Thửa đất của người này đăng ký và sử dụng trong thời gian dài tự dưng bị cấp nhầm chủ quyền cho người khác. Rồi cũng thửa đất ấy sau đó lại chuyển nhượng cho người thứ ba... Những rắc rối ấy đã khiến nhiều chủ đất đứng ngồi không yên.
Thửa đất của người này đăng ký và sử dụng trong thời gian dài tự dưng bị cấp nhầm chủ quyền cho người khác. Rồi cũng thửa đất ấy sau đó lại chuyển nhượng cho người thứ ba... Những rắc rối ấy đã khiến nhiều chủ đất đứng ngồi không yên.
Ông Trần Văn Thanh và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có nội dung không chính xác. |
Việc “râu ông nọ cắm cằm bà kia” đang gây rắc rối trong các quan hệ giao dịch liên quan đến đất đai ở xã Phước Khánh (huyện Nhơn Trạch). Trong khi đó, cơ quan chức năng biết sai nhưng không sửa được vì vướng luật.
* Bỗng dưng mất đất
Năm 2010, khi thực hiện đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) theo mẫu mới, ông Trần Văn Thanh nhà ở ấp 2, xã Phước Khánh (huyện Nhơn Trạch) mới phát hiện ra nội dung trong giấy không đúng với thực tế đăng ký và sử dụng đất. Cụ thể, 2 thửa đất số 127 và 128, tờ bản đồ số 9 có tổng diện tích gần 1.500m2 mà ông đang sử dụng thì bị cấp nhầm cho ông Nguyễn Văn Mười. Còn 2 thửa đất số 131 và 132 do bà Nguyễn Thị Phấn đăng ký sử dụng lâu nay lại mang tên ông Trần Văn Thanh.
Do các thửa đất đều có vị trí giáp ranh với nhau và từ trước đến nay đất của ai thì người đó sử dụng nên cả ông Thanh và bà Liên đều không yêu cầu cơ quan chức năng điều chỉnh. Đến năm 2013, ông Thanh phát hiện ông Mười đã chuyển nhượng toàn bộ diện tích đất cấp nhầm QSDĐ cho ông Trần Văn Tuấn nên đã làm đơn đề nghị điều chỉnh cấp lại giấy chứng nhận QSDĐ cho đúng với thực tế. Thế nhưng, đến nay yêu cầu của ông Thanh chưa được các cơ quan chức năng giải quyết. Ông Thanh bức xúc: “Không đổi được giấy chứng nhận QSDĐ nên tôi thế chấp để vay vốn ngân hàng không được; muốn tách thửa để chia đất cho các con cũng không xong...”.
Điểm d, Khoản 2, Điều 106, Luật Đất đai 2013, quy định về việc đính chính, thu hồi giấy chứng nhận QSDĐ đã cấp như sau: Nhà nước thu hồi giấy chứng nhận QSDĐ đã cấp trong các trường hợp giấy chứng nhận đã cấp không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng sử dụng đất, không đúng diện tích đất, không đủ điều kiện được cấp, không đúng mục đích sử dụng đất hoặc thời hạn sử dụng đất hoặc nguồn gốc sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai, trừ trường hợp người được cấp giấy chứng nhận đó đã thực hiện chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của Luật Đất đai. |
Tương tự, mấy năm nay gia đình ông Đặng Văn Ảnh, ngụ ấp 1, xã Phước Khánh, sống trong tâm trạng thấp thỏm không yên vì 3 thửa đất của gia đình bị cơ quan chức năng cấp nhầm cho ông Nguyễn Văn Trên, ngụ cùng ấp. Hiện phần đất cấp “nhầm” đã được chuyển nhượng cho bà Hồ Kim Duyên ở thị trấn Long Thành. “Đất của tôi sử dụng từ trước ngày giải phóng cho đến nay nhưng người khác đứng tên nên không ngày nào tôi ngủ ngon giấc. Trong khi đó, bà Duyên vô tư đem giấy chứng nhận QSDĐ mang tên mình để thế chấp cho ngân hàng. Giả sử bà Duyên không thanh toán tiền vay ngân hàng đúng thời hạn mà bị kê biên tài sản thì đất nhà tôi coi như mất trắng” - ông Ảnh lo lắng.
* Biết sai nhưng không thể sửa
Ông Thanh và ông Ảnh cho biết, họ đã nhiều lần liên hệ với UBND huyện yêu cầu điều chỉnh lại QSDĐ cho đúng với thực tế nhưng không được. Cơ quan chức năng thừa nhận đã cấp sai nhưng lại không chịu sửa. “Huyện trả lời là theo quy định của Luật đất đai mới, nếu người được cấp giấy chứng nhận QSDĐ đã chuyển nhượng phần đất ấy cho người thứ ba thì cơ quan chức năng không thể thu hồi giấy của họ để điều chỉnh được nữa. Tôi thấy quy định này rất vô lý, vì cơ quan chức năng làm sai nhưng lại bắt người dân chúng tôi gánh thiệt thòi là không thể chấp nhận được” - ông Thanh bức xúc.
Bà Nguyễn Thị Phấn chỉ vị trí ranh đất gia đình sử dụng từ trước đến nay nhưng không được đứng tên. |
Phát biểu tại cuộc họp giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của người dân huyện Nhơn Trạch do UBND tỉnh tổ chức mới đây, ông Tạ Quang Trường, Phó chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch, cho rằng quy định nêu trên là không phù hợp với tình hình thực tế. Tuy nhiên, đã là quy định thì phải chấp hành chứ không thể làm khác được. Theo ông Trường, vấn đề này không chỉ gây khó khăn cho người trong cuộc mà các cơ quan chức năng cũng gặp nhiều phiền phức. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng địa phương còn tồn đọng nhiều đơn khiếu nại, tố cáo của người dân. “Để đảm bảo quyền lợi của người dân trong các trường hợp nêu trên, huyện kiến nghị tỉnh có ý kiến đề xuất với cơ quan chức năng xem xét, điều chỉnh lại quy định của Luật Đất đai sao cho phù hợp với thực tế hiện nay” - ông Trường nhấn mạnh.
Kim Liễu