Báo Đồng Nai điện tử
En

Hiu quạnh khu chăn nuôi tập trung

11:08, 11/08/2014

Mặc dù ấp 4 xã Sông Nhạn (huyện Cẩm Mỹ) được quy hoạch là vùng chăn nuôi tập trung gần 6 năm qua, song đến nay khu vực này vẫn chưa thu hút được các nhà đầu tư đến để phát triển theo hướng đã quy hoạch…

Mặc dù ấp 4 xã Sông Nhạn (huyện Cẩm Mỹ) được quy hoạch là vùng chăn nuôi tập trung gần 6 năm qua, song đến nay khu vực này vẫn chưa thu hút được các nhà đầu tư đến để phát triển theo hướng đã quy hoạch…

Một trong những nguyên nhân khiến các nhà kinh doanh “ngán” đầu tư vào xã Sông Nhạn là do hệ thống đường sá tại khu vực này chưa được đầu tư nâng cấp đồng bộ.

* Cơ sở hạ tầng nghèo nàn

Ngày 28-9-2009, UBND tỉnh phê duyệt vùng chăn nuôi và cơ sở giết mổ tập trung, giai đoạn 2008-2015 và định hướng đến năm 2020 của huyện Cẩm Mỹ. Theo đó, xã Sông Nhạn được quy hoạch khu chăn nuôi tập trung trên diện tích 152 hécta, trong đó riêng ấp 4 là 83 hécta. Sau khi được công nhận là vùng chăn nuôi tập trung, các tuyến đường trong khu vực sẽ được đầu tư nâng cấp. Ngoài ra, hệ thống lưới điện hạ thế cũng được lắp đặt hoàn chỉnh để phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, đến nay cơ sở hạ tầng của khu vực này vẫn chưa được đầu tư đúng mức.  

Đường dẫn vào khu quy hoạch chăn nuôi tập trung tại ấp 4, xã Sông Nhạn hiện vẫn là đường mòn.
Đường dẫn vào khu quy hoạch chăn nuôi tập trung tại ấp 4, xã Sông Nhạn hiện vẫn là đường mòn.

Chính vì cơ sở hạ tầng trong khu quy hoạch còn nghèo nàn nên hiện tại ấp 4 chỉ có 2 trang trại chăn nuôi đang hoạt động, còn lại hầu hết là nuôi heo, gà dạng gia đình. Anh Lê Văn Lộc, chủ trang trại nuôi heo tại khu 4, ấp 4 xã Sông Nhạn, cho biết để chăm sóc đàn heo trên 1 ngàn con gia đình phải bỏ hơn 30 triệu đồng làm hệ thống đường dây điện kéo nhờ từ một hộ tại ấp 5 về dùng. Mỗi tháng, riêng khoản tiền điện đã “ngốn” gần 2 triệu đồng khiến chi phí kinh doanh của gia đình anh Lộc tăng lên đáng kể. Cùng hoàn cảnh như anh Lộc, anh Nguyễn Văn Lượng, ngụ khu 2,  ấp 4, xã Sông Nhạn tâm sự thời gian qua khá cơ cực trong việc chuyên chở thức ăn gia súc vào trang trại nuôi heo của mình. Nguyên nhân là do đường đi đã xuống cấp trầm trọng, xe tải không đến tận nơi được nên buộc phải tốn thêm tiền thuê xe công nông để chở hàng hóa. Những khoản ngoài kế hoạch này đều phải tính vào chi phí kinh doanh khiến người chăn nuôi không có lãi.

Theo những nông dân ở xã Sông Nhạn mà chúng tôi đã gặp, phần lớn người dân địa phương rất chí thú làm ăn, nhưng một khi không có cơ hội để phát triển, nhất là về đường, điện thì khu chăn nuôi tập trung ở xã Sông Nhạn khó thể hình thành.

* Bao giờ dự án được hình thành?

Hiện tại khu vực quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung ở xã Sông Nhạn đất bỏ hoang khá nhiều, mặc dù người dân nơi đây đều có ý tưởng tập trung phát triển chăn nuôi heo, gà. Đường tại một số khu vực nằm trong quy hoạch vẫn còn là lối mòn rất khó đi. Không có điện, giao thông hạn chế khiến đời sống của một bộ phận dân cư trong xã vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Trại chăn nuôi heo của anh Lê Văn Lộc không thể mở rộng vì đến nay vẫn chưa có điện lưới quốc gia.
Trại chăn nuôi heo của anh Lê Văn Lộc không thể mở rộng vì đến nay vẫn chưa có điện lưới quốc gia.

Ông Hoàng Triệu Long, Trưởng ấp 4 xã Sông Nhạn, khẳng định khi thông tin về ấp 4 được quy hoạch là vùng chăn nuôi tập trung, người dân nơi đây khấp khởi mừng vì cơ hội làm ăn sẽ được mở ra. Đáng tiếc là từ đó đến nay dự án này vẫn giậm chân tại chỗ. Trong những năm gần đây, mỗi lần dự các buổi tiếp xúc cử tri, người dân trong ấp luôn thắc mắc vì sao dự án chưa triển khai? Thế nhưng, đến nay câu hỏi này vẫn chưa được cơ quan chức năng trả lời thỏa đáng.

Trong khi đó, đề cập về vấn đề quy hoạch vùng chăn nuôi đã có chủ trương từ 6 năm trước, Chủ tịch UBND xã Sông Nhạn Nguyễn Xuân Trường thừa nhận người dân nơi đây chờ đợi đã quá lâu. Thực tế, cách đây không lâu chính quyền địa phương có đón một đoàn gồm đại diện của các công ty chuyên về chăn nuôi đến đề nghị được hợp tác với người dân trong xã. Thế nhưng sau khi đi khảo sát thực tế, đại diện của các công ty này đều “lắc đầu” vì đường giao thông thiếu đồng bộ; một số hộ dân chưa có điện lưới quốc gia nên không thể đảm bảo cho quy trình phát triển chăn nuôi của họ. “Chúng tôi đã kiến nghị UBND huyện Cẩm Mỹ sớm có biện pháp nâng cấp hệ thống giao thông trong vùng quy hoạch; đồng thời hoàn thiện mạng lưới điện quốc gia đến từng hộ dân trên địa bàn. Bản thân tôi nghĩ rằng, chỉ khi nào cơ sở hạ tầng tương đối thuận lợi thì mới có thể thu hút đầu tư, khuyến khích chăn nuôi phát triển. Mỗi lần nghe dân hỏi chừng nào  vùng quy hoạch chăn nuôi tập trung mới hình thành, chính quyền địa phương chỉ biết trả lời: Chờ!” - ông Trường nhấn mạnh.

Văn Chính

 

 

 

Tin xem nhiều