Báo Đồng Nai điện tử
En

Tai nạn chực chờ trên hành lang đường sắt

12:06, 16/06/2014

Lâu nay, tình trạng chiếm dụng hành lang an toàn đường sắt để làm nhà, kinh doanh diễn ra khá phổ biến; đặc biệt là tại những điểm giao cắt với đường bộ…

Lâu nay, tình trạng chiếm dụng hành lang an toàn đường sắt để làm nhà, kinh doanh diễn ra khá phổ biến; đặc biệt là tại những điểm giao cắt với đường bộ…

Thời gian qua, ngành đường sắt và chính quyền địa phương đã cắm bảng báo cấm buôn bán trong khu vực hành lang đường sắt, nhưng nhiều trường hợp người dân vẫn cố tình vi phạm.

* Họp chợ trên đường sắt

Tại điểm giao cắt giữa đường sắt với đường bộ dân sinh Yên Thế (xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom), hình ảnh buôn bán như chợ diễn ra khá tấp nập. Không ít trường hợp bày biện hàng hóa xuống lòng đường bộ chỉ cách đường sắt khoảng 1m. Theo một tài xế xe tải thường xuyên lưu thông qua đoạn đường này, vào giờ cao điểm người bán lẫn người mua tràn xuống lòng đường khiến các phương tiện lưu thông phải nhích từng chút mới qua được điểm giao cắt này. Do vậy, chỉ cần xe va quẹt nhẹ là ở đây sẽ tắc đường. Nguy hiểm hơn, nếu sự cố xảy ra đúng vào thời điểm xe lửa chạy ngang thì hậu quả thật khó lường.

Khu vực hành lang an toàn đường sắt, đoạn gần ga Hố Nai, phường Tân Hòa (TP. Biên Hòa) giờ đã thành… chợ.
Khu vực hành lang an toàn đường sắt, đoạn gần ga Hố Nai, phường Tân Hòa (TP. Biên Hòa) giờ đã thành… chợ.

Tương tự, tại đoạn hành lang đường sắt dài hơn 300m nằm cặp theo đường Điểu Xiển, đoạn qua các phường Long Bình, Tân Biên (TP.Biên Hòa) và xã Hố Nai (huyện Trảng Bom) tình trạng lấn chiếm cũng diễn ra hàng ngày. Đáng kể là khu vực này nằm dưới lưới điện cao thế, trong khi hành lang an toàn đường sắt được nhiều người mở quán nhậu, dựng nhà tạm để ở; thậm chí làm kho đựng hàng, điểm tập kết gỗ… Ông Nguyễn Tấn Lực, một cư dân ở KP.8, phường Long Bình (TP.Biên Hòa) cho biết, từ đầu năm đến nay tại điểm giao cắt giữa đường sắt với đường vào giáo xứ Tiên Chu đã xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông làm chết tại chỗ 2 người đi xe gắn máy. Nguyên nhân là do hàng quán, nhà cửa đã che khuất tầm nhìn nên người đi đường không phát hiện được xe lửa từ xa để phòng tránh.

Trước tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt để làm nơi buôn bán, dẫn đến tình trạng xảy ra tai nạn giao thông, UBND phường Long Bình nhiều lần tiến hành xử lý, lập lại trật tự. Thế nhưng, khi lực lượng này đi khỏi thì mọi việc trở lại như cũ.

* Bắt cóc bỏ dĩa?

Nói về việc giải quyết các vi phạm hành lang an toàn đường sắt tại địa phương, ông Vương Đình Hiếu, cán bộ phụ trách giao thông thuộc Phòng Quản lý đô thị huyện Trảng Bom, nhấn mạnh: “Cơ quan chức năng đã nhiều lần phối hợp với công an huyện lập đoàn kiểm tra, xử lý việc các hộ dân buôn bán tại vị trí giao cắt giữa đường sắt và đường bộ ấp Thái Hòa, nhưng không thể giải quyết dứt điểm. Thực hiện Quy chế phối hợp giữa Bộ Giao thông - vận tải với UBND tỉnh, UBND huyện đã dự tính triển khai lập chốt gác tại các vị trí đường ngang dân sinh. Tuy nhiên, do vướng mắc về kinh phí và nhân lực nên đến nay kế hoạch vẫn chưa thể triển khai. Mới đây, UBND huyện Trảng Bom đã có văn bản lên UBND tỉnh kiến nghị được thực hiện việc tổ chức cảnh giới và lập chốt gác tại 16 vị trí đường ngang dân sinh trên địa bàn huyện nhằm đảm bảo an toàn cho người dân. Song đến nay, chúng tôi chưa nhận được phản hồi”.

Tại điểm giao cắt giữa đường sắt và đường dân sinh Yên Thế, xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom) bị người dân lấn chiếm để buôn bán. Ảnh: V.CHÍNH
Tại điểm giao cắt giữa đường sắt và đường dân sinh Yên Thế, xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom) bị người dân lấn chiếm để buôn bán. Ảnh: V.CHÍNH

Về trách nhiệm của ngành công an, Trung tá Đỗ Hữu Tuyến, Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an Đồng Nai, cho biết trong những năm qua lực lượng chuyên trách đã tăng cường các biện pháp kiểm tra, xử phạt đối với phương tiện lưu thông vi phạm khi qua các điểm giao giữa đường sắt và đường bộ. Theo Trung tá Tuyến, cảnh sát giao thông chỉ có thể xử phạt các hành vi đối với phương tiện vi phạm luật giao thông liên quan đến đường sắt. Riêng những trường hợp lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt để buôn bán thì không thuộc thẩm quyền của ngành. Để từng bước lập lại trật tự an toàn giao thông đường sắt, Trung tá Tuyến cho rằng ngành đường sắt cần tăng cường các biện pháp bảo vệ hành lang đường sắt, đèn cảnh báo, bố trí các chốt gác tại các điểm giao nhau với đường ngang dân sinh. Mặt khác, chính quyền địa phương phải quyết liệt với các hành vi lấn chiếm hành lang đường sắt để buôn bán, xây dựng nhà ở… thì mới có thể hạn chế tai nạn giao thông đường sắt.

Phạm vi giới hạn hành lang an toàn giao thông đường sắt được quy định như sau: Chiều rộng hai bên đường sắt tính từ mép chân nền đường đắp, mép đỉnh mái đường đào, mép ray ngoài cùng của đường không đào, không đắp trở ra mỗi bên là 15m; tính từ mép ray ngoài cùng trở ra mỗi bên là 2m đối với đường sắt trong ga, trong cảng, trong tường rào. Hành lang an toàn giao thông đường sắt tại khu vực đường ngang phải bảo đảm tầm nhìn cho người tham gia giao thông và phù hợp với cấp đường ngang. Trong hành lang an toàn giao thông đường sắt chỉ được phép trồng cây thấp dưới 1,5m và phải trồng cách mép chân nền đường đắp ít nhất 2m, cách mép đỉnh mái đường đào ít nhất 5m hoặc cách mép ngoài rãnh thoát nước dọc của đường, rãnh thoát nước đỉnh ít nhất 3m. Bộ trưởng Bộ Giao thông - vận tải quy định cụ thể hành lang an toàn giao thông tại khu vực đường ngang, đường sắt đô thị.

(Trích Điều 35 Luật Đường sắt)

 

Văn Chính  - Kim Liễu

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích