Báo Đồng Nai điện tử
En

Áp lực đi học của con trẻ

10:07, 06/07/2014

Dù năm học mới chưa bắt đầu, nhưng những phụ huynh có con đến tuổi vào lớp 1 đang chuẩn bị hồ sơ và tìm trường tốt cho con em mình vào học.

Dù năm học mới chưa bắt đầu, nhưng những phụ huynh có con đến tuổi vào lớp 1 đang chuẩn bị hồ sơ và tìm trường tốt cho con em mình vào học.

Không chỉ đơn giản là chọn trường, lớp tốt, không ít phụ huynh còn có chiến lược chọn trường tiểu học chủ yếu nhắm vào việc sau khi học xong tiểu học, theo sự phân bổ tuyến con mình sẽ được học THCS tại một trường tốt.

* Phải là học sinh giỏi

Áp lực đầu tiên và đang phổ biến đối với trẻ em chính là bị phụ huynh ép học trước chương trình lớp 1. Phần lớn trẻ em trước khi vào lớp 1 đều đã biết đọc, biết viết thành thạo. Đây cũng là điều dễ hiểu tại sao cuối năm học số lượng học sinh giỏi ở bậc tiểu học luôn chiếm tỷ lệ rất cao. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh cho rằng nếu không cho con học trước thì con mình sẽ không theo kịp bạn bè dù Bộ GD-ĐT vẫn luôn khuyến cáo các bậc cha mẹ không nên ép con trẻ học sớm. Đạt học sinh giỏi cũng là một trong những mục tiêu mà các phụ huynh đặt ra cho con để chuẩn bị cho bước chuyển cấp với nhiều tiêu chí, như: đạt học sinh giỏi 5 năm liền cùng với điểm thi tuyệt đối mới đủ điểm để vào học một số trường THCS có tiếng.

Phụ huynh đang nộp hồ sơ cho con vào lớp 1 tại một trường tiểu học (ảnh mang tính minh họa). Ảnh: H.Dung
Phụ huynh đang nộp hồ sơ cho con vào lớp 1 tại một trường tiểu học (ảnh mang tính minh họa). Ảnh: H.Dung

Nhiều trường hợp còn nhờ người quen nhập hộ khẩu cho con mình vào những hộ đóng tại địa bàn có những trường uy tín để chờ đến tuổi đi học sẽ được vào trường đó. Chị Nguyễn Thu H., nhà ở phường Tân Phong nhưng có con đang theo học tại Trường tiểu học Trịnh Hoài Đức, cho biết theo tuyến con chị sẽ học tại Trường tiểu học Tân Phong B, nhưng để con được học tại Trường tiểu học Trịnh Hoài Đức, chị đã nhập hộ khẩu cho con từ khi còn nhỏ vào chung nhà một người bà con tại phường Trung Dũng để con được học Trịnh Hoài Đức. Chị H. quan niệm rằng, Trường tiểu học Trịnh Hoài Đức là một trường “điểm”, Tân Phong B dù khang trang và sĩ số học sinh cũng vừa phải nhưng cũng không thể bằng Trịnh Hoài Đức. Chị muốn con học Trịnh Hoài Đức dù sĩ số lớp con chị lên đến 60 học sinh, hơn nữa đây cũng là trường có tuyến chuyển lên cấp 2 là Trường THCS Trần Hưng Đạo rất có tiếng...

* Không còn khái niệm trường điểm

Tuy nhiên, nhiều phụ huynh sau khi thấy con học tại những trường mà họ cho là trường “điểm” quá áp lực vì số đông, trong khi nếu để con học trường gần nhà thì được học trong môi trường thoáng mát, số học sinh trung bình một lớp cũng không cao, và quan trọng là chương trình học cũng không khác gì các trường “điểm”. Họ đã nhận ra chính mình đang tạo áp lực cho con mình.

Thực tế, khái niệm trường “điểm” lâu nay đã khiến nhiều phụ huynh hiểu sai vấn đề, khiến cho họ nghĩ rằng đó mới là trường tốt. Tại những địa bàn có trường “điểm”, nhiều năm qua tình trạng nhập khẩu diễn ra khá phổ biến.

Theo số liệu thống kê, trên địa bàn TP.Biên Hòa có khoảng trên 25,6 ngàn trường hợp trẻ em dưới 6 tuổi nhập khẩu, trong đó có nhiều trường hợp nhập ghép, một số địa phương có nhiều trường hợp nhập ghép nhất đó là phường: Quyết Thắng (722 học sinh), Trung Dũng (1.316 học sinh)… Theo Trung tá Lê Hồng Phong, Đội trưởng Đội Cảnh sát quản lý hành chính - trật tự xã hội, tình trạng nhập ghép nhiều đột biến tại một số địa phương là do các phụ huynh mang con mình vào gửi nhà khác để sau này chờ đến tuổi đi học được vào trường… “điểm”. Tuy nhiên, từ đầu năm 2014 đến nay, khi Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Cư trú năm 2013 có hiệu lực thì công tác này mới được hạn chế, bởi nếu muốn nhập khẩu hay nhập ghép thì phải có xác nhận thực tế người đó có sinh sống tại nơi đăng ký nhập khẩu mới được giải quyết, theo đó tình trạng nhập khẩu xem ra đã giảm bớt đáng kể.

Nói về vấn đề trường điểm hiện nay, thầy Nguyễn Minh Kiếm, Phó trưởng phòng Giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT, cho biết tỉnh hiện có 304 trường tiểu học, trong đó TP.Biên Hòa có 56 trường. Khái niệm trường điểm đã không còn từ nhiều năm nay trong ngành giáo dục tiểu học. “Nhà nước ta đang thực hiện chính sách phổ cập giáo dục tiểu học, do đó tất cả mọi trẻ em đều được học chương trình tiểu học như nhau. Phụ huynh cần phải hiểu rõ điều này để đừng tạo áp lực cho con trẻ” - thầy Kiếm nhấn mạnh.

 Ngọc Liên

 

Tin xem nhiều