Cù lao Phố, hay Nông Nại Đại Phố (thuộc xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) là những địa danh đã hình thành từ cách nay hơn 300 năm. Trải qua những thăng trầm với biết bao biến cố, cù lao Phố hôm nay không còn là thương cảng sầm uất xưa kia, song nơi này vẫn là niềm tự hào của người dân Biên Hòa bởi nó gắn bó với bề dày lịch sử ở vùng đất này…
Cù lao Phố, hay Nông Nại Đại Phố (thuộc xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) là những địa danh đã hình thành từ cách nay hơn 300 năm. Trải qua những thăng trầm với biết bao biến cố, cù lao Phố hôm nay không còn là thương cảng sầm uất xưa kia, song nơi này vẫn là niềm tự hào của người dân Biên Hòa bởi nó gắn bó với bề dày lịch sử ở vùng đất này…
Cầu Ghềnh trên sông Đồng Nai đã hơn 110 tuổi. |
Năm 1679, danh tướng Trần Thượng Xuyên cùng hơn 3 ngàn quân lính thuộc triều đại nhà Minh (Trung Quốc) được Chúa Nguyễn Phúc Tần cho phép đến khai khẩn và cư trú ở vùng Nông Nại Đại Phố trên đất Đồng Nai. Sau gần 2 thập kỷ, năm 1698 Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh cũng vào đất này và ra sức ổn định dân cư, phát triển kinh tế.[links(right)]
* Vùng đất linh
Cù lao Phố ngày nay vẫn là vùng đất yên bình, xung quanh được 2 nhánh của sông Đồng Nai bao bọc. Chẳng biết từ bao giờ, nhưng hình thành nên cù lao Phố là cả quá trình bồi đắp phù sa của sông Đồng Nai, tạo diện mạo hài hòa với thiên nhiên sông nước giữa lòng TP.Biên Hòa. Chính vì vậy, mỗi lần nhắc đến vùng đất này người dân xã Hiệp Hòa luôn dành tình cảm rất chân thật về trang sử hình thành của cù lao Phố.
Trước nhu cầu đổi thay ở cù lao Phố, Đại hội Đảng bộ xã Hiệp Hòa lần thứ V vừa diễn ra vào cuối tháng 3-2015, xác định: Tăng cường các giải pháp huy động nguồn vốn đầu tư để thúc đẩy kinh tế phát triển; từng bước đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa các loại hình kinh doanh, phương thức kinh doanh, mở rộng thương mại dịch vụ… nhằm từng bước thay đổi diện mạo cù lao Phố khang trang, hiện đại. |
Ông Võ Văn Tư, 83 tuổi, là đời thứ hai sau cha mình sống ở cù lao Phố. Nhớ về thời thơ ấu, ông Tư kể vanh vách thời gian Pháp còn chiếm đóng, người dân cù lao bị kìm kẹp đủ chuyện. Cứ 17 giờ mỗi ngày, lính Pháp đóng cửa cầu cống - đường duy nhất từ đường bộ vào cù lao. Hồi đó, toàn cù lao Phố có khoảng gần 2 ngàn dân, nhưng nhà này cách nhà kia khá xa. Đời sống nhân dân vùng cù lao trong thời Pháp rồi tới Mỹ rất cơ cực, chủ yếu sản suất lúa một vụ nên thiếu ăn. Khi còn là thiếu niên, cậu bé Tư đã phải lội bộ từ nhà sang trại cưa của ông Lê Văn Tích ở bờ sông gần đầu cầu Rạch Cát phía đình Phước Lư để làm công. Do thời gian nước “lấn” bờ, khoét sâu vào đất liền nên xưởng cưa sau này mất hẳn khiến cậu Tư mất việc, lại phải làm nông. Sống ở vùng cù lao từ nhỏ, ông Tư rành hết các rạch mà sông Đồng Nai chảy qua. Cứ chiều chiều, ông cùng nhóm bạn đi hết đoạn sông này đến khúc sông khác để tắm và câu cá. Do sống cả cuộc đời với dòng sông, nên khi nghe nhắc cù lao Phố, cầu Ghềnh sẽ “biến mất” nếu ở phía thượng nguồn sông Đồng Nai bị tác động mạnh, ông Tư liền bức xúc nói: “Chỉ có những người không gắn bó với vùng đất hơn 300 năm này nên độc miệng phán vậy. Bởi nơi đây là vùng đất linh có 11 đình, 5 chùa, 1 thánh thất... cù lao Phố đã trải qua nhiều thăng trầm với biết bao biến cố từ thời phong kiến cho tới đế quốc nhưng không hề hấn gì. Ai đó so sánh cù lao Phố như cái cồn nhỏ, nước sông có thể cuốn phăng đi là rất ác ý”. Theo ông Tư, đất ở cù lao Phố không những linh mà còn lành, nên sau ngày đất nước thống nhất, người ở nơi khác đến đây lập nghiệp rất đông.
Cùng nhận định như ông Tư, bà Nguyễn Thị Dung, 66 tuổi, là đời thứ ba phía bên ngoại hiện còn ở cù lao Phố, cho rằng vùng đất cù lao sẽ ngày một phát triển. Cơ sở để khẳng định điều này, chính là cầu Hiệp Hòa đưa vào sử dụng năm 2012, cầu Bửu Hòa hoàn thành năm 2014 và chuẩn bị thi công cầu An Hảo. Từ những thuận lợi này sẽ giúp người dân Hiệp Hòa đẩy mạnh kinh doanh trên các lĩnh vực, khai thông các hướng làm ăn hiệu quả.
* Cù Lao Phố sẽ đổi thay
Sau ngày miền Nam được giải phóng 30-4-1975, xã Hiệp Hòa từng bước khôi phục lại sản xuất nông nghiệp, tiếp đến hình thành hợp tác xã nông nghiệp làm ăn rất hiệu quả. Trải qua những năm tháng đi lên từ cây lúa, người dân xã Hiệp Hòa đã nỗ lực không ngừng để phát triển, song vì giao thông không thuận lợi nên vùng đất cù lao Phố vẫn còn nghèo so với nhiều nơi khác của TP.Biên Hòa. Chỉ đến khi cầu Hiệp Hòa rồi cầu Bửu Hòa đưa vào sử dụng, những dấu hiệu lạc quan về vùng đất linh mới khởi sắc.
Ông Võ Văn Tư bên dòng sông đã gắn bó thời thơ ấu của mình, bên cạnh là cầu Hiệp Hòa. |
Nhận định về những đổi thay của cù lao Phố, Chủ tịch UBND xã Hiệp Hòa Nguyễn Thị Kim Huệ khẳng định đã có những tiến triển nhất định. Xã Hiệp Hòa có trên 14 ngàn dân, tổng diện tích tự nhiên là 694 hécta. Là xã nông thôn mới nên địa phương chỉ đạo tập trung đầu tư sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại hóa; thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi sao cho hiệu quả; giảm diện tích trồng lúa sang trồng hoa màu các loại, nhất là cải tạo vườn tạp thành vườn cây ăn trái, vườn hoa kiểng phục vụ cho quy hoạch sinh thái sau này. Theo bà Huệ, những tồn tại ở cù lao Hiệp Hòa chính là kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội không đồng bộ, việc giao thương gặp trắc trở trong thời gian rất dài vì đường đến với địa phương chỉ có chiếc cầu hang nhỏ phía trên là đường sắt. Đến khi cầu Hiệp Hòa thông xe, tiếp đến cầu Bửu Hòa hoàn thành đã khiến người dân cù lao Phố mừng rơi nước mắt. Bởi từ nay trở đi, điều kiện làm ăn kinh tế đã mở lối ra cho người dân. Đây chính là cơ hội để cù lao Hiệp Hòa thay da đổi thịt trong thời gian tới...
Vào ban đêm sông Đồng Nai rất buồn, nó thiếu một thứ gì đó cần thiết giữa đô thị và thiên nhiên của một thành phố ngay bên cạnh dòng sông hiền hòa, thơ mộng. Mỗi lần trở lại thăm quê, tôi luôn trăn trở với câu hỏi: Bao giờ bờ sông Đồng Nai có được con đường trải dài ven sông; một công viên xinh đẹp ai cũng có thể cùng vợ con chiều chiều ra hóng mát; hoặc một khu shopping lịch sự, tiện nghi? Vấn đề này Biên Hòa rất cần thiết phải có, bởi tốc độ phát triển của thành phố hơn 300 tuổi thời gian qua còn chậm. Chính những hạn chế còn tồn tại mà Biên Hòa cần những bước đột phá táo bạo; phải có những công trình kiến trúc hiện đại, phù hợp với sự phát triển của địa phương. |
Cách đây không lâu, trong vài lần trò chuyện với TS. Đỗ Tấn Sĩ, tác giả bài viết này đã nghe ông tâm sự rất nhiều về tuổi thơ của mình bên dòng sông Đồng Nai, đoạn gần đình Phước Lư (phường Quyết Thắng, TP.Biên Hòa). Ông Sĩ cho rằng, Biên Hòa là thành phố hơn 300 tuổi, nhưng quá trình phát triển, nhất là kiến trúc đến nay vẫn chưa xứng tầm. Đặc biệt là sông Đồng Nai chưa được tận dụng để khai thác thành trục cảnh quan ven sông mà các nước châu Âu đã thực hiện từ lâu. Hoặc một số địa phương trong nước, như: sông Hàn
(TP.Đà Nẵng), sông Hương (tỉnh Thừa Thiên - Huế), sông Sài Gòn (TP.Hồ Chí Minh)… đã và đang tiếp tục hình thành những khu đô thị sầm uất. Nói cách khác, Biên Hòa không thể cứ mãi khư khư “ôm” một dòng sông với hai bên bờ nghèo nàn, trống vắng. Bởi ở đó thiếu những khu đô thị cộng sinh giữa cảnh quan thiên nhiên, văn hóa và kiến trúc quy hoạch sống động với không gian xanh. Đây mới là bức tranh hoàn chỉnh của một Biên Hòa mang tầm vóc, có ý nghĩa lịch sử nhưng vẫn hiện đại, thích nghi với môi trường và không gian chung.
Tạ Nguyên