Báo Đồng Nai điện tử
En

Gập ghềnh đường Cao Cang

10:07, 30/07/2014

Mặc dù đã được duy tu nâng cấp nhiều lần nhưng đường Cao Cang (huyện Định Quán) gần đây lại xuống cấp trầm trọng, gây ảnh hưởng đến việc đi lại và vận chuyển nông sản của người dân địa phương.

Mặc dù đã được duy tu nâng cấp nhiều lần nhưng đường Cao Cang (huyện Định Quán) gần đây lại xuống cấp trầm trọng, gây ảnh hưởng đến việc đi lại và vận chuyển nông sản của người dân địa phương.

Đường Cao Cang (còn gọi là đường Gia Canh) thuộc xã Gia Canh dài hơn 13 km, có điểm đầu giao với quốc lộ 20, điểm cuối tiếp giáp sông Là Ngà với phía bên kia là xã Đức Tiến, huyện Đức Linh (tỉnh Bình Thuận).

* Đường tỉnh hay đường “làng”?

Đây là tuyến đường huyết mạch của địa phương nhưng lâu nay chưa được đầu tư đúng mức. Những năm 1990, đường Cao Cang được UBND huyện Định Quán cho tráng nhựa khoảng 4km, tính từ quốc lộ vào. Sau đó, để thuận tiện cho việc vận chuyển mía, năm 2004 Công ty mía đường La Ngà trải nhựa đoạn tiếp theo thêm 2km. Phần còn lại cho đến nay vẫn là đường đất. Do không được nâng cấp, sửa chữa kịp thời nên đường Cao Cang trở nên gập ghềnh, rất khó khăn trong việc đi lại.

Đường Cao Cang hiện nay. Ảnh T.Nguyên
Đường Cao Cang hiện nay. Ảnh T.Nguyên

Nói về nỗi nhọc nhằn của người dân khi đi trên đường này, ông Phan Thế Dũng, ngụ ấp 10, xã Gia Canh, than: “Suốt 7km đường đất toàn ổ voi, ổ gà. Mùa nắng, mỗi lần xe ô tô chạy qua là bụi mịt mù, người đi xe 2 bánh trên đường phải tấp vào lề chờ cho hết bụi mới thấy đường đi tiếp. Mùa mưa thì gian nan hơn, người điều khiển xe 2 bánh rất cơ cực mới qua được những vũng nước lớn, nhỏ liền kề nhau. Ai có đi qua đoạn đường này mới cảm nhận được nỗi vất vả  của người dân địa phương”. Theo ông Dũng, đường Cao Cang hiện giờ chẳng khác gì “đường làng” ngày trước.

Phải mất gần 30 phút “đánh đu” qua những ổ gà, ổ voi chằng chịt, chúng tôi mới đi qua được đoạn đường đất nói trên để đến bến đò Tư Tề, nơi đưa khách từ bên sông phía bờ huyện Định Quán qua huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận.

* Mong đường sớm được nâng cấp

Ông Nguyễn Đức Thạnh, chủ bến đò Tư Tề, cho biết dạo trước người dân ở huyện Định Quán muốn đến xã Đức Tiến, huyện Đức Linh đều đi đò khoảng hơn 5 phút là đến bờ bên kia. Sau này, do đường Cao Cang xuống cấp nên lượng người đi bằng phương tiện đường sông để sang xã Đức Tiến giảm hẳn.

Người dân đi đò từ huyện Định Quán sang huyện Đức Linh (tỉnh Bình Thuận).
Người dân đi đò từ huyện Định Quán sang huyện Đức Linh (tỉnh Bình Thuận).

Vào mùa thu hoạch mía và điều, việc vận chuyển càng cực nhọc hơn. Chủ tịch UBND xã Gia Canh Đoàn Đông Dương cho biết sản lượng mía mỗi năm của xã Gia Canh khoảng 40 ngàn tấn và hàng ngàn tấn điều đều vận chuyển qua đường Cao Cang. Do vậy, một khi đường được nâng cấp trải nhựa thì sẽ thuận lợi cho người dân rất nhiều. Đặc biệt, cùng với việc làm đường nếu tiến hành xây cầu bắc qua sông La Ngà nối liền với tỉnh Bình Thuận thì càng tạo điều kiện để nhân dân 2 vùng giao thương; xã Gia Canh có cơ hội phát triển thương mại - dịch vụ thay vì chỉ là một xã thuần nông như lâu nay. Theo ông Dương, người dân trong xã đã nhiều lần kiến nghị cơ quan chức năng sớm thi công đường Cao Cang, nhưng đến nay vẫn chưa thấy chuyển biến.

Phó chủ tịch UBND huyện Định Quán Trần Nam Biên cho rằng chỉ khi nào giao thông thuận lợi thì mới nói đến chuyện kinh tế - xã hội khởi sắc. Trong một lần làm việc mới đây với UBND huyện, lãnh đạo tỉnh Bình Thuận có đề nghị, nếu Đồng Nai sớm nâng cấp đường Cao Cang tới giáp sông La Ngà thì phía Bình Thuận sẽ đầu tư xây dựng cầu bắc qua sông nhằm rút ngắn đường đi của người dân ở 2 tỉnh. Khi đó, không chỉ có xã Gia Canh mà các địa phương khác của huyện Định Quán và vùng lân cận chắc chắn sẽ có điều kiện để mở rộng phát triển.

“Đường làng” đã thành đường tỉnh

Theo quy hoạch giao thông - vận tải tỉnh Đồng Nai, giai đoạn 2010 - 2020, đường Cao Cang đã được bàn giao cho Khu Quản lý đường bộ, đường thủy (Sở Giao thông - vận tải) quản lý từ tháng 9-2011. Đây là tuyến đường tỉnh được ngành giao thông nhiều lần kiến nghị UBND tỉnh cho sửa chữa lớn và đã được chấp thuận. Cụ thể, ngày 18-9-2012, UBND tỉnh có văn bản số 7149/UBND-CNN về việc chấp thuận cho Sở Giao thông - vận tải lập hồ sơ sửa chữa lớn một số công trình giao thông trên địa bàn tỉnh, trong đó có đường Cao Cang, kinh phí từ nguồn vốn sự nghiệp giao thông. Tuy nhiên, do thời điểm đó chưa thể bố trí nguồn vốn nên dự án không được triển khai thi công. Mới đây nhất, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1365/QĐ-UBND ngày 15-5-2014, phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật công trình sửa chữa cục bộ đường tỉnh Cao Cang, chủ đầu tư là Khu Quản lý đường bộ, đường thủy với tổng mức đầu tư là hơn 12 tỷ đồng. Theo đó, mục tiêu đầu tư là cải tạo mặt đường tại các vị trí hư hỏng nhằm đảm bảo an toàn giao thông. Thời gian triển khai thực hiện từ năm 2014-2016. 

T.N

 

Kim Liễu

 

Tin xem nhiều