Liên tục điện thoại, gửi công văn đến các cơ quan, đơn vị để mời mua sách, đăng quảng cáo - hình thức mời chào như ép buộc này đã gây phiền phức không nhỏ cho các cơ quan, đơn vị lâu nay.
Liên tục điện thoại, gửi công văn đến các cơ quan, đơn vị để mời mua sách, đăng quảng cáo - hình thức mời chào như ép buộc này đã gây phiền phức không nhỏ cho các cơ quan, đơn vị lâu nay.
Điều đáng nói là những đơn vị mời chào quảng cáo thường tự xưng là người của một số tạp chí, ấn phẩm của các đơn vị chủ quản Trung ương. Thậm chí, có những người còn sử dụng “chiêu” hù dọa là nếu không mua sách hoặc làm quảng cáo trên ấn phẩm, tạp chí sẽ dẫn đến phiền phức, bởi họ quen biết với lãnh đạo địa phương.
* “Làm việc” qua điện thoại
Trong lúc đang làm việc với phóng viên Báo Đồng Nai thì điện thoại của ông P., Chủ tịch UBND huyện T., liên tục đổ chuông. Ông P. thấy số lạ liền nói nhanh đang bận họp rồi cúp máy.
Giải thích về trường hợp này, ông T. cho biết ngày nào cũng nhận được nhiều cuộc điện thoại mời mua sách báo, hoặc gợi ý đăng quảng cáo trên các ấn phẩm, tạp chí… Trong số những người “rao hàng” này có không ít nhân vật thể hiện là người “bề trên” khi xưng danh là cán bộ đang làm việc tại một cơ quan Trung ương nên dùng lời lẽ rất khó chịu. Theo ông P., dù đã được giải thích nhiều lần rằng cơ quan không có nhu cầu mua sách, tạp chí, kể cả đăng quảng cáo vì không có kinh phí. Tuy nhiên, người của những tạp chí, ấn phẩm này vẫn không tha, khi liên tục gọi điện thoại đến kỳ kèo; năn nỉ không được liền hù dọa, nói là bạn thân của lãnh đạo trên tỉnh. Thậm chí, có người còn xưng là thầy giáo cũ, muốn ông ủng hộ cho tập san của nhà trường... Về nguyên tắc, số điện thoại của lãnh đạo huyện phải mở 24/24 giờ, hơn nữa lại là đường dây nóng để người dân có việc gọi đến. Vì vậy, những người đi bán báo hoặc làm quảng cáo… dạo gọi bất kỳ lúc nào, kể cả đêm khuya.
Hay như ông Trần Đình X., giám đốc của một đơn vị lâm nghiệp ở TP.Biên Hòa, đã bị người tên Khánh, xưng là cán bộ của Bộ Công an gọi điện thoại đến mời mua sách. Dù ông X. đã từ chối, nhưng trong khoảng 1 tháng nay ông Khánh đã gọi trên 20 cuộc điện thoại cho ông X. với chỉ một nội dung này. Ngoài ra, ông Khánh còn nhắn tin đến ông X., cho biết là bạn thân của Trưởng công an TP.Biên Hòa.
* Đủ kiểu mời làm quảng cáo
Thời gian qua, phần lớn các cơ quan, đơn vị ở các địa phương trong tỉnh đều không thoát khỏi tình trạng bị làm phiền từ những kẻ giấu mặt mời mua sách hoặc đăng quảng cáo. Những người này thường dùng nhiều cách tiếp cận khác nhau, thường thì điện thoại trực tiếp hay gửi công văn yêu cầu. Nhưng táo bạo hơn là có những trường hợp gửi hợp đồng đến các đơn vị đề nghị ký vào rồi gửi trở lại theo địa chỉ ghi sẵn trong hợp đồng. Một điều lạ nữa là thành phần này nắm rất rõ số điện thoại cũng như thông tin về cơ quan, đơn vị hoặc cá nhân những vị đứng đầu ngành, địa phương. Thậm chí, có những cá nhân được xét tặng danh hiệu cao quý của Trung ương họ đều biết và liên hệ yêu cầu đăng bài theo dạng gương điển hình trên tạp chí.
Cùng là “nạn nhân” của tình trạng mời đăng quảng cáo trên tạp chí, bà T.H.T., phụ trách truyền thông của Công ty TNHH một thành viên Đ., cho biết doanh nghiệp thường xuyên bị một số người bán sách hoặc là nhân viên ở tạp chí nào đó đến làm phiền. Bà T. bức xúc: “Công ty tôi không có nhu cầu đăng quảng cáo cũng như không cần thiết phải đọc những loại sách báo, tạp chí chuyên ngành. Song có trường hợp đến hàng chục lần và ngồi rất… dai để kể lể, giới thiệu về những lĩnh vực ngoài chuyên môn của công ty. Vì thế, nếu không mua thì thấy ngại, khó xử nên đôi lúc phải bấm bụng mà đồng ý cho xong”.
Để đối phó với tình trạng bị phiền nhiễu vì liên tục bị mời chào quảng cáo và bán sách báo, nhiều cơ quan đã treo bảng từ chối tiếp những người bán sách báo, tiếp thị quảng cáo ngay tại cổng ra vào.
Ngọc Liên