Báo Đồng Nai điện tử
En

Thả diều: Coi chừng dây điện!

11:03, 15/03/2015

Thả diều lâu nay là thú chơi hấp dẫn, thu hút cả người lớn lẫn trẻ em sau những giờ học tập và lao động mệt mỏi. Thế nhưng, thú vui tưởng chừng vô hại này lại có thể mang lại nhiều phiền phức nếu chẳng may những cánh diều bay bổng bị vướng vào dây điện.

Thả diều lâu nay là thú chơi hấp dẫn, thu hút cả người lớn lẫn trẻ em sau những giờ học tập và lao động mệt mỏi. Thế nhưng, thú vui tưởng chừng vô hại này lại có thể mang lại nhiều phiền phức nếu chẳng may những cánh diều bay bổng bị vướng vào dây điện.

Sau Tết Nguyên đán, cứ vào mỗi buổi chiều là các khu đất trống lộng gió ở TP.Biên Hòa và các huyện, thị trong tỉnh được số người thích thả diều tận dụng để làm sân chơi cho những cánh diều phất phới trên cao.

Một gia đình đang thả diều tại khu đất trống gần cây xăng hợp tác xã Gò Me, phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa. Ảnh: K.Liễu
Một gia đình đang thả diều tại khu đất trống gần cây xăng hợp tác xã Gò Me, phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa. Ảnh: K.Liễu

Vào khoảng 16 giờ mỗi ngày, tại phần đất trống phía trước Khu liên hợp thể thao tỉnh, phường Tân Hiệp (TP.Biên Hòa) trở nên nhộn nhịp bởi số người đưa con em đến thả diều khá đông. Chị Lê Thị Tâm, nhà ở KP.2, phường Tân Hiệp cho biết hết giờ làm chị đến trường rước con rồi hai mẹ con ghé vào đây thả diều. “Ở đây bọn trẻ được chạy nhảy thỏa thích, còn người lớn ngồi thư giãn sau một ngày làm việc. Nhìn con thích thú nên mọi mệt mỏi trong tôi thấy đều tan biến” - chị Tâm nói. Tương tự, anh Nguyễn Hoàng Chinh, nhà ở thị trấn Trảng Bom (huyện Trảng Bom), chiều chiều cùng 2 con ra khu đất trống tại khu dân cư Tân Thuận thả diều. Nhìn con vỗ tay reo hò mỗi lần thấy diều nhà lên cao hơn diều khác, anh Chinh cũng vui theo.

Hầu hết người thích chơi diều đều tỏ ra rất hào hứng khi nói về thú vui này. Tuy nhiên, rất ít người chú ý đến trục trặc làm ảnh hưởng đến cộng đồng xã hội một khi những con diều vướng vào nhà người khác, thậm chí khi diều vướng vào đường dây điện.

Theo thống kê của Công ty TNHH một thành viên điện lực Đồng Nai, thời gian qua toàn tỉnh đã xảy ra nhiều sự cố điện do thả diều, thả vật bay làm thiệt hại, hư hỏng một số thiết bị điện, từ đó gây mất điện trên diện rộng, làm ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh và đời sống sinh hoạt của người dân. Cụ thể, năm 2010 xảy ra 10 vụ mất an toàn điện do thả diều, năm 2012: 6 vụ, năm 2013: 9 vụ và năm 2014 là 7 vụ. Mới đây nhất, ngày 3-3 tại ấp Đức Long, xã Gia Tân 2 (huyện Thống Nhất) đã xảy ra sự cố phóng điện từ đường dây 220kV làm đứt đường dây hạ thế khiến hơn 300 hộ dân ấp Đức Long 1 và Đức Long 2 bị mất điện. Nguyên nhân được xác định là do dây diều được làm bằng thép bay vướng vào đường dây gây chập điện.

Trung bình mỗi con diều làm bằng vải có giá từ 40-100 ngàn đồng tùy loại. Do giá tương đối mềm nên người chơi tỏ ra rất “vô tư” thả cho diều bay lượn cao hết mức. Đã có nhiều trường hợp, diều đứt giây bay mất làm cụt hứng người chơi, họ liền mua con khác thay vào mà không hề nghĩ chính con diều đó có thể đã vướng vào đường dây điện rất nguy hiểm. Vì vậy, khi đề cập đến vấn đề an toàn điện trong lúc thả diều, nhiều người chơi tỏ ra rất thờ ơ. Một phụ huynh cùng con thả diều tại khu đất gần cây xăng hợp tác xã Gò Me, phường Thống Nhất (TP.Biên Hòa) cho rằng chỉ cần chọn điểm nào không có dây điện chằng chịt phía trên là ổn, bởi diều khi nằm trên đường dây điện thì coi như “mất đứt” chứ chẳng ảnh hưởng gì lớn.

Trong khi đó, ông Trần Thanh Sang, Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn điện Công ty TNHH một thành viên điện lực Đồng Nai, khẳng định, nếu diều đứt dây bay vướng vào dây điện thì nguy cơ chập mạch điện, cháy nổ là rất khó tránh khỏi. Theo ông Sang, người chơi diều cần chú ý tránh thả diều ở những nơi có đường điện; tuyệt đối không sử dụng dây làm bằng chất liệu kim loại để thả diều vì rất dễ xảy ra chập điện.

Kim Liễu

 

Tin xem nhiều