TP.Biên Hòa là một trong những địa phương có các chợ hoạt động khá phức tạp. Đáng kể là số chợ tự phát, chợ lề đường hiện đã tương đương với số chợ truyền thống được quy hoạch.
TP.Biên Hòa là một trong những địa phương có các chợ hoạt động khá phức tạp. Đáng kể là số chợ tự phát, chợ lề đường hiện đã tương đương với số chợ truyền thống được quy hoạch.
Chợ Hóa An dự kiến sẽ đạt chợ văn minh vào năm 2016. |
Xây dựng chợ đạt chuẩn văn minh, văn hóa (gọi tắt là chợ văn minh) là một trong những chủ trương mà TP.Biên Hòa đang tập trung thực hiện. Thời gian qua, ngoài những kết quả đã đạt được, đến nay quá trình xây dựng chợ văn minh vẫn còn một số vấn đề khiến tiểu thương băn khoăn.
* Khó thay đổi thói quen mua, bán
Lâu nay, tiểu thương tại các chợ truyền thống thường chỉ quan tâm đến việc buôn bán đơn thuần theo dạng ai mua thì bán. Do đó, các kỹ năng về bán hàng, việc niêm yết giá, đạo đức kinh doanh, đăng ký kinh doanh, thực hiện nghĩa vụ đóng thuế… chưa được tiểu thương quan tâm đúng mức. Sở dĩ nhiều người còn e dè trong việc đăng ký kinh doanh, bởi vì nếu làm hồ sơ có thể sẽ kéo thêm những khoản thuế khác. Ngoài ra, thời gian gần đây tình trạng bán hàng rong, các hộ ven đường lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh gây mất mỹ quan đô thị và làm ảnh hưởng đến quá trình xây dựng chợ văn minh tại các địa phương.
Chợ Tân Mai (phường Tân Mai) là 1 trong 6 chợ ở TP.Biên Hòa đang nỗ lực thực hiện xây dựng chợ văn minh. Tuy nhiên, nói về tiến trình thực hiện, bà Lê Thị Kim Liên, Trưởng ban quản lý, cho biết chợ có 60 ki ốt và 140 gian hàng nhỏ, thế nhưng hiện mới chỉ có khoảng 1/3 tiểu thương đăng ký kinh doanh. Bên cạnh đó, chợ còn thiếu các tiêu chí, như: kỹ năng bán hàng, đăng ký kinh doanh, kinh doanh chưa đúng ngành hàng… đều là thói quen cũ chưa thể thay đổi ngay được. Trong khi đó, bà Phạm Thị Hoa, tiểu thương chợ Tân Mai cho rằng, lý do chủ yếu mà tiểu thương ngại đăng ký kinh doanh là do sợ phải đóng thêm nhiều khoản thuế khác. Hơn nữa, chợ tự phát tại các khu dân cư đã thu hút hết khách vì giá rẻ. Chính vì vậy, nếu thực hiện chợ văn minh nhưng song song đó vẫn tồn tại chợ tự phát, chợ vỉa hè thì tiểu thương chính là người chịu thiệt vì kinh doanh không ổn định.
* Hướng đi nào cho chợ văn minh?
TP.Biên Hòa hiện có 27 chợ truyền thống đang hoạt động. Trong đó, có 3 chợ hạng nhất (chợ Biên Hòa, Tân Hiệp, Tân Biên), 7 chợ hạng hai và 17 chợ hạng ba. Ngoài ra, có 5 chợ nằm trong quy hoạch nhưng chưa xây dựng.
Nhiều tiểu thương chợ Tân Mai chưa đăng ký kinh doanh vì sợ sẽ phát sinh thêm các khoản thuế. Ảnh N.Liên |
Theo đánh giá của UBND TP.Biên Hòa, quá trình xây dựng chợ văn minh thời gian qua gặp khá nhiều khó khăn do tiểu thương chưa nhận thức rõ về những lợi ích khi tham gia phát triển mô hình chợ theo hướng mới. Chính vì vậy, rất nhiều trường hợp khi được kêu gọi đăng ký kinh doanh hoặc mời đi dự các lớp tập huấn tiểu thương thường né tránh, thậm chí “bàn ra”. Thực tế, việc đi chợ của đa số người dân thường theo thói quen tiện đâu mua đó, vì vậy chợ vỉa hè, chợ tự phát mới có cơ hội tồn tại mặc dù chất lượng hàng hóa ở những chợ này không đảm bảo, nhất là về an toàn vệ sinh thực phẩm. Do đó, phần lớn tiểu thương chưa mặn mà tham gia xây dựng chợ văn minh là có cơ sở.
Đề cập đến vấn đề giải quyết những tồn đọng này, ông Lê Văn Trung, Chánh văn phòng UBND TP.Biên Hòa, cho biết thành phố đã yêu cầu ban quản lý các chợ tổ chức sinh hoạt định kỳ với ban vận động chợ văn minh để kịp thời rút kinh nghiệm trong quá trình xây dựng chợ văn minh đạt hiệu quả. Đồng thời, lãnh đạo TP.Biên Hòa đã chỉ đạo các địa phương kiên quyết xử lý tình trạng buôn bán lấn chiếm lòng lề đường, nhất là những khu vực xung quanh các chợ ở TP.Biên Hòa. Theo ông Trung, căn cứ vào kế hoạch phát triển chợ văn minh thì chợ Biên Hòa đã đạt chuẩn vào tháng 8-2014; 2 chợ Hóa An và Tân Phong dự kiến đạt vào năm 2016.
Ngọc Liên