Dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai do Công ty cổ phần đầu tư - kiến trúc - xây dựng Toàn Thịnh Phát làm chủ đầu tư được tổ chức khởi công vào ngày 17-9-2014. Đây là sự kiện lớn mang ý nghĩa đột phá trong việc tạo dựng cảnh quan và sắc thái mới cho đô thị Biên Hòa nói riêng và các khu vực lân cận nói chung...
Dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai do Công ty cổ phần đầu tư - kiến trúc - xây dựng Toàn Thịnh Phát làm chủ đầu tư được tổ chức khởi công vào ngày 17-9-2014. Đây là sự kiện lớn mang ý nghĩa đột phá trong việc tạo dựng cảnh quan và sắc thái mới cho đô thị Biên Hòa nói riêng và các khu vực lân cận nói chung...
Phối cảnh dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai. |
Là người trong nghề kiến trúc, tôi thực sự trân trọng và đánh giá cao ý tưởng đầu tư phát triển dự án đô thị trên khuôn viên khu đất bờ kè sông vỏn vẹn 8,4 hécta. Chắc hẳn, chủ đầu tư đã không khỏi trăn trở trong một thời gian dài mới quyết định gửi gắm tấm lòng của người con đất Biên Hòa.
Phải nói rằng, hình thành ý tưởng xây dựng một đô thị xanh ven sông Đồng Nai với quy hoạch hiện đại, nhưng đồng thời vẫn giữ gìn, tôn tạo và phát huy các giá trị lịch sử văn hóa vốn có của vùng đất hơn 300 năm như Biên Hòa quả không dễ. Bởi thực tế, trước đây đã có đồ án quy hoạch khu vực này được thiết kế, sau đó bổ sung chỉnh sửa nhiều lần nhưng vẫn giậm chân tại chỗ. Nguyên nhân vì ngân sách không thể đáp ứng một dự án lớn với kinh phí hàng ngàn tỷ đồng; trong khi các nhà đầu tư có năng lực lại không mạnh dạn bỏ vốn để xây dựng, nhất là trong thời điểm bất động sản “đóng băng” như hiện nay. Chính vì vậy, dự án đô thị ven sông mới được khởi công đã giải quyết cơ bản và thuyết phục về bài toán kinh tế cho địa phương mà lâu nay còn vướng. Mặt khác, người dân Biên Hòa sẽ còn được thụ hưởng nhiều lĩnh vực khác liên quan đến an sinh xã hội, khi công trình này hoàn thành vào năm 2022. Đây chính là điều dư luận quan tâm, chờ đợi nhất về một thành phố phát triển xứng tầm. Nói cách khác, dự án đô thị ven sông Đồng Nai là một điểm nhấn cảnh quan đối với một TP.Biên Hòa không bao lâu nữa.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng dự án nằm ở vị trí “vàng” ngay mặt tiền sông Đồng Nai và tại khu vực trung tâm TP.Biên Hòa nên rất thuận lợi về mặt cảnh quan, môi trường. Trong khi đó, các vị trí còn lại đã xây dựng ổn định với công viên Nguyễn Văn Trị chạy dọc theo bờ sông. Do đó, nếu vì lý do nào đó công trình xây lên không tương xứng thì khó có thể sửa chữa hoàn thiện theo ý muốn. Hơn nữa xét về tổng thể công trình, đường nét của đô thị sông nước như Biên Hòa, theo nguyên tắc phải phát triển chiều cao công trình. Có nghĩa là từ bờ sông trở vào được thiết kế cao dần vào lõi trung tâm nhằm đáp ứng được 2 tiêu chí: Tạo tầm nhìn thiên nhiên thoáng đẹp, nhẹ nhàng từ phía dòng sông; khi đô thị phát triển, các tòa nhà bên trong sẽ không bị che khuất, đồng thời vẫn hưởng thụ được sự gắn kết trọn vẹn với không gian êm ả của dòng sông. Mặt khác, trong một số trường hợp đặc thù, các công trình cao tầng được phép xây dựng sát bờ sông phải thực sự là một hình ảnh kiến trúc có ý nghĩa đặc biệt, độc đáo. Nói cách khác, toàn bộ công trình phải thể hiện rõ nét biểu trưng của một vùng đất và được cách điệu làm điểm nhấn cho toàn khu vực. Với ý nghĩa đó, dự án đô thị ven sông sẽ đảm trách vai trò định hướng phát triển cho tổng thể đô thị, quyết định và chi phối các quy mô về tầng cao, mật độ khoảng lùi… cho các công trình khác sẽ được xây dựng tại những khu vực gần trung tâm thành phố trong tương lai.
Thiết nghĩ, từ nay đến thời điểm khởi công xây dựng khối nhà cao tầng (dự kiến vào năm 2019) còn khá dài nên vẫn có nhiều thời gian để tổ chức các cuộc thi nhằm tìm ra một phương án kiến trúc tốt nhất cho dự án. Và hơn hết vẫn là sự ủng hộ, đồng thuận của đông đảo người dân Biên Hòa đối với một dự án mang ý nghĩa “để đời” trên vùng đất thiêng được các bậc tiền nhân khai phá đầu tiên ở Nam bộ.
KTS. Nguyễn Mạnh Dũng
(Hội Kiến trúc sư Đồng Nai)