Hơn 1 năm qua, từ khi dự án đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây được triển khai thi công, nhiều hộ dân tại xã Sông Nhạn (huyện Cẩm Mỹ) gặp rất nhiều khó khăn trong việc đi lại hàng ngày.
Hơn 1 năm qua, từ khi dự án đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây được triển khai thi công, nhiều hộ dân tại xã Sông Nhạn (huyện Cẩm Mỹ) gặp rất nhiều khó khăn trong việc đi lại hàng ngày. Nguyên nhân là do đường đi lâu nay nằm trong diện bị thu hồi đất…
Khi đơn vị thi công tiến hành lắp đặt hàng rào đã bít luôn đường dân sinh tại địa phương. Trước tình thế không còn đường đi, người dân nơi đây chỉ biết kêu trời vì chưa biết khi nào mới có đường khác.
* Bít lối đi chung
Khi công trình đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây được triển khai, một số đoạn đường tại xã Sông Nhạn nằm trong phạm vi hướng tuyến được Nhà nước thu hồi để phục vụ thi công. Tuy nhiên, điều cư dân bức xúc là trong khi lấy luôn đường cũ, ban quản lý dự án lại không mở đường mới khiến việc đi lại của người dân gặp rất nhiều khó khăn.
Hầm chui trên đường liên xã Sông Nhạn (huyện Cẩm Mỹ) và xã Bình An (huyện Long Thành) ngập kéo dài sau mưa đã gây khó khăn cho các phương tiện đi qua đây. |
Bà Nguyễn Thị Hoàng Long, ngụ tổ 1, ấp 1, xã Sông Nhạn, cho biết vì không còn lối đi chung nên gia đình bà phải đi nhờ qua rẫy của hàng xóm. Do sử dụng lối đi tạm nên gia đình bà Long gặp không ít trục trặc trong việc vận chuyển phân bón, nông cụ để chăm sóc cho hơn 2 hécta trồng tiêu, điều. Theo bà Long, hầu hết nhân dân xã Sông Nhạn rất đồng tình khi Nhà nước đầu tư xây dựng đường cao tốc. Chính vì vậy, khi có thông báo thu hồi đất, ai cũng chấp hành. Tuy nhiên, đường đi chung từ nhiều năm qua bỗng dưng bị đơn vị thi công bít lại. Điều này đã gây trở ngại lớn trong việc đi lại của người dân, nhất là đối với những hộ lâu nay chỉ đi, về bằng con đường đã bít đó.
Cùng cảnh ngộ như các gia đình nêu trên, bà con ngụ tại khu 2, ấp 6, xã Sông Nhạn thời gian qua cũng phải dở khóc, dở cười vì đường đi ngày trước đã bị thu hồi để phục vụ dự án. Gần 40 hộ dân nơi đây hàng ngày đi làm, đi chợ, đưa con em đi học… đều băng tạm qua lối đi tự mở ngay tại công trình đang thi công. Mặt khác, ở ấp 6 có cánh đồng lúa rộng gần 50 hécta của hàng trăm hộ dân đang canh tác. Vì thế, nhu cầu cần có đường để vận chuyển nông sản, phân bón thực sự là vấn đề cấp thiết.
* Mong sớm có giải pháp phù hợp
Không chỉ bức xúc vì không còn lối đi chung, không ít người còn thể hiện sự bất bình về việc thi công cẩu thả của đơn vị thi công tại vị trí hầm chui trên tuyến đường nối liền giữa xã Sông Nhạn (huyện Cẩm Mỹ) và xã Bình An (huyện Long Thành). Do nền của hầm chui thiết kế thấp hơn so với mặt đường, trong khi hệ thống thoát nước chưa được xây dựng nên sau mỗi cơn mưa là hầm chui bị ngập sâu trong nước nhiều ngày liền. Mặt khác, hai đầu của hầm chui này không được gia cố bằng bê tông, nên mỗi đợt nước ngập thì nhiều phương tiện lưu thông qua đây bị chết máy; khổ nhất là xe 2 bánh chở hàng nặng phải rất vất vả mới dẫn qua được đoạn sình lầy ngập nửa bánh xe.
Không có đường dân sinh, người dân xã Sông Nhạn muốn đi lại phải leo qua đường cao tốc đang thi công. |
Trao đổi về những cơ cực của người dân địa phương khi không còn đường đi chung, Phó chủ tịch UBND xã Sông Nhạn Mai Thanh Hùng thừa nhận phản ảnh của người dân là đúng. Dự án đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây do Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư. Việc phát sinh những bất cập trong quá trình thi công dự án đã phần nào ảnh hưởng đến cuộc sống của một bộ phận dân cư. Đối với việc thiếu đường dân sinh tại khu 2, ấp 6, xã Sông Nhạn, ông Hùng cho biết, theo thiết kế thì phần hành lang của đường cao tốc đi qua khu vực có mở đường đi phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Tuy nhiên, tại đoạn đường này chủ đầu tư đã xây dựng hệ thống thoát nước, nhằm tránh gây ngập lụt cho diện tích trồng lúa của địa phương. Vì vậy, phần đất để mở đường như quy hoạch đã không còn.
Theo ông Hùng, trước nhu cầu đi lại hết sức cấp thiết của người dân, mới đây UBND xã Sông Nhạn đã có văn bản gửi Ban quản lý dự án đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, đề nghị sớm có giải pháp mở đường dân sinh; cũng như nhanh chóng khắc phục một số tồn tại gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Tuy nhiên, đến nay chính quyền địa phương vẫn chưa nhận được phản hồi.
Văn Chính