Quyết định phê duyệt Phương án thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng của Bộ GD-ĐT mới đây đã thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội những ngày qua. Phóng viên Báo Đồng Nai đã gặp gỡ, trao đổi với một số người về vấn đề này.
Quyết định phê duyệt Phương án thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng của Bộ GD-ĐT mới đây đã thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội những ngày qua. Phóng viên Báo Đồng Nai đã gặp gỡ, trao đổi với một số người về vấn đề này.
Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Lệ Giang: Hệ trung cấp chuyên nghiệp còn bỏ ngỏ
Chúng tôi đồng tình với chủ trương mới của Bộ GD-ĐT về phương án tổ chức một kỳ thi chung, áp dụng từ năm 2015. Theo đó, kỳ thi quốc gia sẽ giảm đáng kể về kinh phí và áp lực thi cử cho học sinh. Từ trước đến nay, hàng năm Sở vẫn tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT cho các học sinh an toàn, đúng theo quy định nên vấn đề thi theo cách mới là không quá khó. Tuy nhiên, điều tôi băn khoăn chính là việc đi lại, thời gian lưu trú của học sinh các nơi về chung một hội đồng sẽ gây khó khăn cho các em và phụ huynh. Bên cạnh đó, tâm lý thi nơi lạ cũng là một áp lực không nhỏ đối với học sinh. Theo tôi, quyết định của Bộ GD-ĐT về kỳ thi quốc gia vẫn còn bỏ ngỏ một lĩnh vực, đó là trung cấp chuyên nghiệp. Trên thực tế, rất nhiều học sinh có khả năng học trung cấp chuyên nghiệp sau khi đã tốt nghiệp THPT. Chúng tôi sẽ đề cập đến vấn đề này với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT tại buổi chất vấn sắp tới.
Tiến sĩ Trần Minh Hùng, Hiệu trưởng Trường đại học Đồng Nai: Trường có kinh nghiệm trong tổ chức coi và chấm thi
Thời gian qua, chúng tôi đã tổ chức các kỳ thi tuyển sinh đại học. Các kỳ thi đều diễn ra nghiêm túc, an toàn, khách quan, trung thực. Qua đó chúng tôi tin rằng, từ năm 2015 trở đi, nếu được chọn làm cụm tổ chức kỳ thi trên địa bàn tỉnh thì Trường đại học Đồng Nai bảo đảm thực hiện đúng quy chế. Tổ chức kỳ thi chung như phương án mà Bộ GD-ĐT công bố sẽ giúp học sinh bớt được áp lực trong thi cử. Vấn đề ở đây là Bộ phải nghiên cứu kỹ khi ra đề thi cho phù hợp với khả năng của học sinh, đồng thời đáp ứng được yêu cầu xét tuyển đại học, cao đẳng.
Nhà giáo nhân dân, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh Trần Anh Dũng: Kỳ thi chung sẽ khắc phục được tình trạng “học lệch”
Theo tôi, sự thay đổi về tổ chức kỳ thi quốc gia năm 2015 là khâu đột phá tích cực. Để thích ứng với hình thức này, các thầy cô phải đổi mới phương pháp giảng dạy cho phù hợp. Các em học sinh bắt buộc phải thay đổi quan niệm môn chính, môn phụ khi học. Từ đó, tình trạng “học lệch” sẽ được khắc phục dần, hướng tới sự cân đối, hài hòa hơn giữa các môn học trong trường. Để tránh tâm lý bỡ ngỡ cho các em học sinh ở khối lớp 12, ngay từ đầu hè, hầu hết các trường học đều phổ biến phương án đổi mới hình thức thi cho giáo viên và học sinh góp ý, đa số đều tán thành phương án một kỳ thi chung. Điều này cho thấy, mọi người rất kỳ vọng đến chất lượng của kỳ thi đổi mới này.
Luật sư Ngô Văn Định, Hội Luật gia Đồng Nai: Học sinh muốn thay đổi ngành học phải làm sao?
Chủ trương của Bộ GD-ĐT tổ chức một kỳ thi chung được dư luận hết sức tán thành, ủng hộ. Tuy nhiên, điều không chỉ riêng tôi mà nhiều phụ huynh học sinh còn băn khoăn là nếu những trường hợp chỉ thi để có bằng tốt nghiệp THPT rồi đi làm trong các công ty, nhà máy, sau này nếu muốn học lên đại học, cao đẳng thì giải quyết như thế nào; kết quả kỳ thi đó có được bảo lưu và những trường đại học, cao đẳng có xem xét không? Mặt khác, giả sử học sinh năm nay chọn khối A để thi vào trường phù hợp với năng lực của mình nhưng không đạt, năm sau muốn thi vào khối B, C, D có được không?
Ông Trần Thanh Sang, phụ huynh học sinh Trường THPT Chu Văn An (TP.Biên Hòa): Thi một kỳ giúp học sinh chủ động hơn
Trong cuộc họp phụ huynh học sinh vừa qua, tôi thấy đa số ý kiến đều ủng hộ phương án đổi mới thi cử của ngành giáo dục. Theo tôi, đây là cách làm hay khi học sinh được tự chọn môn thi phù hợp với chương trình học. Bên cạnh đó, học sinh có thể chủ động hơn trong việc lựa chọn trường đại học, cao đẳng. Ngoài ra, thí sinh dự thi tại cụm thi địa phương, tuy không được xét tuyển đại học, cao đẳng nhưng vẫn có thể được phép tham dự các kỳ thi tuyển sinh khác của các trường đại học, cao đẳng có phương án tuyển sinh riêng. Đổi mới kỳ thi THPT là điều phụ huynh chúng tôi rất hoan nghênh, bởi nó thể hiện tính nhân văn trong giáo dục, đồng thời giảm áp lực cho các em trong chuyện thi cử.
Nguyễn Thị Phương Anh, học sinh lớp 12 Trường THPT Phú Ngọc (huyện Định Quán): Phải tập trung học đều các môn
Quy định mới có nhiều hướng mở cho học sinh. Cụ thể như học sinh có quyền lựa chọn những môn phụ theo ý mình ngoài 3 môn bắt buộc. Bên cạnh đó, để được xét tốt nghiệp THPT, ngoài kết quả 4 môn thi còn kết hợp với điểm trung bình của cả năm học lớp 12. Như vậy, các bạn sẽ không thể học “tủ” mà phải tập trung các môn ngay từ đầu để có số điểm trung bình tốt nhất. Tuy nhiên, có nhiều bạn không muốn học đại học, cao đẳng nên hơi lo vì phải đi thi ở xa. Điều này dễ ảnh hưởng đến chất lượng thi của các bạn. Không ít bạn lo lắng, do đề thi xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào đại học, cao đẳng là một thì liệu có quá khó với học sinh học lực trung bình?
Đặng Khánh Trâm, học sinh lớp 12A1 Trường THPT Dầu Giây (huyện Thống Nhất): Cần có kế hoạch học tập hiệu quả
Là khối lớp đầu tiên áp dụng cách thi mới nên em và các bạn hơi lo lắng. Do xác định ngay từ năm học là sẽ dự thi khối D nên khi quy định môn Toán, Văn, Ngoại ngữ là 3 môn thi bắt buộc, em thấy yên tâm hơn so với các bạn ôn thi theo các khối A, B. Để chuẩn bị tốt cho kỳ thi quốc gia sắp tới, học sinh đã được thầy cô hướng dẫn rất cụ thể về phương án dạy và học theo yêu cầu mới. Theo em, khi áp dụng một kỳ thi chung, nếu bạn nào không có kế hoạch học tập hiệu quả, hoặc chỉ tập trung vào những môn học “sở trường” của mình thì rất khó đáp ứng được yêu cầu vừa đậu tốt nghiệp vừa đậu đại học.
Ngọc Liên - Kim Liễu - Văn Chính