Báo Đồng Nai điện tử
En

Quy định về mang thai hộ

10:06, 23/06/2014

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII vào chiều 19-6 đã thông qua Luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi, chính thức cho phép phụ nữ được mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII vào chiều 19-6 đã thông qua Luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi, chính thức cho phép phụ nữ được mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

Theo PGS-TS. Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, Bộ đang dự thảo Nghị định quy định về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản và mang thai hộ.

Nội dung của dự thảo này là đưa ra những quy định giúp những người có nhu cầu mang thai hộ thực sự được dễ dàng tiếp cận những kỹ thuật tốt nhất, tránh tuyệt đối việc kinh doanh thương mại hóa về vấn đề mang thai hộ; đồng thời đảm bảo quyền lợi, tính pháp lý cho người có nhu cầu mang thai hộ. Về điều kiện thực thi, trước mắt Bộ sẽ chọn một vài trung tâm hỗ trợ sinh sản lớn trên cả nước có chuyên môn cao để triển khai thực hiện phương pháp này. Trong giai đoạn đầu khi Luật Hôn nhân và gia đình có hiệu lực, những người đăng ký mang thai hộ ở khu vực nào thì nên đến trung tâm được phép triển khai các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản của Bộ Y tế để thực hiện kỹ thuật mang thai hộ.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến, mang thai hộ có ý nghĩa rất lớn đối với những vợ chồng hiếm muộn, muốn có con một cách chính đáng mà khả năng của họ không thể mang thai được. Ví dụ, người vợ vì lý do bệnh tật phải cắt bỏ tử cung hoặc vì bệnh lý mà không được phép mang thai, trong khi đó 2 buồng trứng vẫn bình thường và người chồng có tinh trùng khỏe. Trường hợp này, hai vợ chồng chỉ có thể có con bằng di truyền của chính họ thông qua kỹ thuật mang thai hộ. Lợi ích khác từ phía các bác sĩ trong một số trường hợp cấp cứu, như: sản phụ khi đẻ bị băng huyết, vỡ tử cung, hoặc bị nhau tiền đạo... cần phải cắt ngay tử cung để cứu người mẹ. Tuy nhiên, trước đó do nước ta chưa cho phép mang thai hộ nên các bác sĩ phải đắn đo khi cắt bỏ tử cung của người mẹ. Nếu không cắt ngay trong những trường hợp này, sản phụ sẽ bị mất nhiều máu, dẫn tới tử vong. Còn nếu cắt bỏ tử cung thì người mẹ đó sẽ không thể sinh thêm con. Vì thế, việc cho phép mang thai hộ trong những trường hợp này rất cần thiết, mang tính nhân văn, nhân đạo; tạo cơ hội để gia đình đó tiếp tục có thêm con một cách chính đáng.

Về băn khoăn của dư luận khi Nhà nước cho phép mang thai hộ sẽ tạo điều kiện dễ dàng cho những đối tượng lợi dụng nhu cầu chính đáng của người khác để thương mại, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh: “Tôi cho rằng, nếu mỗi người chỉ mang thai hộ 1 lần thì sẽ không thể có người chuyên kiếm tiền bằng mang thai hộ. Khi đó, vấn đề thương mại hóa sẽ không thể tồn tại. Để ngăn chặn tiêu cực trên, Bộ Y tế sẽ có cách kiểm soát chặt chẽ người mang thai hộ. Chẳng hạn, những người mang thai hộ sẽ được thống kê trên hệ thống máy tính có kết nối dữ liệu. Khi người mang thai hộ đã đăng ký thực hiện kỹ thuật tại đơn vị này mà sang đơn vị khác đăng ký thì chắc chắn sẽ không được giải quyết”.

   P.V (tổng hợp)

Tin xem nhiều