Cơn lốc xoáy chiều 21-4 gây thiệt hại lớn cho một số hộ dân các huyện: Thống Nhất, Định Quán, Xuân Lộc. Điều đáng chú ý là dù chưa vào mùa mưa nhưng lốc xoáy bất ngờ xảy ra, cho thấy diễn biễn bất thường của thời tiết khiến người dân không trở tay kịp.
Cơn lốc xoáy chiều 21-4 gây thiệt hại lớn cho một số hộ dân các huyện: Thống Nhất, Định Quán, Xuân Lộc. Điều đáng chú ý là dù chưa vào mùa mưa nhưng lốc xoáy bất ngờ xảy ra, cho thấy diễn biễn bất thường của thời tiết khiến người dân không trở tay kịp.
Lốc xoáy ngày 21-4 vừa qua làm 2 trại gà trên 10 ngàn con của hộ ông Phạm Nghĩa Tùng Phong tại xã Gia Tân 2 (huyện Thống Nhất) sụp đổ hoàn toàn, gây thiệt hại 500 triệu đồng. Ảnh: N.LIÊN |
Đến nay, nhiều địa phương trong tỉnh đang tập trung tổ chức nạo vét, khơi thông cống rãnh thoát nước tại các khu dân cư. Đồng thời tuyên truyền, vận động người dân gia cố nhà cửa, trang trại… nhằm hạn chế thiệt hại về tài sản do thiên tai trong mùa mưa bão sắp tới.
Những ngày qua, người dân tại một số xã xảy ra thiên tai vẫn còn bị ám ảnh bởi cơn lốc xoáy tàn phá nhà cửa, trang trại, hoa màu. Nhiều gia đình lâm vào cảnh khó khăn vì tài sản đã bị cơn lốc cuốn mất. Một trong những gia đình bị thiệt hại nặng nề nhất là hộ ông Phạm Nghĩa Tùng Phong (ấp Bình Lâm, xã Gia Tân 2, huyện Thống Nhất). Trước khi xảy ra sự cố, trang trại của ông Phong có hàng ngàn con gà đang đẻ. Trong cơn lốc xoáy, 2 trại gà đã bị sập hoàn toàn. Vì quá bất ngờ nên ông Phong không kịp trở tay, hậu quả là hơn 1.200 con gà mái đẻ mỗi con trên 1kg bị chết. Số gà còn lại ông Phong phải chuyển gấp về Công ty cổ phần chăn nuôi CP để đưa đi trại khác nhờ nuôi giúp. “Hơn 10 năm làm trang trại chưa bao giờ tôi lâm vào tình cảnh thế này. Đây cũng là lần đầu tiên khu vực này bị lốc xoáy tàn phá nên thiệt hại khá nặng. Toàn bộ chuồng trại bị sập, tài sản đã bị cơn lốc cuốn đi gây thiệt hại khoảng 500 triệu đồng. Để gầy dựng lại, có lẽ tôi phải mất một thời gian dài nữa mới có thể được như cũ” - ông Phong buồn bã nói.
Năm 2014, dù thiên tai không ảnh hưởng đến tính mạng con người nhưng đã làm thiệt hại nhiều tài sản của nhân dân trên địa bàn tỉnh. Cụ thể: 395 căn nhà bị tốc mái, 10 căn nhà cấp 4 bị đổ sập, 81 hécta cây trồng bị đổ ngã; hệ thống điện, một số đường giao thông bị sự cố, hư hỏng... |
Theo những gia đình bị thiệt hại, chưa khi nào lốc xoáy lại xuất hiện ở khu vực này. Chính vì chẳng ai ngờ tới nên khi gió lốc tràn tới thì nhà cửa người dân lần lượt tung mái, đổ sập. Hơn nữa, các trang trại chăn nuôi heo, gà tập trung ở khu vực này khá đông song sự đầu tư chuồng trại khá đơn giản nên cơn lốc dễ dàng cuốn đổ.
Nói về trận lốc diễn ra ngày 21-4 làm hư hại một số nhà của dân, Phó chủ tịch UBND xã Gia Tân 2 Lã Văn Hùng cho biết sau lốc xoáy chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân trong việc nâng cao ý thức phòng chống thiên tai, nhất là thời tiết ngày càng khó lường và mùa mưa đang đến gần. Trong khi đó, Phó chủ tịch UBND huyện Định Quán Trần Quang Tú cũng nhấn mạnh, giữa tháng 4 vừa qua, huyện đã có văn bản chỉ đạo các ngành chức năng của huyện tổ chức kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai, lũ lụt tại các địa phương. Qua đó có thể chủ động, kịp thời ứng phó những hiện tượng thời tiết bất thường xảy ra.
Tháng 3-2015, UBND tỉnh ban hành chỉ thị về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2015. Chỉ thị yêu cầu UBND các huyện, TX.Long Khánh, TP.Biên Hòa tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn người dân về nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất ở những khu vực có nguy cơ cao để người dân chủ động đề phòng, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai; thường xuyên kiểm tra, rà soát, lập danh mục các khu vực thường xảy ra thiên tai trên địa bàn để điều chỉnh, bổ sung vào phương án, kế hoạch cho sát thực tế, phù hợp với đặc điểm của địa phương; tiến hành sửa chữa các hạng mục công trình: thủy lợi, xây dựng, giao thông, điện, trường học… bị hư hỏng, đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ. |
Trước diễn biến bất thường của thời tiết, các địa phương trong tỉnh đã lên phương án để chủ động phòng chống lốc xoáy, ngập úng, lũ lụt trong mùa mưa sắp đến. Theo đó, Phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa đang triển khai nạo vét, khơi thông dòng chảy, khắc phục tình trạng ngập nước trước khi mùa mưa đến. Biên Hòa hiện có trên 10 điểm thường xuyên bị ngập vào mùa mưa; khoảng 50% trong số này là những điểm thường bị ngập khá lớn. Thông tin từ Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn cho biết đã có gần 30 ngàn phương tiện, trang thiết bị được chuẩn bị cho công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2015. Trong đó bao gồm các loại xuồng máy, ca nô; xe cứu hộ, cứu thương cùng các loại phao cứu sinh và các trang thiết bị khác, như: dây thừng, đèn pin, máy phát điện… Ngoài ra, các địa phương trong tỉnh đang tiến hành tập huấn công tác cứu hộ, cứu nạn nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu xảy ra.
Ngọc Liên