Thời gian gần đây, một số người điều khiển xe 2 bánh từ KP.1, KP.2, phường Long Bình (TP.Biên Hòa) để vào Khu công nghiệp Amata trong tình trạng chạy ngược chiều trên xa lộ Hà Nội diễn ra khá phổ biến.
Thời gian gần đây, một số người điều khiển xe 2 bánh từ KP.1, KP.2, phường Long Bình (TP.Biên Hòa) để vào Khu công nghiệp Amata trong tình trạng chạy ngược chiều trên xa lộ Hà Nội diễn ra khá phổ biến.
Các phương tiện đi ngược chiều trên xa lộ Hà Nội, đoạn thuộc khu vực cầu vượt Amata (ảnh chụp lúc 9 giờ ngày 27-5). Ảnh: Đ.DUY |
Nếu đi đúng hướng, người tham gia giao thông phải tới cầu Hang hơn 1km, sau đó quay trở lại ngã tư Amata. Với đoạn đường khá xa này, hầu hết số người ở KP.1, KP.2 không ngần ngại đi ngược chiều để giảm được thời gian, bất chấp nguy hiểm bởi lượng xe đi thuận chiều ở khu vực này khá đông.
Trao đổi về vấn đề cử tri phường Long Bình kiến nghị cho mở dải phân cách ở đoạn phía trước Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, ông Nguyễn Bôn, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh, khẳng định đề nghị không thể thực hiện được. Lý do vì đây là xa lộ nên mật độ lưu thông đông, xe từ cầu vượt đổ dốc với tốc độ cao nên nếu mở dải phân cách sẽ dễ gây tai nạn cho người điều khiển phương tiện khi qua đường. |
Bà Nguyễn Thị Yến, ngụ ở KP.1, phường Long Bình, bán nước giải khát ngay ngã ba đường Yết Kiêu - xa lộ Hà Nội, cho biết dân cư ở KP.1 và KP.2 rất đông đúc. Hàng ngày người lao động đi làm ở Khu công nghiệp Amata hoặc đi hướng Tam Hiệp thường không chấp hành lưu thông đúng tuyến mà chấp nhận đi ngược chiều. Không chỉ trong giờ cao điểm mà tình trạng hàng trăm công nhân đi xe 2 bánh thành từng đoàn đối đầu với xe đi thuận chiều diễn ra thường xuyên nên rất nguy hiểm. Bởi ai cũng sợ trễ giờ làm nên họ chạy xe rất nhanh, thậm chí luồn lách trong dòng xe chạy thuận chiều với tốc độ cao. Nếu phát hiện cảnh sát giao thông từ xa, những người đi phía trước liền quay đầu trở lại báo hiệu, ngay lập tức số người đi ngược chiều liền cho xe vòng lại nên rất lộn xộn. Những đợt cảnh sát giao thông kiểm tra gắt gao thì tình hình đi ngược chiều giảm bớt, nhưng khi lực lượng này đi khỏi thì mọi chuyện lại như cũ.
Cùng bức xúc như bà Yến, ông Nguyễn Xuân Thu, ngụ KP.2, phường Long Bình, cho rằng việc đi xe ngược chiều trên xa lộ luôn rình rập những hiểm nguy. Do đó, tình trạng chạy xe ngược chiều dẫn đến tai nạn giao thông là khó tránh khỏi. Theo ông Thu, trước khi xây dựng cầu vượt Amata thì việc sang đường ở khu vực này tương đối dễ. Tuy nhiên, khi cầu vượt Amata khánh thành đưa vào sử dụng thì toàn bộ dân cư trong KP.1 và KP.2 phải đi đường vòng khá xa mới đến được ngã tư Amata. Điều này gây bất tiện cho người điều khiển xe 2 bánh nên dẫn đến việc lưu thông vi phạm pháp luật khá phổ biến. Đông đảo cử tri ở phường Long Bình đã nhiều lần kiến nghị chính quyền địa phương đề xuất cơ quan chức năng cho mở dải phân cách ở đoạn phía trước Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, nhưng đến nay vẫn chưa thấy hồi đáp.
Nhận định về tình trạng xe đi ngược chiều trên xa lộ Hà Nội, ông Trần Dương Vũ, Phó phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa, thừa nhận là rất nguy hiểm. Để tạo thuận tiện cho người lao động ở phường Long Bình đi làm trong Khu công nghiệp Amata, chủ trương của lãnh đạo thành phố là mở đường trong Khu công nghiệp Amata. Mới đây, các ngành chức năng của TP.Biên Hòa đã có cuộc họp với lãnh đạo Khu công nghiệp Amata. Tại cuộc họp này, các bên đã thống nhất mở con đường mới phía trong khu công nghiệp. Tuy nhiên, lãnh đạo của Khu công nghiệp Amata cho biết phải xin ý kiến của chủ Tập đoàn Amata đang ở Thái Lan, nếu được chấp thuận thì mới triển khai thực hiện. |
Có mặt tại khu vực ngã ba đường Yết Kiêu - xa lộ Hà Nội chừng một giờ đồng hồ, chúng tôi ghi nhận có đến hàng trăm trường hợp vô tư đi ngược chiều. Dường như chẳng ai nghĩ đến những mối nguy hiểm đối với bản thân mình và cho người khác khi đi ngược đường một chiều nên rất thản nhiên luồn lách, thậm chí phóng khá nhanh trước những phương tiện khác đang đi thuận chiều phía trước.
Đỗ Duy