Báo Đồng Nai điện tử
En

Sông Đồng Nai vẫn thủy chung (Bài 2)

11:04, 27/04/2015

Sau khi sông Đồng Nai được ngăn dòng để xây dựng công trình thủy điện Trị An, đến nay dòng sông không "chết" và nó cũng không "nổi giận" để tạo cơn sóng dữ như dạo ấy đã có người lên tiếng. Gần 30 năm qua, dòng sông Đồng Nai vẫn hiền hòa xuôi dòng cung cấp nước cho các vùng hạ lưu.

Sau khi sông Đồng Nai được ngăn dòng để xây dựng công trình thủy điện Trị An, đến nay dòng sông không “chết” và nó cũng không “nổi giận” để tạo cơn sóng dữ như dạo ấy đã có người lên tiếng. Gần 30 năm qua, dòng sông Đồng Nai vẫn hiền hòa xuôi dòng cung cấp nước cho các vùng hạ lưu.

Một khu vực dân chài ở thượng nguồn sông Đồng Nai, đoạn thuộc huyện Định Quán.
Một khu vực dân chài ở thượng nguồn sông Đồng Nai, đoạn thuộc huyện Định Quán.

Từ cầu Hóa An, chúng tôi theo ghe máy xuống vùng sông Cái đến tận khu vực phường Tam Hiệp (TP.Biên Hòa), rồi ngược trở lên đi về phía bên kia cầu Ghềnh. Gần 2 giờ lênh đênh trên sông nước, điều chúng tôi cảm nhận được là dọc hai bên bờ sông nhà cửa còn xập xệ và khá lộn xộn.

* Một lần dòng sông “nổi giận”

Ở tuổi 78, ông Lê Vân Thạnh (ông Sáu) nhà ở đối diện với công viên Nguyễn Văn Trị, phường Hòa Bình (TP.Biên Hòa) còn khá minh mẫn. Hướng mắt về dòng sông phía trước nhà, ông Sáu cho biết 60 năm trước, từ TX.Tân Uyên (tỉnh Bình Dương) gia đình ông đến đây sinh sống.

Hồi đó hai bên bờ sông ít nhà cửa, nhưng thuyền dọc, đò ngang đi lại rất tấp nập. Trước khi có cầu Hóa An thì đò ở bến Lò Lu (xã Hóa An) sang chợ Biên Hòa hoạt động khá nhộn nhịp. Chợ Biên Hòa bên này sông nên người đến buôn bán, bên kia sông các đoàn thuyền ghé lại mua gốm từ các lò khá đông. Chúng tôi còn đang miên man theo câu chuyện con sông cũ, bến đò xưa thì ông Sáu nhướn cặp lông mày trắng như cước lên nhìn trời rồi bất giác ông hỏi: “Các anh có biết trận lụt năm Nhâm Thìn 1952 không? Năm đó sông Đồng Nai như một biển nước. Tôi khi ấy 15 tuổi nên nhớ rất rõ cảnh nước đổ về cuồn cuộn. Người dân lo chạy lũ đến nơi khác ở, nhưng vật dụng trong nhà bị nước ngập mấy ngày nên hư hỏng hết. Ai cũng nói, lần đầu tiên thấy sông Đồng Nai “nổi giận”. Hình như đó là lần duy nhất con sông hiền hòa này “dậy sóng”, bởi từ đó cho đến nay dòng sông thơ mộng vẫn êm ả làm tròn sứ mệnh như bao đời qua”.

Nói về chất lượng nước sông Đồng Nai, một lãnh đạo Công ty cổ phần cấp nước Đồng Nai nhấn mạnh: “Những năm qua, tại Đồng Nai không hề có sự biến động nào lớn làm ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước. Theo đó,  kết quả xét nghiệm chất lượng nguồn nước hiện lấy trên sông Đồng Nai về độ pH, độ đục, độ cứng, độ mặn, sulfate, ammonium, manganese, nitrite, nitrate... đều thấp hơn tiêu chuẩn cho phép”.

Theo ông Sáu, ngày trước ở phía hạ lưu cầu Hóa An bây giờ có một cồn cát, người dân gọi là Cồn Gáo với vài hộ dân chài sinh sống. Sau trận lũ năm 1952, Cồn Gáo trở nên xơ xác. Vào đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, chính quyền cũ cho xây cầu Hóa An. Do cát ở khúc sông này tốt nên đội ngũ thi công cầu đã cho máy hút cát gần Cồn Gáo. Ngoài ra, có những chiếc thuyền dài từ 7-10m khai thác thủ công, xúc cát ở Cồn Gáo lên bán. Sau này, tình trạng khai thác cát loạn xạ nhiều năm trời khiến cồn này biến mất.[links(right)]

Ông Sáu khẳng định, trước khi xây dựng Nhà máy thủy điện Trị An, năm nào vùng hạ du sông Đồng Nai cũng bị ngập lụt vào mùa mưa. Hồi ấy người dân chỉ bằng kinh nghiệm “nhìn trời” mỗi khi thấy mưa lớn ở phía thượng nguồn khoảng 2 giờ thì lũ sẽ về đến Biên Hòa. Có những lần nước đổ về kéo theo nhiều bụi tre, gỗ rừng. Sau khi công trình thủy điện Trị An phát điện, lũ dường như ngừng hẳn. Những năm sau này, chỉ khi nào mùa mưa kéo dài, thủy điện xả lũ thì vùng hạ du sông Đồng Nai nước mới lớn.

* Bám sông mưu sinh

Trong thời gian đi khảo sát trên sông Đồng Nai, chúng tôi gặp một số “nhà thuyền” đang neo đậu. Gọi là “nhà thuyền” vì đây là nơi ở của những gia đình chọn dòng sông làm nơi mưu sinh nên “đóng đô” luôn trên thuyền.

Ông Huỳnh Tấn Ân theo cha vợ đến với sông Đồng Nai từ 3 năm qua.
Ông Huỳnh Tấn Ân theo cha vợ đến với sông Đồng Nai từ 3 năm qua.

Ông Nguyễn Văn Tong, 53 tuổi, quê Long An đã lênh đênh trên sông Đồng Nai từ khi 14 tuổi. Nói về cuộc đời ngụp lặn của mình trên dòng sông trong hàng chục năm qua, ông Tong cho rằng đã chọn đúng nơi để lập nghiệp. Ông kể, tuổi thơ của ông chịu nhiều thiệt thòi khi đất nước còn chiến tranh. Vì cuộc sống ở quê khó khăn nên ông bỏ học, theo người quen lên Biên Hòa. Sông Đồng Nai hồi ấy nhiều tôm, cá nên cậu bé Tong dễ dàng thả lưới đánh bắt thủy sản hàng ngày. Phải mất một thời gian ông mới “tậu” cho mình chiếc ghe riêng để làm ăn. Nhiều lúc ông Tong muốn ở luôn nhà làm lụng cho gần vợ con, song “nghiệp” sông nước cứ thôi thúc phải trở lại nơi đã “rèn” ông sức lao động và chăm chỉ để mưu sinh. Thế là ông quyết định tiếp tục làm nghề chài lưới trên sông Đồng Nai. Ban đầu ông chỉ xa nhà ít ngày mới về thăm vợ con. Sau này con cái lớn khôn, ông đem vợ theo ở luôn trên “nhà thuyền”. Cuộc sống của vợ chồng ông Tong rất giản đơn, hàng ngày chỉ thả lưới đánh bắt cá, tôm. Do thu nhập từ con tôm, ký cá trên sông Đồng Nai khá ổn định, năm 2012 ông Tong đem luôn vợ chồng người con gái đang ở quê Long An cùng mình rong ruổi trên dòng sông đã nuôi sống bản thân và gia đình những tháng năm qua.

Được sinh ra, lớn lên ở TP.Biên Hòa nên tôi hiểu rất rõ dòng sông Đồng Nai vốn hiền hòa, tươi đẹp. Với tôi, sông Đồng Nai là nét mỹ miều, là mạch sống, hơi thở riêng biệt của vùng đất. Đây chính là đặc điểm, địa mạo và tụ hội khí lực của cộng đồng dân cư của một vùng đất Biên Hòa hơn 300 năm. Nhưng TP.Biên Hòa phát triển khá chậm, nhất là những khu vực ven sông. Sông Đồng Nai mang tính bản sắc của đô thị Biên Hòa, thế nhưng việc quy hoạch và phát triển hiện nay của thành phố đang quay lưng lại với dòng sông. 

      KTS.Nguyễn Văn Tất

Nói về thời gian theo cha mẹ vợ làm nghề chài lưới trên sông Đồng Nai, ông Huỳnh Tấn Ân (Lượm), 37 tuổi, cho rằng cuộc sống trên sông có phần bất tiện. Nhưng dòng sông Đồng Nai đã tạo điều kiện để dân chài ổn định cuộc sống. Mỗi ngày, vợ chồng ông Ân thu được từ việc bán cá, tôm cho tiểu thương ở chợ Biên Hòa bình quân khoảng 200-300 ngàn đồng sau khi trừ chi phí. Khi được hỏi, có khi nào muốn bỏ sông Đồng Nai để về quê làm ruộng và gần con cái, vợ chồng ông Ân khảng khái đáp: “Chừng nào dòng sông hết tôm, cá thì chúng tôi mới bỏ nghề. Chúng tôi sẽ vẫn bám trụ ở dòng sông này như cha mẹ”.

Tạm biệt những người dân chài có một cuộc sống bình dị nhưng hạnh phúc trên dòng sông Đồng Nai xanh biếc. Trên khuôn mặt những ngư dân này đều thể hiện sự vô tư, lạc quan đến lạ. Nói như ông Tong, sông Đồng Nai chắc chắn không có thay đổi lớn, mà sẽ vẫn là nguồn lợi kéo dài mãi. Bởi nếu nó là dòng sông “chết” hoặc bị ô nhiễm đến độ tôm, cá không sinh sôi được thì chắc chắn họ đã “biến” khỏi sông Đồng Nai từ lâu.  

Tạ Nguyên - Khắc Giới

 

 

 

Tin xem nhiều