Đoàn khảo sát của Viện Khoa học pháp lý Bộ Chính trị vừa có cuộc khảo sát đánh giá những tác động kinh tế - xã hội của hoạt động thừa phát lại tại Đồng Nai.
Bà Dương Thị Thanh Mai.Ảnh: K.Liễu |
Đoàn khảo sát của Viện Khoa học pháp lý Bộ Chính trị vừa có cuộc khảo sát đánh giá những tác động kinh tế - xã hội của hoạt động thừa phát lại tại Đồng Nai. Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai, bà Dương Thị Thanh Mai, chuyên viên cao cấp của Bộ Tư pháp, Trưởng đoàn khảo sát, cho biết:
- Hoạt động của các văn phòng thừa phát lại tại Đồng Nai tương đối tốt, bước đầu đã khẳng định được vị trí, vai trò trong đời sống xã hội và bổ trợ tư pháp. Tuy nhiên, trình độ nghiệp vụ chuyên môn và kỹ năng cần thiết trong hoạt động thừa phát lại của những người làm nghề chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt trong tống đạt văn bản và lập vi bằng.
Tại các buổi làm việc với các cơ quan chức năng, bà có nhận định Đồng Nai là địa phương hội đủ điều kiện để hoạt động thừa phát lại đạt hiệu quả. Đó là những yếu tố nào, thưa bà?
- Nhìn từ nhiều góc độ khác nhau, có thể nói nhu cầu và điều kiện để phát triển thừa phát lại tại Đồng Nai là rất lớn. Hiện nay, Đồng Nai là địa bàn có số lượng án tồn nhiều thứ ba trên cả nước, chỉ sau TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội. Mặt khác, thời gian qua tốc độ phát triển kinh tế - xã hội ở Đồng Nai khá nhanh nên kéo theo đó là những phát sinh về tranh chấp dân sự, tranh chấp kinh tế... dẫn đến số lượng công việc của các cơ quan tư pháp rất lớn. Trong khi đó, biên chế làm việc có hạn nên rất cần có tổ chức như thừa phát lại nhằm giúp giảm tải, thông qua các công việc đặc thù của đơn vị này, như: tống đạt các giấy tờ, văn bản, lập vi bằng, thi hành án... Trước năm 1975 cả miền Nam có 18 văn phòng thừa phát lại, thì ở Biên Hòa đã có một văn phòng nên người dân ít nhiều đã biết về hoạt động này. Chính quyền địa phương cũng đã có nhận thức về sự cần thiết của hoạt động thừa phát lại. Khi có Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện thí điểm thừa phát lại thì Đồng Nai đã lập đề án đề nghị thực hiện thí điểm do Chính phủ phê duyệt.
Toàn tỉnh hiện có 5 văn phòng thừa phát lại, có trụ sở tại các huyện: Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom, TX.Long Khánh và TP.Biên Hòa. Từ đầu năm 2014 đến nay, các văn phòng trên đã thực hiện tống đạt 13.378 văn bản. Trong đó bao gồm 2.241 văn bản của cơ quan thi hành án dân sự, 11.137 văn bản của Tòa án nhân dân tỉnh và các huyện. Ngoài ra, các văn phòng thừa phát lại đã xác minh điều kiện thi hành án 13 vụ; ký hợp đồng thi hành án dân sự theo yêu cầu 11 vụ, lập 648 vi bằng. |
Nhưng trong thực tế, hoạt động thừa phát lại chưa phát huy hết hiệu quả, vậy theo bà nguyên nhân vì sao?
- Theo tôi, một trong những nguyên nhân làm hạn chế hiệu quả của hoạt động thừa phát lại chính là sự hiểu biết về hoạt động này của người dân và cán bộ công chức còn hạn chế, dẫn đến trách nhiệm phối hợp chưa tốt. Cụ thể, có đến 70% người dân khi được hỏi không biết gì về thừa phát lại. Bên cạnh đó, do đang thí điểm nên cơ sở pháp lý cho hoạt động này chỉ là nghị định hướng dẫn. Mặt khác, hoạt động thừa phát lại về cơ bản là hoạt động tố tụng, nhưng trong Luật Tố tụng lại không có chức danh thừa phát lại. Nên khi thừa phát lại thực hiện nhiệm vụ của mình, nhiều cấp tòa án không chấp nhận, hoặc áp dụng các quy định đối với thư ký tòa án cho thừa phát lại nên đặt ra những thủ tục mà luật không quy định. Bên cạnh đó, nhiều cơ quan vẫn còn tâm lý e ngại khi giao việc cho văn phòng thừa phát lại.
Hoạt động thừa phát lại TP.Biên Hòa. Ảnh: Ngọc Liên |
Để phát huy được vai trò thực tiễn của thừa phát lại trong đời sống pháp lý của địa phương, theo bà thì cơ quan chức năng cần làm gì trong thời gian tới?
- Hiện tại, công tác này đang trong thời gian thí điểm nên rất cần có sự hợp tác, hỗ trợ của các cơ quan tư pháp để rút kinh nghiệm, đưa hoạt động thừa phát lại từng bước hoàn thiện. Ban chỉ đạo tỉnh cần sát sao hơn nữa với tất cả các vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Hơn nữa, nên có phương thức giới thiệu rộng rãi một cách hiệu quả, thiết thực hơn về hoạt động thừa phát lại cho nhân dân biết.
Bản thân các văn phòng thừa phát lại phải biết khắc phục những hạn chế về kỹ năng và nghiệp vụ. Đồng thời, phải chủ động hơn trong việc giới thiệu về chức năng, hiệu quả mà mình mang lại cho người dân. Riêng những ý kiến đề xuất của các cơ quan trong tỉnh về việc hoàn thiện các thể chế của hoạt động thừa phát lại, chúng tôi sẽ tiếp thu và báo cáo lại để cơ quan chức năng xây dựng hoàn thiện các văn bản luật liên quan đến hoạt động thừa phát lại sau giai đoạn thực hiện thí điểm.
Kim Liễu (thực hiện)