Báo Đồng Nai điện tử
En

"Hun khói" khu dân cư

03:06, 07/06/2014

Nhiều năm nay, người dân ở tổ 4, ấp Tân Tiến, xã Xuân Hiệp (huyện Xuân Lộc) phải sống trong tình trạng ngộp thở vì khói. Nguyên nhân là do các lò đốt than củi trong khu vực "hun khói" suốt ngày đêm…

Nhiều năm nay, người dân ở tổ 4, ấp Tân Tiến, xã Xuân Hiệp (huyện Xuân Lộc) phải sống trong tình trạng ngộp thở vì khói. Nguyên nhân là do các lò đốt than củi trong khu vực “hun khói” suốt ngày đêm…

Một trong những lò than tại ấp Tân Tiến, xã Xuân Hiệp (huyện Xuân Lộc) đang hoạt động.
Một trong những lò than tại ấp Tân Tiến, xã Xuân Hiệp (huyện Xuân Lộc) đang hoạt động.

Đã có nhiều ý kiến phản ảnh lên chính quyền địa phương về việc đốt than gây ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng tới sức khỏe người dân, cây trồng bị hư hại. Nhưng không hiểu sao các lò than này vẫn tồn tại.

* Ngộp vì khói than

Hầu hết các lò than tại đây đều được xây dựng thủ công rồi dùng các tấm bạt nhựa để che chắn tạm bợ, mặc cho khói lan ra môi trường. Do đó,  mỗi khi các lò than này hoạt động, mùi khói hăng nồng, muội than theo gió cứ thế “tiến” thẳng vào khu dân cư. Để có được một mẻ than xuất lò, mỗi hầm than phải đốt củi trong gần 1 tháng trời mới hoàn tất. Hết lò này đến lò khác thi nhau phả khói như sương mù khiến không khí trong khu vực dường như lúc nào cũng ngột ngạt.

Khu lò than tại ấp Tân Tiến được hình thành từ khoảng năm 1993. Vào thời điểm đó, đây là khu đất nông nghiệp nằm cách xa khu dân cư. Cho đến nay, khu vực trên có 42 lò than, trong đó 18 lò bị hư hỏng đang sửa chữa, còn lại 24 lò đang ngày đêm hoạt động. Năm 2008, UBND huyện Xuân Lộc đã quy hoạch khu đất nằm sát với các lò đốt than hiện hữu thành khu tái định cư để bố trí cho các hộ dân thuộc diện giải tỏa nhà và đất. Hiện tại, khu vực tái định cư này đã có một số hộ dân đang cư ngụ.

Có nhà nằm gần các lò than nên gia đình ông M.V.S. lúc nào cũng phải hít mùi khói và bụi than. Trong ngày, khi hướng gió thổi thẳng vào nhà là gia đình ông S. lãnh đủ vì khói bụi. Để giảm bớt “sương” cùng bụi than, ông S. phải đóng cửa suốt ngày. Tuy nhiên khói và bụi than lúc nào cũng lẩn quẩn trong nhà, ám vào quần áo rất khó chịu. Nói về tình trạng khói, bụi than “tra tấn” thời gian qua, ông S. lo lắng: “Tội nghiệp mấy đứa nhỏ, do thường xuyên hít khói, bụi than nên đứa nào cũng bị bệnh về đường hô hấp, ho khàn cả giọng. Không chỉ sức khỏe các cháu giảm sút mà còn phải tốn tiền thuốc điều trị”. Tương tự, ông N.V.D., có khu đất rẫy nằm giáp với các lò than này, cho biết do ảnh hưởng từ khói than nên vườn điều gần 7 sào thường xuyên bị đen lá, èo uột không thể phát triển nổi. Đặc biệt, vào mùa cây ra hoa, từng đợt hoa tự khô héo rồi rụng hết khiến năng suất thu hoạch chẳng được bao nhiêu. Gia đình ông D. có 5 người con đã lập gia đình nhưng hiện tại vẫn phải ở chung với cha mẹ. “Nhiều lúc tôi định chia khu đất rẫy cho mỗi đứa cất nhà riêng để ở cho thoải mái, nhưng lại sợ khói, bụi than ảnh hưởng đến sức khỏe của các cháu nhỏ nên đành phải chấp nhận ở chung dù nhà tôi hiện nay khá chật chội” - ông D. chia sẻ.

* Bao giờ khắc phục?

Ngoài chuyện thường xuyên bị “hun khói”, rất nhiều người dân ở ấp Tân Tiến không khỏi thấp thỏm khi thấy tuyến đường dân sinh có rất nhiều xe tải nặng chở củi cho các lò than thường xuyên ra vào. Đây là con đường do người dân tự nguyện đóng góp tiền nâng cấp, trải nhựa vào năm 2013, nhưng với hàng chục xe tải  lưu thông mỗi ngày thì khả năng đường nhanh chóng xuống cấp là khó tránh khỏi.

Trẻ em đi ngang qua khu vực lò than phải bịt mũi vì mùi khói nồng nặc.
Trẻ em đi ngang qua khu vực lò than phải bịt mũi vì mùi khói nồng nặc.

Trao đổi những vấn đề người dân bức xúc liên quan đến việc sản xuất than ở ấp Tân Tiến, Chủ tịch UBND xã Xuân Hiệp Nguyễn Thị Thảo cho biết, vừa qua UBND xã đã tiến hành kiểm tra khu lò đốt than mà người dân phản ảnh. Qua đó phát hiện tất cả các lò than đang hoạt động tại đây đều không có giấy phép kinh doanh và kinh doanh không phù hợp với mục đích sử dụng đất theo quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2010-2020 của xã. Từ tình hình này, tới đây UBND xã sẽ có văn bản yêu cầu các chủ lò làm cam kết ngưng hoạt động nhằm tránh gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe người dân, cây trồng.

Theo bà Thảo, lâu nay việc sản xuất than được coi là nghề truyền thống đối với một số hộ dân. Các lò than này đã tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động tại địa phương. Do đó, trong thời gian tới khi các lò than ngưng hoạt động, UBND xã sẽ tạo điều kiện để chủ lò chuyển nghề khác. Trước mắt, xã sẽ mở lớp đào tạo nghề miễn phí cho người có nhu cầu.

Văn Chính

 

 

 

 

Tin xem nhiều