Khoảng 2 năm trở lại đây, nhiều hộ dân trồng tiêu tại ấp Phước Lộc, xã Xuân Thọ (huyện Xuân Lộc) luôn trong tâm trạng lo lắng vì nguồn nước không đủ để sản xuất, kể cả trong mùa mưa. Nguyên nhân là do các giếng nước ngầm trên địa bàn đang dần cạn kiệt, khô cạn...
Khoảng 2 năm trở lại đây, nhiều hộ dân trồng tiêu tại ấp Phước Lộc, xã Xuân Thọ (huyện Xuân Lộc) luôn trong tâm trạng lo lắng vì nguồn nước không đủ để sản xuất, kể cả trong mùa mưa. Nguyên nhân là do các giếng nước ngầm trên địa bàn đang dần cạn kiệt, khô cạn...
Ông Phạm Văn Đông đang khoan thêm giếng đã bị cạn nước. |
Đang vào cao điểm của mùa mưa, nhưng hầu hết các giếng khoan của các hộ dân trong ấp Phước Lộc đều bị khô cạn. Thậm chí một số gia đình đã buộc phải lấp bỏ giếng cũ để khoan giếng mới sâu hơn.
* Nguy cơ thiếu nước sản xuất
Ông Trần Hữu Thắng, ngụ ấp Phước Lộc (xã Xuân Thọ), Chủ nhiệm Liên hiệp câu lạc bộ năng suất cao Phước Lộc, cho biết trước đây gia đình ông sử dụng 4 giếng khoan để tưới cho 3 hécta tiêu, nhưng hiện nay 3 giếng đã khô cạn phải lấp bỏ, giếng còn lại cũng đang trong tình trạng “báo động”. Theo ông Thắng, do đặc tính của cây tiêu, sau thời gian thu hoạch vào mùa mưa cây sẽ đâm chồi. Vì vậy, dù đang là mùa mưa nhưng chỉ cần vài ngày trời nắng là người dân buộc phải tưới nước để chồi non không bị khô héo, nếu không cây tiêu èo uột, vào vụ mới năng suất sẽ thấp. Chỉ cần khoảng 10 ngày không tưới nước, cây tiêu sẽ chết hoặc héo úa không phát triển. “Người dân chúng tôi rất mong mỏi Nhà nước sớm đầu tư hệ thống kênh thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp. Bởi nếu nguồn nước ngầm bị suy kiệt, khi đó chắc chắn “thủ phủ” tiêu của huyện Xuân Lộc sẽ bị sụt giảm cả về diện tích lẫn năng suất. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển chung cũng như đời sống của nông dân” - ông Thắng nói.
Cùng tâm trạng như ông Thắng, ông Vương Hồng Mạnh (cùng ngụ ấp Phước Lộc) cũng đang trong tình trạng mất ăn, mất ngủ vì thiếu nước tưới cho hơn 1,5 hécta tiêu của gia đình. Ông Mạnh kể, nhiều đêm liền gia đình phải thay phiên nhau canh chừng bật máy bơm để “mót nước” tích trữ vào bể chứa. Tuy nhiên, thời gian gần đây giếng này đã khô cạn buộc ông Mạnh phải lấp bỏ và chi hơn 40 triệu đồng để khoan giếng mới với độ sâu khoảng 100m mới có nước.
Người dân ở ấp Phước Lộc còn phản ảnh, mặc dù hiện nay một số giếng trên địa bàn đã bị nhiễm phèn nặng nhưng nhiều hộ dân vẫn phải bơm tưới cho cây trồng, chấp nhận rủi ro vì không còn cách nào khác.
* Mong sớm có kênh thủy lợi
Trong những năm qua, hầu hết các hộ dân tại ấp Phước Lộc, xã Xuân Thọ đã sử dụng nguồn nước ngầm từ giếng khoan để có nước tưới cho hàng trăm hécta đất trồng tiêu. Sự khai thác triệt để này đã khiến nguồn nước ngầm cạn kiệt là không tránh khỏi.
Trước đây, chỉ cần khoan xuống độ sâu khoảng 40-50m là có thể tiếp cận được nguồn nước ngầm. Sau một thời gian sử dụng, giếng ở độ sâu này đều khô cạn nên người dân lại tiếp tục khoan xuống độ sâu 70-80m mới đủ nước sản xuất. Đến nay, dù đang trong mùa mưa nhưng hầu hết các giếng khoan trong ấp Phước Lộc đã có dấu hiệu cạn kiệt. Để chuẩn bị nước tưới cho mùa khô tới, các hộ dân đang tìm cách khoan giếng xuống sâu hơn. Nhiều người không khỏi băn khoăn, nếu đào sâu thêm mà các giếng khoan vẫn tiếp tục khô cạn thì không biết lấy đâu ra nguồn nước để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Bởi với độ sâu này của giếng, được xem là mức khoan “kịch trần”.
Trao đổi về vấn đề thiếu nước sản xuất, Chủ tịch UBND xã Xuân Thọ Phan Thanh Xứng cho biết hiện nay trên địa bàn xã không có hệ thống kênh thủy lợi. Chính vì vậy, không chỉ những hộ trồng tiêu tại ấp Phước Thọ mới cần nước tưới, mà kể cả diện tích cây bắp, lúa đều phụ thuộc vào nguồn nước tự nhiên như nước mưa hay từ nguồn nước ngầm. Thời gian gần đây, hầu hết các diện tích cây trồng đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước, nhất là vào mùa khô khi nguồn nước ngầm không đủ để cung cấp cho sản xuất.
Trước thực trạng này, năm 2012 UBND xã Xuân Thọ đã có văn bản gửi UBND huyện Xuân Lộc và ngành chức năng báo cáo cụ thể tình hình thiếu nước trồng trọt. Vừa qua, Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn đã cử cán bộ xuống khảo sát thực địa tại khu vực suối Gia Lào, dưới chân núi Chứa Chan, dự kiến để xây dựng đập thủy lợi. Song chưa biết khi nào dự án này được hình thành.
Cũng theo ông Xứng, mới đây UBND huyện Xuân Lộc đã triển khai xây dựng Nhà máy nước Thác Trời tại xã Xuân Bắc cùng hệ thống kênh thủy lợi liên quan. Khi nhà máy này đi vào hoạt động, phần nào đảm bảo nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp của các xã: Xuân Bắc, Xuân Thọ, Suối Cao.
Văn Chính