Báo Đồng Nai điện tử
En

Bảo hiểm y tế bắt buộc theo hộ gia đình: Đồng thuận chưa cao

12:05, 23/05/2015

Từ 1-1-2015, người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) tự nguyện chuyển sang hình thức BHYT bắt buộc theo hộ gia đình. Theo đó, để một người mua được thẻ BHYT thì tất cả các thành viên có tên trong sổ hộ khẩu, kể cả tạm trú trong gia đình đó phải cùng tham gia BHYT.

Từ 1-1-2015, người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) tự nguyện chuyển sang hình thức BHYT bắt buộc theo hộ gia đình. Theo đó, để một người mua được thẻ BHYT thì tất cả các thành viên có tên trong sổ hộ khẩu, kể cả tạm trú trong gia đình đó phải cùng tham gia BHYT.

Người bệnh nhận thuốc bảo hiểm y tế tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai mới.  Ảnh: P.Liễu
Người bệnh nhận thuốc bảo hiểm y tế tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai mới. Ảnh: P.Liễu

Đến nay, đã hơn 5 tháng thực hiện BHYT bắt buộc, song nhiều người cho rằng, quy định mới này có phần… ép dân; đặc biệt là những gia đình đông người có hoàn cảnh khó khăn.

Kinh tế chật vật…

Trong buổi tiếp xúc cử tri với Đoàn đại biểu Quốc hội mới đây, bà Nguyễn Thị Lân, ở xã Phú Lâm (huyện Tân Phú), cho biết gia đình bà có 9 người, nhưng chỉ có đứa con út dưới 6 tuổi và cha mẹ chồng ngoài 70 tuổi hay bệnh tật có thẻ BHYT. Nay chồng bà bị sỏi thận, muốn tham gia BHYT thì 5 mẹ con bà phải cùng mua thẻ BHYT. Bà Lân nói: “Tôi biết mua theo hộ gia đình sẽ được giảm tiền, nhưng một lúc phải mua 6 thẻ, hết khoảng 2,5 triệu đồng, số tiền này rất lớn với gia đình tôi. Trước đây, ai có nhu cầu thì mua, giờ buộc cả nhà phải tham gia, kể cả những người khỏe mạnh là tạo gánh nặng thêm cho những hộ nghèo như tôi”.

Theo quy định mới, người thứ nhất trong hộ gia đình mua BHYT sẽ đóng tối đa là 621.000 đồng/năm. Người thứ hai, thứ ba, thứ tư lần lượt có mức đóng giảm là 70%, 60% và 50% so với mức đóng của người thứ nhất. Từ người thứ năm trở đi, mức đóng chỉ còn bằng 40% mức của người thứ nhất.

Không chỉ lo về tiền để mua thẻ cho những người chưa tham gia, mà theo nhiều người, mua thẻ BHYT theo hộ gia đình rất phức tạp khi phải chứng minh sự tham gia BHYT của từng thành viên. Ông Nguyễn Phú Đông, 55 tuổi, ở xã Phú Vinh (huyện Định Quán), bức xúc: “Để được mua thẻ BHYT cho tôi với bà ấy, tôi phải gọi các con đi học, đi làm xa đem thẻ BHYT về để phô tô nộp cho đại lý. Một đứa cháu từ miền Trung vào tạm trú hộ khẩu nhà tôi, làm thợ hồ, nghèo không có tiền tham gia BHYT, tôi phải ứng tiền mua thẻ cho nó. Con dâu tôi trước đây có tên trong hộ khẩu, vợ chồng hiện đã ly hôn và nó đi Bình Dương làm việc, giờ tôi phải yêu cầu nó đưa giấy quyết định ly hôn về để chứng minh không còn thuộc gia đình tôi nữa. Mua được thẻ BHYT thật quá nhiêu khê và phiền toái”.

Về những khó khăn này, bà Nguyễn Thị Ngọc Cẩm, Trưởng phòng thu Bảo hiểm xã hội tỉnh, thừa nhận về mặt kinh tế, quy định tham gia BHYT theo hộ gia đình đúng là khó khăn cho những hộ thu nhập thấp. Song mục tiêu của Nhà nước là nhằm hướng đến ai cũng được chăm sóc sức khỏe;  đồng thời chia sẻ gánh nặng chi phí điều trị giữa người khỏe và người bệnh. Tuy nhiên, để hạn chế những xáo trộn, cơ quan BHXH vẫn cho những người đã tham gia BHYT tự nguyện trước đây tiếp tục tham gia mà không phải mua theo hộ gia đình, chỉ có những người chưa tham gia mới phải tuân thủ quy định này.

Chia sẻ rủi ro

Sở dĩ phải “luật hóa” việc tham gia BHYT theo hộ gia đình là để khắc phục tình trạng nhiều gia đình chỉ chọn mua BHYT cho những người ốm, người bị bệnh mạn tính mà chưa có ý thức cho mọi thành viên trong gia đình để phòng khi bệnh tật. Điều này dẫn đến chi trả từ Quỹ BHYT cho đối tượng tự nguyện luôn bội chi, mục đích chia sẻ rủi ro của bảo hiểm chưa đạt được.

Ông Dương Trung Quốc, đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Đồng Nai, cho biết: “Chính sách BHYT là hình thức “lúc khỏe mua để dành cho lúc bệnh”. Song lâu nay  phần lớn người dân “lựa chọn ngược” là đến lúc ốm hoặc ốm nặng mới đi mua BHYT. Do đó, việc bắt buộc tham gia BHYT toàn hộ gia đình không chỉ giúp bản thân đỡ gánh nặng viện phí mà còn chia sẻ nhân văn giữa người  bệnh và người khỏe”.

Nói cách khác, việc “luật hóa” BHYT nhằm phục vụ người dân, nhất là khi gặp rủi ro, bị tai nạn thương tích, bệnh tật thì sẽ được cơ sở y tế điều trị. Do đó, Phó giám đốc Sở Y tế Lê Quang Trung cho rằng mọi người dân nên tham gia BHYT, dù tự nguyện hay bắt buộc thì vẫn là đầu tư cho sức khỏe của mình. Theo ông Trung, nếu gia đình cùng tham gia thì chi phí mua thẻ giảm khá nhiều, trong khi quyền lợi vẫn như nhau. Hơn nữa, giá viện phí hiện nay vẫn đang được bao cấp, nghĩa là mới chỉ tính đến 3/7 yếu tố cấu thành viện phí thực chi nên người dân vẫn có thể chi trả được. Dự kiến đến năm 2018 giá khám, chữa bệnh được tính đúng, tính đủ, nếu không tham gia BHYT thì người bệnh sẽ không trả nổi viện phí. Còn nếu đợi đến lúc viện phí tăng mới tham gia BHYT, người bệnh sẽ không được hưởng những kỹ thuật cao, kỹ thuật mới trong điều trị vì không đủ thời gian tham gia. Sau này, Nhà nước sẽ không hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các bệnh viện, mà sẽ hỗ trợ trực tiếp cho người dân thông qua chi trả BHYT. Lúc đó, người tham gia BHYT sẽ được hưởng thụ nhiều hơn, mức chi tiêu trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình sẽ dần được giảm xuống.

 Phương Liễu

 

 
 

 

Tin xem nhiều