Chương trình phân loại rác tại nguồn được triển khai thí điểm tại TP.Biên Hòa từ năm 2008 đến nay. Tuy nhiên, chương trình này vẫn chưa nhận được sự hưởng ứng tích cực từ người dân.
Chương trình phân loại rác tại nguồn được triển khai thí điểm tại TP.Biên Hòa từ năm 2008 đến nay. Tuy nhiên, chương trình này vẫn chưa nhận được sự hưởng ứng tích cực từ người dân.
Nguyên nhân là do công tác tuyên truyền cho chương trình còn hạn chế, nhiều người dân chưa hiểu hết ý nghĩa cũng như tác dụng của việc phân loại rác tại nguồn nên còn thờ ơ.
* Chưa trở thành thói quen
Dọc theo con đường hẻm tại KP.1, phường Hòa Bình là khu vực dân cư mà cách đây 8 năm, người dân rất vui mừng khi nhận được 2 thùng rác và túi đựng rác miễn phí để sử dụng phân loại rác hữu cơ và vô cơ. Tuy nhiên, đến nay số hộ duy trì phân loại rác chỉ còn vài hộ và việc phân loại chưa thực hiện đúng.
Nhân viên thu gom rác thải tại phường Quyết Thắng và Hòa Bình (TP.Biên Hòa). Ảnh: N.LIÊN |
Bà Lý Thị Thu Vân, ngụ tại KP.1, phường Hòa Bình, cho biết quanh khu vực nhà bà hầu như không ai thực hiện phân loại rác. Thời gian đầu khi mới nhận được thùng rác từ cơ quan chức năng mọi người hào hứng thực hiện, nhưng được một thời gian ngắn thì đâu lại vào đấy. Theo bà Vân, phần lớn người dân không thực hiện là do xung quanh không ai làm: “Cơ quan chức năng phải thường xuyên tuyên truyền, tác động để mọi người cùng hiểu và thực hiện việc phân loại rác tại nguồn. Việc này phải duy trì một thời gian dài, khi đó việc phân loại rác tại nguồn sẽ trở thành thói quen trong sinh hoạt hàng ngày. Bên cạnh đó, việc thu gom rác cũng cần hiệu quả hơn” - bà Vân nhận xét.
Theo ông Đặng Văn Minh, Phó trưởng phòng Tài nguyên - môi trường TP.Biên Hòa, tổng lượng rác thải tại TP.Biên Hòa mỗi ngày là khoảng 500-550 tấn. Trong năm 2015 thành phố sẽ triển khai rộng chương trình phân loại rác tại nguồn ra các khối cơ quan nhà nước, trường học và chợ; tăng cường phối hợp tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân nâng cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm trong việc phân loại rác tại nguồn. |
Bà Hoàng Nhung, nhân viên thu gom rác thuộc Xí nghiệp môi trường Biên Hòa, cho biết chỉ khoảng 30% hộ dân thực hiện phân loại rác tại nguồn, nhưng quá trình phân loại chưa đúng. Do đó, nhân viên thu gom vẫn phải phân loại trước khi trung chuyển về điểm tập kết rác. “Việc phân loại rác mất rất nhiều thời gian, nếu bà con thực hiện phân loại đúng trước khi bỏ rác thì chúng tôi sẽ tiết kiệm thời gian để có thể thu gom tại những điểm khác sớm hơn” - bà Nhung chia sẻ.
* Cần sự phối hợp đồng bộ
Chương trình thí điểm phân loại rác tại nguồn ở TP.Biên Hòa được Sở Tài nguyên - môi trường triển khai tại 4 phường: Hòa Bình, Thanh Bình, Quyết Thắng, Trung Dũng. Thời gian đầu công tác tuyên truyền cho chương trình được các phường tổ chức rất “rầm rộ”. Các khu phố, tổ dân phố tổ chức họp dân phát động phong trào, đi tới từng hộ nhắc nhở, kiểm tra, hỗ trợ thùng và túi đựng rác… nên người dân hưởng ứng rất tích cực.
“Mới đây Phòng Tài nguyên - môi trường đã kiểm tra thực trạng phân loại rác tại nguồn tại các phường thí điểm. Kết quả cho thấy phần lớn người dân phân loại rác theo kiểu đối với những loại rác vô cơ còn có thể bán phế liệu thì tách riêng, nhưng những loại rác như: thủy tinh, sành sứ, gỗ… không thể bán phế liệu thì gom chung với các loại rác khác. Hầu hết người dân đều tận dụng các loại túi ny-lông đã qua sử dụng để đựng rác chứ không dùng các loại bao chuyên dụng để đựng rác”. |
Thế nhưng sau đó do công tác tuyên truyền, cổ động không được thực hiện thường xuyên, cộng với việc Nhà nước ngưng cấp túi đựng rác thì chương trình cũng tạm lắng theo. Nói về vấn đề này, ông Đặng Văn Minh, Phó trưởng phòng Tài nguyên - môi trường TP.Biên Hòa, cho biết thành phố không có kinh phí để cấp miễn phí thường xuyên, nên sau đợt cấp miễn phí lần đầu thì người dân phải tự trang bị túi đựng rác cho mình. Do đó, hiệu quả phân loại rác cũng giảm hẳn. Bên cạnh đó, người dân cũng phản ánh tình trạng nhân viên gom chung các loại rác, gom rác trễ giờ đã thông báo cũng là một trong những nguyên nhân khiến người dân không mặn mà với việc phân loại rác tại nguồn.
Trao đổi về vấn đề thu gom rác thời gian qua, Phó giám đốc Xí nghiệp môi trường Biên Hòa Nguyễn Thị Bích Châu cho biết theo quy định thì nhân viên thu gom rác phải dùng 2 xe riêng để đựng rác hữu cơ và vô cơ. Tuy nhiên, một số con hẻm trong khu dân cư quá nhỏ nên nếu 2 xe vào cùng một lúc sẽ rất bất tiện nên nhân viên cho 1 xe vào. Sau khi trở ra mới phân loại rác ra trước khi chuyển đi. “Thời gian qua xí nghiệp có nhận thông tin phản ánh của người dân. Chúng tôi thường xuyên nhắc nhở nhân viên phải giải thích rõ nguyên nhân để người dân không hiểu nhầm” - bà Châu giải thích thêm.
Ngọc Liên