Theo đánh giá của Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em thuộc Bộ Lao động - thương binh và xã hội, Đồng Nai là địa phương có số vụ trẻ đuối nước cao với từ 30-40 vụ/năm, chủ yếu tập trung vào hè.
Theo đánh giá của Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em thuộc Bộ Lao động - thương binh và xã hội, Đồng Nai là địa phương có số vụ trẻ đuối nước cao với từ 30-40 vụ/năm, chủ yếu tập trung vào hè.
Tai nạn đuối nước vẫn là nỗi lo lắng đối với phụ huynh, nhất là dịp hè đến là thời điểm các em thường đi tắm sông, suối.
* Trẻ em ít được học bơi
Đồng Nai có nhiều sông, suối, kênh rạch; đồng thời lại có thêm những hầm hố ở các khu vực khai thác đá, xây dựng… tạo nguy cơ cao về đuối nước ở trẻ em.
Mùa hè, nhiều trẻ đến bơi và tập bơi tại hồ Ngọc Phát Riverside, TP.Biên Hòa (ảnh mang tính minh họa). Ảnh: P.Liễu |
Thời gian qua, những vụ đuối nước đau lòng đã xảy ra trên địa bàn. Cụ thể, trong kỳ nghỉ lễ 30-4 vừa qua, 2 sinh viên Trường cao đẳng nghề Đồng Nai (phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa) là Huỳnh Trọng Nghĩa và Huỳnh Thanh Tuấn (đều 18 tuổi) đã chết đuối khi đi tắm biển Vũng Tàu. Trước đó, 2 học sinh Võ Anh Kiệt và Nguyễn Văn Công (cùng 13 tuổi) ngụ tại ấp An Hòa, xã Hóa An (TP.Biên Hòa) chết đuối khi tắm ở hầm đá Hóa An; vụ 2 trẻ cũng ở xã Hóa An đến nhà bà ngoại chơi, bị chết do té giếng bỏ hoang. Còn cách đây 2 năm, vụ 5 trẻ ở xã Xuân Tâm (huyện Xuân Lộc) đi tắm hồ Núi Le đuối nước một lúc… Những vụ việc thương tâm trên đã để lại nỗi đau xót lớn cho gia đình, người thân.
Theo ông Nguyễn Hữu Thành, chương trình dạy bơi cho học sinh đã triển khai cách đây 3 năm. Thời gian qua Chi cục Bảo trợ xã hội - bảo vệ và chăm sóc trẻ em cũng đã phối hợp với ngành giáo dục tổ chức nhiều buổi tuyên truyền về phòng chống đuối nước tại các trường, kể cả tập bơi cho giáo viên. Song cái khó là hiện nay là thầy đã được học bơi, nhưng trường không có hồ bơi để thầy dạy lại cho học sinh. Toàn tỉnh có 800 trường học nhưng mới chỉ có 7 trường tư thục xây hồ bơi. |
Theo thống kê chưa đầy đủ của Chi cục Bảo trợ xã hội - bảo vệ và chăm sóc trẻ em tỉnh (Sở Lao động - thương binh và xã hội), từ năm 2008 đến nay, mỗi năm toàn tỉnh có trên 30 trẻ tử vong do đuối nước. Ông Nguyễn Hữu Thành, Chi cục trưởng Chi cục Bảo trợ xã hội - bảo vệ và chăm sóc trẻ em tỉnh, đánh giá: “Qua những vụ đuối nước cho thấy, chủ yếu ở trẻ dưới 15 tuổi, xảy ra nhiều ở dịp hè khi cha mẹ đi làm. Bên cạnh đó, môi trường sống ở nông thôn chưa thật an toàn khi nhiều nhà gần ao, hồ, sông, suối nhưng không có rào che chắn; giếng, bể nước không có nắp đậy. Thiếu sân chơi cho trẻ em nên tắm sông, suối là một trong những hoạt động giải trí chính trong dịp hè. Điều đáng lo ngại là trẻ đuối nước phần lớn do không biết bơi, nhưng nhiều trường hợp, trẻ biết bơi vẫn chết do nhảy xuống cứu bạn, nhưng lại thiếu kỹ năng cứu hộ”.
* Chống đuối nước, phải dạy trẻ biết bơi
Thời gian gần đây, nhiều gia đình ở TP.Biên Hòa đưa con em đi học bơi ở các hồ bơi có người hướng dẫn. Theo những gia đình này, trẻ được học bơi sẽ biết được một vài kỹ năng cần thiết khi xuống nước.
Chị Mai Thị Anh Thư, ngụ ở phường Tân Phong (TP.Biên Hòa), cho biết sáng chủ nhật nào cũng đưa con đi bơi ở Nhà thiếu nhi Đồng Nai. Mới 9 tuổi, nhưng cậu bé con chị Thư đã bơi khá tốt. Nhận định về khả năng của trẻ biết bơi, chị Anh Thư nói: “Ở thành phố không có sông, suối, nhưng tôi vẫn cho cháu học bơi để khi hè về quê chơi với ông bà; hoặc đi du lịch nếu có bị sự cố thì cháu có thể ứng dụng các kỹ năng đã học để chống đuối nước”.
Tương tự, chị Trần Thị Kim Hương (phường Tân Mai), chị Nguyễn Thị Nga (phường Tân Phong) sáng và chiều thứ bảy, chủ nhật đều đưa con đến bơi tại hồ Thảo Nguyên ở phường Tân Tiến. Theo những gia đình này, trẻ học bơi vừa được trang bị kiến thức cần thiết về chống đuối nước; đồng thời vận động nhiều trẻ sẽ khỏe mạnh, ăn uống tốt hơn.
Mới đây, Sở GD-ĐT đã làm việc với Hiệp hội Thể thao dưới nước Việt Nam về việc xây dựng hồ bơi trong các trường học ở Đồng Nai. Dự kiến, tỉnh phối hợp với cơ quan này tiến hành khảo sát và thực hiện thí điểm xây dựng hồ bơi tại một số trường học ở TP.Biên Hòa và huyện Vĩnh Cửu theo hướng xã hội hóa. Mỗi hồ bơi sẽ có diện tích từ 200-600m2 với mức đầu tư khoảng 2-3 tỷ đồng. Khi hoàn thành, học sinh sẽ được học bơi cùng các kỹ năng khi tắm dưới nước. Tuy nhiên, với nhiều trường ở TP.Biên Hòa thì việc dành diện tích để xây hồ bơi gặp khó khăn vì khuôn viên nhà trường chật hẹp. |
Tuy nhiên, ở 2 huyện Xuân Lộc và Vĩnh Cửu là địa bàn hàng năm có số vụ trẻ chết đuối nhiều so với các địa phương khác trong tỉnh, nhưng việc dạy bơi cho học sinh tiểu học và THCS vẫn còn hạn chế. Bà Nguyễn Thị Chương, cán bộ làm công tác trẻ em của huyện Xuân Lộc, cho biết lãnh đạo huyện khá quyết liệt trong công tác phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ, nhất là đuối nước. Ngoài biện pháp vận động, tuyên truyền, làm rào chắn, cắm biển báo tại những khu vực nguy cơ cao, lãnh đạo UBND huyện còn chỉ đạo những xã nào để xảy ra tình trạng trẻ đuối nước, chủ tịch UBND xã phải chịu trách nhiệm. Đối với việc dạy bơi cho trẻ, do điều kiện các xã cũng như các trường học không có hồ bơi, nên hiện nay chỉ có xã Xuân Thọ triển khai dạy bơi cho học sinh tiểu học và THCS, nhưng số lượng vẫn hạn chế.
Không biết đến bao giờ các chương trình, kế hoạch, dự án về dạy bơi cho học sinh được triển khai, trong khi cứ mỗi kỳ hè về chúng ta lại chứng kiến một số trường hợp thương tâm khi trẻ em bị đuối nước.
Phương Liễu