Báo Đồng Nai điện tử
En

Đường thành... ao

11:05, 10/05/2015

Chỉ cần một cơn mưa, con hẻm 240 ở tổ 1, ấp 3, xã An Phước (huyện Long Thành) nước đọng thành vũng, chẳng khác gì ao tù. Mùa mưa năm nay sắp đến khiến người dân nơi đây không khỏi lo lắng…

Chỉ cần một cơn mưa, con hẻm 240 ở tổ 1, ấp 3, xã An Phước (huyện Long Thành) nước đọng thành vũng, chẳng khác gì ao tù. Mùa mưa năm nay sắp đến khiến người dân nơi đây không khỏi lo lắng…

Tình trạng đường biến thành ao sau mỗi cơn mưa kéo dài đã hơn 5 năm qua. Đáng kể là vào cao điểm mùa mưa thì khu dân cư tổ 1 trở thành túi chứa nước từ các nơi đổ về. Trước những bất tiện trong việc đi lại, sinh hoạt người dân nơi đây đã liên tục phản ánh với chính quyền địa phương nhưng đến nay mọi chuyện vẫn ở phía trước.

* Nỗi lo mùa mưa đến

Cơn mưa sáng 3-5 vừa qua chưa đầy 30 phút, song con hẻm 240 đã thành một ao lớn, còn mặt đường thì ngập nước.

Cơn mưa đầu mùa ngày 3-5 vừa qua đã làm hẻm 240 thành ao, lầy lội
Cơn mưa đầu mùa ngày 3-5 vừa qua đã làm hẻm 240 thành ao, lầy lội

Ông Vũ Văn Ninh, Tổ phó tổ nhân dân số 1, cho biết sau mỗi cơn mưa hẻm 240 và một số hẻm nhỏ khác thành ao, nước tràn vào nhà như suối. Nguyên nhân của tình trạng này là do tổ 1 ở vùng trũng nên sau những cơn mưa thì nơi đây như một cái túi chứa nước từ các nơi đổ về.

Theo ông Ninh, từ khi UBND huyện Long Thành cho san lấp một phần khu đất này để làm Trung tâm văn hóa - thông tin và thể thao huyện Long Thành cùng một số công trình khác thì khu đầm lầy bị thu hẹp. Vì vậy, trong suốt mùa mưa thì khu dân cư tổ 1 luôn bị ngập úng.

Ông Lê Văn Tiếp, Chủ tịch UBND xã An Phước (huyện Long Thành), cho biết vấn đề ngập úng tại tổ 1, ấp 3 đã được Sở Xây dựng phối hợp với UBND huyện Long Thành khảo sát, lập hồ sơ thiết kế. Các đơn vị được giao đang trong giai đoạn hoàn chỉnh những thủ tục dự án trình cấp trên phê duyệt. Trong thời gian chờ dự án triển khai, địa phương sẽ tiếp tục hỗ trợ, chia sẻ những khó khăn của bà con khi mùa mưa sắp đến.

Cùng nhận định, ông Lê Văn Nam bức xúc, cho rằng sau những cơn mưa thì dân cư trong khu vực rất vất vả trong việc đi lại và dọn dẹp nhà cửa vì nước tràn vào nhà. Cả khu vực chẳng khác gì một cù lao nhỏ chìm trong nước bẩn kèm rác. Nước ngập nhà làm hỏng đồ đạc, nền bị bong tróc, đồng thời rắn, rít cũng kéo nhau theo nước vào nhà trú ngụ. Đáng kể là tình trạng nước ngập luôn các giếng nên không sử dụng nước được. Người dân phải hứng nước mưa dùng tạm hoặc mua nước về xài. Để đi làm, đưa con đi học, người dân phải xăn quần bì bõm lội nước; xe gắn máy phải gửi bên ngoài vì nước ngập gần cả mét nên không chạy được.

Cũng vì bị ngập úng triền miên, mùa mưa năm 2013, khu vực tổ 1 bùng phát dịch sốt xuất huyết, nhiều nhà khóa cửa đi thuê phòng trọ ở. Gặp chúng tôi, người dân trong khu vực này khẳng định cứ vào mùa mưa là nơi đây xuất hiện các bệnh như: sốt, tiêu chảy, ghẻ ngứa. Người lớn ngoài việc lo kê cao đồ đạc, xua đuổi rắn, rít còn phải luôn trông chừng trẻ nhỏ khỏi bị đuối nước.

* Chờ thêm một mùa mưa

Trước tình trạng bị ngập úng năm này qua năm khác, người dân tổ 1 đã liên tục phản ảnh lên ấp, xã, huyện với mong muốn được giúp đỡ. Phó chủ tịch UBND xã An Phước Nguyễn Minh Hùng thừa nhận chuyện bà con ở tổ 1, ấp 3 bị ngập nước vào mùa mưa chính quyền địa phương đã biết từ lâu. Qua đó, lãnh đạo địa phương đã thường xuyên cử cán bộ về thăm, động viên nhân dân; đồng thời đã có văn bản kiến nghị lên huyện. Tuy nhiên, theo ông Hùng, muốn giải quyết triệt để vấn đề ngập nước ở đây phải cần nguồn kinh phí lớn, trong đó phải xây dựng hệ thống tiêu nước, nâng đường.

Nhiều nhà ở tổ 1, ấp 3, xã An Phước bị hư hỏng sau những năm hứng chịu nước ngập. Trong ảnh: Nền nhà của một hộ dân bị bong tróc.
Nhiều nhà ở tổ 1, ấp 3, xã An Phước bị hư hỏng sau những năm hứng chịu nước ngập. Trong ảnh: Nền nhà của một hộ dân bị bong tróc.

Trong thời gian chờ UBND huyện bố trí ngân sách thực hiện công trình, người dân khu vực này tự bỏ tiền túi ra nâng đường, nền nhà, xây bờ bao, dùng máy hút nước. Vì mạnh ai nấy làm nên nước từ chỗ cao tràn sang chỗ thấp, lênh láng ra đường và hình thành các khu vực ao tù, ứ nước… sinh ra ruồi, muỗi. Bà Ba Thư, ngụ ở tổ 1 đã lâu cho rằng người dân rất mệt mỏi khi phải tự giải quyết tình trạng nước ngập nhiều năm qua, nhất là luôn thấp thỏm với các ổ dịch: sốt rét, tiêu chảy, nấm tay chân vì phải sống chung với nguồn nước bẩn lâu ngày tích tụ một chỗ.

Nói về cuộc sống người dân trong ấp 1, ông Nguyễn Văn Hồng, Trưởng ấp 1, cho biết năm nào cũng phải vận động bà con góp hàng chục triệu đồng để chống ngập. Song vì không có lối thoát nước nên số đất, đá đổ xuống nhanh chóng bị trôi mất. “Đó chỉ là biện pháp tạm thời trong mùa mưa mà chính quyền cơ sở kêu gọi người dân chia sẻ khó khăn chung. Trong khi đó, hẻm 240 thuộc huyện quản lý nên ấp và xã dù rất muốn xã hội hóa chống ngập lại không thuộc thẩm quyền. Chúng tôi và bà con liên tục kiến nghị lên huyện về tình trạng này. Thế nhưng, đã qua 5 năm rồi huyện vẫn chưa có kế hoạch đầu tư cho dự án thoát nước khu vực tổ 1. Mùa mưa năm nay sắp đến, bà con lại đang chuẩn bị các phương án để đối phó với… nước mưa từ các nơi đổ về” - ông Hồng nhấn mạnh

Đoàn Phú

 

 

 

Tin xem nhiều