Báo Đồng Nai điện tử
En

Kỳ tích ngăn sông Đồng Nai (Bài 1)

10:04, 26/04/2015

Bắt nguồn từ cao nguyên Lâm Viên (tỉnh Lâm Đồng), sông Đồng Nai về tới cửa biển Soài Rạp dài khoảng 610km, đoạn chảy qua tỉnh Đồng Nai dài 220km. Hệ thống sông Đồng Nai hàng ngàn năm qua đã chuyên chở, bồi đắp phù sa và đến nay vẫn phục vụ cuộc sống của hàng triệu con người ven sông cũng như vùng hạ du…

Bắt nguồn từ cao nguyên Lâm Viên (tỉnh Lâm Đồng), sông Đồng Nai về tới cửa biển Soài Rạp dài khoảng 610km, đoạn chảy qua tỉnh Đồng Nai dài 220km. Hệ thống sông Đồng Nai hàng ngàn năm qua đã chuyên chở, bồi đắp phù sa và đến nay vẫn phục vụ cuộc sống của hàng triệu con người ven sông cũng như vùng hạ du…

Một góc Nhà máy thủy điện Trị An.
Một góc Nhà máy thủy điện Trị An.

Năm 1987 sông Đồng Nai đoạn chảy qua thác Trị An chính thức được chặn lại để làm thủy điện Trị An - công trình phục vụ cho công cuộc phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Từ năm 1982 trở đi, khi công trình thủy điện Trị An được triển khai xây dựng, đã có hàng triệu lượt người Việt Nam cùng với đội ngũ chuyên gia Liên Xô góp mặt trên công trường trọng đại của quốc gia để làm nhiệm vụ. Phải mất 7 năm, 6 tháng, 10 ngày công trình mới hoàn thành khi 4 tổ máy phát điện cùng vận hành hòa vào điện lưới quốc gia ngày 31-10-1989. 

* Ký ức không quên…

Hồi ấy, báo chí trong và ngoài nước liên tục thông tin về dự án có một không hai ở Việt Nam: ngăn dòng sông Đồng Nai - đoạn thuộc huyện Vĩnh Cửu để làm thủy điện phục vụ phát triển công nghiệp và đời sống người dân phía Nam.

Phải nói rằng, vào đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, cuộc sống của nhân dân cả nước còn khó khăn, song vì lợi ích chung nên khi phong trào vận động ủng hộ thủy điện Trị An được phát động, cả nước hướng về Trị An - Đồng Nai. Qua đó, chương trình kêu gọi “mọi người vì Trị An” lan ra các tỉnh phía Nam, kết quả đã huy động được hơn 100 tỷ đồng, chiếm 1/5 tổng số tiền Nhà nước đầu tư vào công trình to lớn này. Cho đến nay, đã qua 33 năm nhưng những người đang sống ở thị trấn Vĩnh An và xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu) vẫn còn nhớ như in thời điểm các gia đình di dân khỏi công trình. Trong đó, hàng chục ngàn người trong khu vực phải dọn dẹp nhà cửa để đến định cư nơi khác. Ngoài ra, hàng hàng lớp lớp người dân Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận hăng hái đi xây dựng công trình trọng điểm quốc gia chỉ với một mong muốn là góp phần làm cho cuộc sống được hạnh phúc hơn. Trong quá trình dầm mưa, dãi nắng thi công các hạng mục ở thủy điện Trị An, biết bao lao động đã chịu thiệt thòi, hy sinh bản thân để thủy điện Trị An được thắp sáng.

Nói về việc xả lũ ồ ạt có thể gây “đại hồng thủy” cho vùng hạ du như nhiều người lo lắng,Giám đốc Công ty thủy điện Trị An Nguyễn Kim Phúc khẳng định điều này là không tưởng. Bởi hồ Trị An thiết kế có 8 cửa xả với lưu lượng 17.800m3/giây. Trong khi đó, những năm qua nhà máy chỉ xả chưa tới 5 ngàn m3/giây. Nghĩa là chỉ khi nào đập thủy điện vỡ thì các khu vực ở hạ nguồn mới bị ảnh hưởng.

Ngay cả văn nghệ sĩ cũng sôi sục không kém khi ngày đêm bám trụ công trường nhằm lấy cảm hứng sáng tác; từng đoàn ca sĩ, nhạc sĩ đến với Trị An để phục vụ tinh thần công nhân lao động. Từ đây, nhiều bài hát về Trị An ra đời thấm đẫm tình cảm và mồ hôi, nước mắt của những người đã góp phần tạo nên kỳ tích ngăn sông Đồng Nai làm thủy điện. Không phải tự nhiên mà nhạc sĩ Tôn Thất Lập sáng tác bài Trị An âm vang mùa xuân, được xem là bài hát đi cùng năm tháng. Và cho đến nay ca từ bài hát vẫn còn hừng hực khí thế của đoàn người lên công trường thủy điện Trị An làm việc. Ông đã viết những dòng nhạc mang dấu ấn của một dòng sông - hồ nước nhân tạo Trị An làm ra dòng điện: “Dòng điện âm vang từ triệu con tim/ dòng điện mênh mang từ ngàn khối óc/ dòng điện mê say gọi ngày tương lai/ dòng điện bao la gọi đời... bay xa”.

Chính những bài hát lay động lòng người như Trị An âm vang mùa xuân đã lan tỏa ý chí khuất phục cho được dòng sông để đổi lấy dòng điện phục vụ cho sự phát triển của đất nước. Và cho đến nay, kỳ tích ngăn sông Đồng Nai ấy vẫn phát huy hiệu quả rất rõ.

* Lợi ích của việc ngăn sông

Đúng 10 giờ ngày 12-1-1987, hàng vạn người trên công trường xây dựng thủy điện Trị An đã xúc động chứng kiến giờ phút ngăn sông Đồng Nai với hàng ngàn tấn đá hộc bê tông khối và đất, đá được đổ xuống dòng sông, vĩnh viễn chấm dứt hoạt động của con sông ở khu vực này.

 Trước đây sông Đồng Nai chảy qua thác Trị An, nhưng ngày 12-1-1987 sông được ngăn dòng để xây dựng đập tràn xả lũ hiện nay.
Trước đây sông Đồng Nai chảy qua thác Trị An, nhưng ngày 12-1-1987 sông được ngăn dòng để xây dựng đập tràn xả lũ hiện nay.

Thực ra, trong quá trình phát động, tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ chủ trương của Nhà nước trong việc ngăn sông Đồng Nai làm thủy điện, đã có những ý kiến còn băn khoăn, lo lắng cho việc “đối đầu” với thiên nhiên. Có người khi ấy phân tích, việc can thiệp “thô bạo” của con người đối với dòng sông Đồng Nai chắc chắn sẽ làm thay đổi dòng chảy, làm thác Trị An bị trơ đáy. Mặt khác, sau khi ngăn sông sẽ làm mất hơn 20 ngàn hécta rừng, hơn 5 ngàn hécta đất nông nghiệp, gây thiệt hại khoảng 400 triệu đồng mỗi năm. Tuy nhiên, các nhà chuyên môn khi đó cũng giải thích cặn kẽ rằng, đổi lại những thiệt hại đó là phát triển nuôi trồng thủy sản với 5 triệu cá giống được thả xuống hồ Trị An mỗi năm sẽ tăng cao về tỷ lệ đánh bắt cho nông dân (khoảng 15%/năm). Chỉ tính khoản này ở thời điểm đó đã đạt 3,4 tỷ đồng. Song, quan trọng hơn là thủy điện Trị An ra đời rất đúng lúc. Trước hết, đã cứu nguy cho sự thiếu hụt năng lượng trầm trọng của hệ thống điện ở nhiều địa phương, đồng thời góp phần tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội miền Nam.

Trước khi xây dựng hồ Trị An thì vào mùa khô, độ mặn của nước sông lên đến gần khu vực cầu Đồng Nai (phường Long Bình Tân, TP.Biên Hòa). Sau khi có hồ Trị An, độ nhiễm mặn chủ yếu ở khu vực Cát Lái (huyện Nhơn Trạch) từ vùng này trở lên TP.Biên Hòa ít còn bị ảnh hưởng.

Nói về quá trình hoạt động của Nhà máy thủy điện Trị An, Giám đốc Công ty thủy điện Trị An Nguyễn Kim Phúc cho biết trong 26 năm qua việc vận hành của 4 tổ máy với sản lượng điện trung bình hàng năm 1,7 tỷ kWh rất ổn định. Ngoài mục đích chính hòa lưới điện quốc gia, công trình thủy điện Trị An còn là thủy điện đa mục tiêu. Trong đó, đảm bảo nước cho sinh hoạt, phát triển nông nghiệp, đẩy mặn và điều tiết lũ. Những năm gần đây, nhà máy không xả lũ mà lưu lượng nước vận hành qua tua bin để góp phần đẩy mặn là 100-200m3/giây. Vào mùa mưa, lượng nước nếu cần xả cũng được tính theo tần suất phù hợp, bảo đảm không gây ngập lụt cho các địa phương vùng hạ du. Theo ông Phúc, nước từ thượng nguồn đổ về hồ Trị An chỉ khoảng 800m3/giây, gần bằng 1/3 so với quy định của báo động lũ là khoảng 2 ngàn m3/giây. Đáng kể là 3 năm trở lại đây, sản lượng điện Nhà máy thủy điện Trị An sản xuất hàng năm đạt 2 tỷ kWh, cao hơn thiết kế chỉ là 1,7 tỷ kWh.

Tạ Nguyên

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều