Báo Đồng Nai điện tử
En

Hàng quán "tấn công" khu di tích

06:08, 09/08/2014

Núi Chứa Chan (huyện Xuân Lộc) được Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch xếp hạng di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia ngày 29-3-2012. Hàng năm, nơi đây thu hút hàng trăm ngàn lượt du khách tới tham quan, lễ chùa …

 

Núi Chứa Chan (huyện Xuân Lộc) được Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch xếp hạng di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia ngày 29-3-2012. Hàng năm, nơi đây thu hút hàng trăm ngàn lượt du khách tới tham quan, lễ chùa …

Tuy nhiên, thời gian qua một số du khách đến đây đã không khỏi bức xúc bởi tình trạng chèo kéo khách mua hàng. Mặt khác, đường lên đỉnh núi bị một số hộ dân lấn chiếm để xây dựng nhà ở, hoặc kinh doanh buôn bán.

* Bát nháo trước cổng chùa

Chùa Bửu Quang tọa lạc trên đỉnh núi Chứa Chan. Do đó, đường dẫn từ dưới lên được xây dựng với hàng trăm bậc thang có chiều rộng 5m. Thế nhưng, lâu nay đường lên núi đã bị thu hẹp bởi mạnh ai nấy chiếm để bày biện hàng quán. Thậm chí, nhiều đoạn đường dài hàng trăm mét chẳng khác gì… đường hầm do hộ dân làm mái vòm từ nhà này qua nhà khác để thuận tiện cho việc làm ăn.

Cổng chùa Bửu Quang bị lấn chiếm làm nơi buôn bán.
Cổng chùa Bửu Quang bị lấn chiếm làm nơi buôn bán.

Tại vị trí cổng chùa Bửu Quang, việc kinh doanh buôn bán diễn ra bát nháo chẳng khác gì chợ. Không ít trường hợp còn tận dụng các bậc thang làm nơi trưng bày đồ lưu niệm, đồ vàng mã, nhang, hoa quả…  làm du khách rất khó khăn khi đi qua đây. Bà Trần Thị Hào, ngụ xã Bảo Vinh (TX.Long Khánh), than: “Lên được tới chùa mệt muốn đứt hơi. Tưởng rằng tới đây để tìm chút thư giãn, hít thở không khí trong lành, ai ngờ bị người bán hàng chèo kéo, mời mọc liên tục”.

Không chỉ than phiền về lối đi lên núi bị lấn chiếm, nhiều du khách thể hiện sự bất bình về tình trạng một số người đứng giữa đường chặn xe của khách để kéo vào chỗ gửi xe. Tại khu vực này, các điểm giữ xe “chặt chém” du khách 10 ngàn đồng/lượt cho xe máy, cao gấp nhiều lần so với giá quy định. Có người thắc mắc hỏi vì sao giá giữ xe cao thì nhận được câu trả lời gọn lỏn từ nhân viên: “Giá quy định như thế!”.

* Sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý

Ông Nguyễn Đức Dũng, thành viên Ban hộ tự chùa Bửu Quang, cho biết tình trạng lấn chiếm cổng chùa làm nơi buôn bán, thậm chí mở quán nhậu, hát karaoke ngay trong khuôn viên nhà chùa đã diễn ra nhiều năm nay. Ngoài ra, việc tranh giành khách mua hàng gây mất an ninh trật tự xảy ra thường xuyên. “Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên Ban quản lý di tích danh thắng núi Chứa Chan, đề nghị có biện pháp can thiệp, giải tỏa số hàng quán trong khuôn viên chùa. Tuy nhiên, dẹp được mấy ngày thì việc kinh doanh lại tái diễn” - ông Dũng nói.

Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về tình trạng buôn bán lộn xộn dọc đường lên núi và trong sân các chùa, ông Bùi Tấn Trước, Trưởng ban Quản lý di tích danh thắng núi Chứa Chan, thừa nhận việc phá vỡ cảnh quan tự nhiên cũng như gây cản trở lối đi đường lên núi diễn ra đã khá lâu. Nguyên nhân do trước đây, một số gia đình được giao đất để thực hiện chương trình trồng và bảo vệ rừng nên họ đã ở đây từ rất lâu. Vì vậy, việc yêu cầu số hộ này di dời ra khỏi khu di tích rất khó. Để đảm bảo an ninh trật tự, nhiều năm qua ban quản lý thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các hộ dân không được lấn chiếm, cơi nới nhà ở, song việc xâm phạm di tích cứ tái diễn.

Riêng đối với việc du khách bị “chặt chém” khi gửi xe trong khuôn viên khu di tích, ông Trước cho biết ban quản lý cũng nhận được phản ảnh về vấn đề này. “Vì không có thẩm quyền xử phạt nên chúng tôi chỉ có thể nhắc nhở những người tổ chức bãi giữ xe không tự ý nâng giá vé. Nếu thực hiện tốt điều này sẽ tạo ấn tượng để du khách có thể quay lại tham quan. Nhắc nhở là vậy nhưng áp dụng lại là chuyện khác. Tới đây, chúng tôi sẽ đề nghị chính quyền địa phương phối hợp, tăng cường kiểm tra, giải tỏa các trường hợp xây dựng trái phép; cũng như việc buôn bán mất trật tự trên đất di tích, nhất là tình trạng chèo kéo, chặt chém du khách” - ông Trước khẳng định.

Văn Chính

Tin xem nhiều