Báo Đồng Nai điện tử
En

Người lao động lo giá hàng hóa tăng

07:03, 19/03/2015

Cùng lúc, việc tăng giá điện 7,5% và giá xăng tăng thêm 1.600 đồng/lít đã thu hút sự quan tâm của người dân. Bởi, đợt tăng giá lần này dù không nhiều, nhưng giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu khác cũng đã tăng theo.

Gần như cùng thời điểm, giá điện tăng 7,5% và giá xăng tăng thêm 1.600 đồng/lít đã thu hút sự quan tâm của người dân. Theo nhiều người, đợt tăng giá xăng và điện lần này dù không nhiều, nhưng giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu khác cũng đã tăng theo.

Người lao động thêm lo khi giá các mặt hàng thiết yếu tại các chợ mấy ngày qua đã tăng nhẹ.
Người lao động thêm lo khi giá các mặt hàng thiết yếu tại các chợ mấy ngày qua đã tăng nhẹ.

Mặc dù ngành điện khẳng định, đợt tăng giá điện lần này không ảnh hưởng gì nhiều đến đời sống xã hội, song trên thực tế, khá nhiều mặt hàng thiết yếu trong những ngày qua đã tăng nhẹ.

* Lo nhất là giá điện nhà trọ tăng

Tại một số chợ ở TP.Biên Hòa, nhiều tiểu thương cho biết khi giá xăng tăng 1.600 đồng từ ngày 11-3, tiếp đến giá điện tăng từ ngày 16-3 thì giá nhiều loại hàng, như: thực phẩm, gạo, dầu ăn… đã nhích lên. Điều đáng nói là giá những mặt hàng này trước tết cũng tăng, giờ còn “đội” thêm từ 2-3 ngàn đồng khiến người lao động thêm chật vật.

Ở chợ Tân Mai (TP.Biên Hòa), giá thịt heo, bò, gà tăng từ 3-5 ngàn đồng/kg. Chị Trần Thị Thủy, người bán thịt heo ở chợ này, cho rằng thịt heo tăng giá nhẹ do chi phí giết mổ tăng. Riêng mặt hàng cá biển giá tăng thấy rõ. Một ký cá nục sau tết chỉ xấp xỉ 40 ngàn đồng, nay là 45-50 ngàn đồng.

Tại một số siêu thị, như: Co.op, Vinatex..., giá các mặt hàng hầu như ổn định. Một đại diện của Co.opmart cho biết, xăng, điện mới tăng giá ít ngày nên hệ thống siêu thị chưa tính đến chuyện tăng giá. Bởi muốn điều chỉnh giá thì khâu tổ chức phải lập kế hoạch và chuẩn bị cả tháng.

Tương tự, ở chợ Tân Phong, chợ tạm Tân Hiệp và cả các chợ vỉa hè ở khu vực phường Tân Mai, Tân Phong thì các loại rau, củ, quả cũng tăng 1-2 ngàn đồng/kg. Một vài người đi chợ mà chúng tôi gặp đều than: “Xăng, điện tăng giá đã ảnh hưởng đến đời sống xã hội, những mặt hàng khác theo đà tăng theo. Hơn nữa, giá thị trường nói chung đã tăng trong dịp tết nhưng chưa kịp “xuống” mà giờ còn tăng thêm thì người lao động càng phải vất vả vì lo toan” - chị Nguyễn Thị Hương, nhà ở KP.2, phường Tân Mai, bộc bạch. Cùng nhận định như chị Hương, chị Trần Thị Bê, công nhân Công ty Pouchen, tâm sự: “Người lao động lương đã thấp, giá cả được dịp cứ tăng liên tục khiến đời sống công nhân lại càng khổ. Nỗi lo nhất của tụi tôi là giá điện, vì ngành điện tăng một thì chủ nhà trọ tăng lên  gấp đôi”.

* Cước vận tải đang…thăm dò thị trường

Trong khi đó, cước vận tải dù dưới tác động “kép” của giá xăng dầu và giá điện hiện vẫn ổn định. Đáng chú ý là cước của nhiều hãng taxi ở TP.Biên Hòa đến nay vẫn giữ nguyên mức cũ. Nguyên nhân có thể doanh nghiệp đang thăm dò thị trường. Hơn nữa, mỗi lần cài đặt đồng hồ để điều chỉnh giá cước rất phức tạp, kéo dài và tốn kém cho nhà xe. Theo một số cơ sở dịch vụ vận chuyển hàng hóa và hành khách, đối với phương tiện vận tải lớn chủ yếu sử dụng dầu diesel nên mức tăng lần này chưa đến 1 ngàn đồng/lít nên không cần thiết tăng giá cước. Tuy nhiên, nếu mọi mặt hàng khác đều tăng thì rất có thể nhà xe sẽ tính toán lại. Trong khi đó, giá cước xe ôm tại nhiều khu vực tự nhích lên đến 3 ngàn đồng/km.

Ông Đỗ Quang Tiến, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty TNHH tập đoàn Mai Linh Đông Nam bộ, doanh nghiệp có hơn 330 đầu xe taxi đang hoạt động ở khu vực Đông Nam bộ, cho biết: “Xăng tăng giá lần này chưa gây biến động nhiều đến kinh doanh nên công ty chưa có chủ trương tăng giá cước. Năm ngoái, do giá xăng giảm nhiều lần công ty cũng đã 3 lần hạ giá cước xuống 10-12,5%. Chúng tôi đang chờ đến tháng 5 này khi thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dự kiến tăng 300%, từ 1-3 ngàn đồng/lít thì khi ấy việc tăng giá cước sẽ phải tính đến”.

Có thể nói, gần như đã trở thành “lệ” mỗi khi điện, xăng tăng giá thì hàng hóa và dịch vụ thường được đẩy giá lên. Vì thế, các cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt giá cả, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu thì mới tránh được tình trạng “té nước theo mưa”.

Phương Liễu

 

 

 

 

Tin xem nhiều