Không chỉ có gờ đường trên quốc lộ 20 đang bị biến dạng từng ngày, mà ngay tại TP.Biên Hòa, tình trạng đục, đẽo vỉa hè để làm đường dẫn vào nhà xuất hiện khắp nơi…
[links()]Không chỉ có gờ đường trên quốc lộ 20 đang bị biến dạng từng ngày, mà ngay tại TP.Biên Hòa, tình trạng đục, đẽo vỉa hè để làm đường dẫn vào nhà xuất hiện khắp nơi…
Do rãnh thoát nước bị trám xi măng nên nước không thể thoát (ảnh chụp trên đường Nguyễn Ái Quốc, phường Tân Hiệp). Ảnh: N.Liên |
Thực tế, việc “gặm nhấm” vỉa hè tại một số đường ở TP.Biên Hòa diễn ra cách nay hàng chục năm. Giống như quốc lộ 20, do thiết kế vỉa hè chưa hợp lý khiến việc ra, vào nhà của người dân gặp khó khăn. Để dễ chạy xe lên lề đường, nhiều hộ dân đã không ngần ngại đập bỏ gờ đường hoặc đắp xi măng dẫn từ mặt đường lên vỉa hè.
* Đủ kiểu chắp vá…
Là một trong những con đường đã hình thành khá lâu với hai bên đường có cây xanh rợp bóng mát, thế nhưng đường Huỳnh Văn Nghệ (phường Bửu Long) lại có vỉa hè khá nham nhở do gờ đường bị người dân “gọt” bớt.
Một số hộ dân có nhà ở mặt tiền đường Huỳnh Văn Nghệ cho biết cách nay nhiều năm khi tiến hành nâng cấp toàn tuyến, người dân đã đề nghị đơn vị thi công làm thấp gờ đường thì xe mới có thể lên vỉa hè để vào nhà được. Tuy nhiên, chỉ một số khu vực gờ đường được hạ độ cao, những chỗ còn lại thì xe 2 bánh không thể lên được nên nhiều gia đình tự ý đục bớt gờ đường xuống thấp. Ban đầu chỉ có một vài hộ lén làm vào ban đêm, vì không thấy trường hợp nào bị phạt nên sau đó hầu như mọi nhà đều tạo phía trước nhà mình một đường dẫn thoai thoải.
Người dân tự tạo độ nghiêng cho vỉa hè để xe dễ lên xuống trên đường Đồng Khởi (phường Trảng Dài). |
Ngoài đường Huỳnh Văn Nghệ, nhiều tuyến đường khác ở Biên Hòa lâu nay cũng bị người dân đục, đắp gờ đường, như: Phạm Văn Thuận, Đồng Khởi, Võ Thị Sáu, Nguyễn Ái Quốc… Phổ biến nhất là tình trạng người dân đắp một lớp xi măng rộng khoảng 1m trùm lên rãnh thoát nước nhằm tạo độ nghiêng, đủ để xe máy đi qua. Thế nhưng, “công trình” bất đắc dĩ này lại gây ra cảnh ngập cục bộ vì nước không có đường thoát. Có những nơi sau cơn mưa vài ngày nhưng nước vẫn còn ứ đọng lại trên đường khiến đường nhanh chóng xuống cấp. Điển hình là từ khu vực Vườn Mít đến Khách sạn Đồng Nai có hàng trăm “công trình” tự phát trước nhà dân. Hay như trên đường Đồng Khởi, đường Nguyễn Ái Quốc tất cả nhà ở hai bên đường đều đục gờ đường hoặc đắp xi măng thành đường dẫn từ dưới lên.
* Thiết kế vỉa hè không phù hợp?
Hầu hết những gia đình tự phá bỏ gờ đường hay đắp xi măng phía trước nhà mình đều thừa nhận cách làm này làm mất mỹ quan đô thị, thậm chí gây ô nhiễm môi trường vì nước ứ đọng. Tuy nhiên, nếu không “vi phạm” thì chỉ có cách để xe ngoài đường, bởi không cách nào đưa được xe lên vỉa hè thiếu độ nghiêng như vậy.
Tình trạng đục, đắp vỉa hè khá phổ biến trên đường Phạm Văn Thuận, phường Trung Dũng. |
Anh Nguyễn Khang, nhân viên giữ xe tại một quán ăn gia đình ở đường Võ Thị Sáu, cho rằng vỉa hè trên đường này không quá cao, nhưng gờ được xây có độ nghiêng ít. Khách tới đây thường phải dừng xe dưới lòng đường để bảo vệ dắt lên. Đã có nhiều người vì chủ quan nên ráng điều khiển xe lên lề, vì thế gầm máy bị cạ vào gờ đường; không ít trường hợp là phụ nữ, hoặc người đi xe tay ga khi rồ ga mạnh đã khiến xe trượt bánh, té ngã.
Đánh giá về thực trạng vỉa hè ở TP.Biên Hòa hiện nay, ông Võ Thành Lê Phương, cán bộ Tổ giao thông công chánh (Phòng Quản lý đô thị Biên Hòa), cho biết hiện nay ở thành phố có 70 đường lớn nhỏ, với tổng chiều dài khoảng 113km. Cơ bản các con đường này đang sử dụng tốt. Song gờ đường tại nhiều khu vực bị người dân đục, đắp đã làm biến dạng vỉa hè. Theo ông Phương, việc thiết kế gờ đường ở các vỉa hè trong thành phố chưa phù hợp với nhu cầu đi lại của người dân. Bên cạnh những tuyến đường bị đục, đắp nham nhở, gần đây một số đường có thiết kế vỉa hè hợp lý, như: Hưng Đạo Vương, Đặng Văn Trơn. Tại những đường này, vỉa hè dù khá cao nhưng có độ nghiêng thoai thoải nên các loại xe lên xuống dễ dàng và an toàn.
Một cán bộ thanh tra giao thông (Sở Giao thông - vận tải) khá bức xúc khi nói về tình trạng gờ đường bị đục đẽo nham nhở. Người này cho biết, cách đây hàng chục năm khi đường Phạm Văn Thuận (trước là quốc lộ 15) mới được nâng cấp, đã có một số trường hợp bị xử phạt vì tác động đến công trình giao thông. Thế nhưng, càng về sau số hộ vi phạm quá nhiều và trở nên phổ biến thì lực lượng chức năng không thể xử lý hết. Hơn nữa, lý do để người dân đập gờ đường hay xây đắp đường dẫn lên vỉa hè chủ yếu do gờ đường thiết kế quá cao. Điều này không phải không có lý, nên từ đó đến nay các trường hợp làm biến dạng vỉa hè được cơ quan chức năng… ngó lơ. Bởi nếu nghiêm túc thực thi nhiệm vụ thì những nhà mặt tiền của các tuyến đường phải nộp phạt hết và trả lại hiện trạng ban đầu vì đã vi phạm đến công trình công cộng. Vấn đề đặt ra ở đây là vì sao người dân đục đẽo gờ đường? Nhìn thấy nguyên nhân này để nhanh chóng khắc phục thì công trình mới tránh được tình trạng “kẻ xây, người phá”. T.N |
Tạ Nguyên - Ngọc Liên