Báo Đồng Nai điện tử
En

Lặng lẽ đồi Tây Ninh

10:08, 01/08/2014

Nằm trơ trọi giữa sông La Ngà, đồi Tây Ninh thuộc ấp Bằng Lăng, xã La Ngà (huyện Định Quán) gần như biệt lập với những khu vực xung quanh. Cuộc sống của người dân sống trên "đảo" này khác hẳn với nhịp sống đời thường của cư dân vùng khác.

Nằm trơ trọi giữa sông La Ngà, đồi Tây Ninh thuộc ấp Bằng Lăng, xã La Ngà (huyện Định Quán) gần như biệt lập với những khu vực xung quanh. Cuộc sống của người dân sống trên “đảo” này khác hẳn với nhịp sống đời thường của cư dân vùng khác.

Rộng khoảng 2 hécta, hiện đồi Tây Ninh có 11 hộ dân đang cư trú, giống như một bản làng nhỏ lênh đênh giữa sông nước. Việc làm chính của những lao động ở đây chủ yếu là thả câu, giăng lưới. Với họ, dường như đời thường không có gì là gấp gáp, bon chen; trái lại họ chấp nhận cách sống lặng lẽ với thời gian nơi “đảo” nhỏ.

* Xóm nghèo trên “đảo”

Từ quốc lộ 20 vào khoảng 6 km đường bộ và thêm chừng 20 phút đi xuồng máy là đến đồi Tây Ninh. Đoạn đường tuy không xa, nhưng để đến được nơi đây, chúng tôi phải đi hơn 1 giờ đồng hồ bởi đường dốc ngoằn ngoèo, gập ghềnh đá rất khó đi.

Mùa nước lớn, đồi Tây Ninh (phía xa) bị cô lập với bên ngoài.
Mùa nước lớn, đồi Tây Ninh (phía xa) bị cô lập với bên ngoài.

Trong khi chờ xuồng máy để ra đồi, chúng tôi gặp anh Nguyễn Văn Mến, một ngư dân ngụ ở ấp Bằng Lăng từ khá lâu. Nghe tôi hỏi, anh Mến chỉ tay về phía xa, nơi có quả đồi nhỏ và nói: “Đó là đồi Tây Ninh. Từ đây đến đó phải đi vòng qua một đồi trống khác. Giờ này ngoài đó chỉ có trẻ em, người lớn đi đánh cá hết rồi”. Theo anh Mến, đang vào mùa nước lớn nên có nhiều luồng cá theo con nước đổ về. Đây là thời điểm làm ăn chính của ngư dân, vì thế họ tranh thủ đánh bắt cả ngày lẫn đêm.

Ông Phạm Minh Cát, Trưởng ấp Bằng Lăng (xã La Ngà) cho biết thời gian qua trên đồi Tây Ninh thường xảy ra tình trạng sinh con tại nhà và trẻ em không có giấy khai sinh khá phổ biến. “Hàng năm, chính quyền địa phương đều tổ chức tuyên truyền, vận động bà con trên đồi thực hiện kế hoạch hóa gia đình và cho con em đi học. Tuy nhiên, do cách biệt hẳn với khu vực dân cư nên trẻ em nơi đây chỉ học được một thời gian ngắn rồi lại nghỉ. Nhiều gia đình có từ 4-5 con, kinh tế khó khăn nên cha mẹ hàng ngày phải vật lộn với cuộc sống, đâu còn thời gian lo cho con học hành” - ông Cát nói.

Khi chiếc đò máy chở chúng tôi vừa đến chân đồi thì cơn mưa lớn ập tới. Cùng lúc ấy có vợ chồng anh Nguyễn Văn Phương, một hộ dân sống trên đồi Tây Ninh cũng đang vội vã chạy về nhà. Anh Phương năm nay 37 tuổi, nhưng có đến 4 con. Con gái lớn 14 tuổi học hết lớp 5 thì nghỉ, hiện ở nhà trông bé út mới vài tháng tuổi; em kế học lớp 3, còn đứa áp út chuẩn bị vào lớp 1. Vợ chồng anh Phương hàng ngày đi đánh cá ở sông La Ngà được vài chục ngàn đồng; thỉnh thoảng trúng lắm cũng chỉ gần 100 ngàn đồng. Vì thế cuộc sống của gia đình anh Phương gặp rất nhiều khó khăn. Tiếp chúng tôi trong căn nhà tuềnh toàng, anh Phương buồn rầu khi nói đến chuyện học của các con. Anh bảo, các cháu còn nhỏ nên nếu cho đi học thì phải đưa đón, trong khi hàng ngày anh và vợ phải tối mặt với chuyện cơm áo trên dòng sông nơi xa. Do vậy, con anh đi học không đều cũng là chuyện bình thường.

Không chỉ gia đình anh Phương mà phần lớn các hộ trên đồi đều có con học hành dở dang. Nguyên nhân là do cuộc sống chồng chất khó khăn, ráng làm lắm cũng chỉ đủ đắp đổi qua ngày. Thiếu thốn luôn đeo bám nên các gia đình ở xóm nghèo trên “đảo” chẳng ai buồn nghĩ đến ngày mai.

* Quanh năm hiu quạnh

Xóm dân cư trên đồi Tây Ninh được hình thành cách đây khoảng 30 năm do một nhóm người từ tỉnh Tây Ninh đến đây sinh sống. Có lẽ vì thế mà đồi này có tên Tây Ninh? Theo thời gian, số người “khai phá” vùng đất đồi đã bỏ đi, thay vào đó là những gia đình từ nhiều vùng khác đến lập nghiệp. Mùa nước cạn, đồi Tây Ninh cao khoảng 100m so với mặt nước, còn mùa mưa đồi trở thành “đảo nổi” với tứ bề mênh mông nước. Quanh năm, người ở ngoài rất ít khi đến đồi, riêng thời điểm nước ngập đồi Tây Ninh gần như bị “cô lập” với bên ngoài.

Trông nhà, gỡ lưới, hái rau là việc thường ngày của trẻ em trên đồi Tây Ninh.
Trông nhà, gỡ lưới là việc thường ngày của trẻ em trên đồi Tây Ninh.

Theo chân lũ trẻ trong xóm, chúng tôi đến nhà bà Mai Thuận Quân, một trong những hộ dân sống ở đây đã trên 20 năm. Gia đình bà Quân cũng có 4 người con. Tuy hoàn cảnh khó khăn, nhưng bà Quân là gia đình duy nhất trên đảo quyết tâm cho con theo học. Vì thế, hiện tại 3 người con lớn của bà Quân đang học trung cấp và cao đẳng tại TP.Biên Hòa, con út học lớp 11 tại Trường THPT Điểu Cải. Nhớ lại những tháng ngày cơ cực để nuôi con ăn học, bà Quân tâm sự: “Dạo trước, nhiều lúc tôi rất nản chí vì gia đình quá nghèo, muốn cho con nghỉ học như những đứa trẻ khác trên đồi để đỡ cực hơn. Nhưng vì không muốn sau này chúng nó giống cha mẹ nên vợ chồng lại đầu tắt mặt tối, chắt chiu từng đồng lo chuyện học cho con. Thực tế, nhìn con tôi học hành đến nơi đến chốn, các gia đình cùng xóm cũng khao khát được như vậy, song đến giờ chuyện học hành đối với bọn trẻ là điều không đơn giản”.

Đồi Tây Ninh không có điện, nước sinh hoạt và ăn uống của người dân đều lấy  từ dưới… sông. Cuộc sống của trẻ em trên đồi Tây Ninh rất buồn tẻ. Hàng ngày những đứa trẻ trên đồi thơ thẩn trong nhà, gỡ lưới phụ cha mẹ hoặc hái rau trong vườn về lo bữa cơm gia đình. Đưa ổ bánh mì cho 3 đứa con anh Phương, nhưng khi nhìn chúng cẩn thận chia làm 3 phần cho thật bằng nhau, tôi cũng như người bạn đi cùng không khỏi chạnh lòng.

 

  Ngọc Liên    

 

 

 

Tin xem nhiều