đăng ký của học sinh. 

* Đánh giá lực học để chọn đúng trường

Những năm qua, ở TP.Biên Hòa chỉ duy nhất có Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm tổ chức thi tuyển. Do đó, việc áp dụng tuyển sinh lớp 6 trên địa bàn thành phố năm nay nhìn chung không có gì căng thẳng. Ông Phạm Văn Đông, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, cho biết vì không thi tuyển nên trường cũng cảm thấy nhẹ nhàng hơn. Thay vào đó chỉ phải xét tuyển học sinh của 5 trường theo tuyến là: Nguyễn Du, Nguyễn Khắc Hiếu, Quang Vinh, Trịnh Hoài Đức, Lê Văn Tám.

Một tiết học của học sinh Trường tiểu học Nguyễn Du, TP.Biên Hòa năm học 2014-2015.  Ảnh: Hạnh Dung
Một tiết học của học sinh Trường tiểu học Nguyễn Du, TP.Biên Hòa năm học 2014-2015. Ảnh: Hạnh Dung

Trưởng phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa Đỗ Văn Cang cho biết vì không thi đầu vào lớp 6 nên mỗi học sinh chỉ có một nguyện vọng vào một trường THCS. Đây là điểm mới trong kỳ xét tuyển lớp 6 sắp tới, trên cơ sở điểm kiểm tra học kỳ II lớp 5 các môn: Toán, Tiếng Việt, Khoa học, Lịch sử - địa lý và Tiếng Anh sẽ là căn cứ cho việc xét tuyển lớp 6. Đối với những trường THCS chịu áp lực tuyển sinh cao, như: Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trần Hưng Đạo, Hùng Vương, Lý Tự Trọng và Long Bình sẽ tổ chức cho học sinh đăng ký nguyện vọng. Mỗi học sinh được đăng ký vào một trường theo tuyến. Chỉ tiêu xét tuyển sẽ lấy điểm từ cao xuống thấp và chỉ xét theo hồ sơ đã đăng ký.

Hiệu phó Trường THCS Trần Hưng Ðạo Khoan Anh Tuấn cho biết năm học trước trường nhận được 1.200 hồ sơ nhưng chỉ tuyển sinh hơn 700 em. Nhiều năm qua sĩ số các lớp 6 đều quá tải. Trong khi đó, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trịnh Hoài Đức Huỳnh Thị Ánh Tuyết cho rằng phụ huynh không nên gây áp lực cho con bằng việc đưa ra “chỉ tiêu” vào trường này hay trường kia. Điều cần quan tâm là con mình học, tiếp thu kiến thức như thế nào.

Theo ông Cang, sẽ không có trường hợp nào không có trường để học. Chẳng hạn học sinh không đủ tiêu chuẩn học trường đã đăng ký thì có thể học ở trường khác đi xa hơn; hoặc học tại trường tư thục. Ví dụ, học sinh lớp 5 của Trường tiểu học Trịnh Hoài Đức sẽ được đăng ký xét tuyển vào Trường THCS Trần Hưng Đạo. Trước đây, học sinh không đủ điểm vào trường này thì có thể học ở Trường THCS Thống Nhất hoặc những trường lân cận khác theo tuyến. Nhưng năm nay, nếu học sinh đăng ký nguyện vọng vào Trường THCS Trần Hưng Đạo mà không đủ điểm thì sẽ không được vào học tại Trường THCS Thống Nhất cho dù điểm cao hơn điểm chuẩn của trường này, mà phải học ở những trường khác còn chỉ tiêu.

* Tập trung dạy và học

Một giáo viên khối 5 của Trường tiểu học Nguyễn Khắc Hiếu cho biết trước đợt thi học kỳ II nhà trường chỉ đạo giáo viên phải nâng cao trách nhiệm dạy học. Chỉ riêng môn Toán, đội ngũ giáo viên lớp 5 phải soạn tới 48 bài ở các dạng để gửi về Phòng GD-ĐT.

Học sinh lớp 5 đi học thêm tại một cơ sở ở TP.Biên Hòa.
Học sinh lớp 5 đi học thêm tại một cơ sở ở TP.Biên Hòa.

Trong khi đó, để có thể giành một suất vào học ở những trường xét tuyển điểm học kỳ II này, hầu hết học sinh lớp 5 đang phải dốc sức vào học tập sao cho hiệu quả nhất. Nhiều trường hợp các em không còn thời gian để vui chơi. Em Minh Anh, học sinh lớp 5/2 Trường tiểu học Nguyễn Du, được cha mẹ lên lịch học tập rất cụ thể: từ 7 -17 giờ học nhà cô và  trường; 18 giờ học toán và tiếng Việt tại nhà một cô khác; 19 giờ 30 đến 22 giờ gia sư đến nhà kèm. Sau một ngày học căng thẳng đó, Minh Anh phải chuẩn bị bài cho ngày hôm sau nên có hôm tới 23 giờ mới được đi ngủ. Cha mẹ của bé Minh Anh tâm sự, do muốn con được học Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm nên mới động viên cháu cố gắng để đạt nguyện vọng. Tương tự, em Thiên Ngân, học sinh lớp 5/9 Trường tiểu học Trịnh Hoài Đức, mỗi ngày chỉ biết học và học. Ông Phạm Văn Phát, phụ huynh em Ngân, bộc bạch: “Theo tôi, giáo dục cần có sự ổn định thì việc dạy và học mới đạt yêu cầu. Vì nếu thay đổi liên tục sẽ gây ra xáo trộn và căng thẳng cho các thầy cô giáo và học sinh. Trong 5 năm con tôi học tiểu học thì đã có 4 năm phải chịu áp dụng những quy định, cải tiến mới, nhiều khi chưa kịp quen lại phải điều chỉnh theo hướng khác. Điều này không chỉ các cháu vất vả để bổ sung kiến thức, mà phụ huynh chạy theo cũng… hụt hơi”.

Phương Liễu

 

 

Tin xem nhiều