Báo Đồng Nai điện tử
En

Chim trời có lây dịch cúm gia cầm?

11:06, 16/06/2014

Thời gian qua, hầu như gà, vịt được cơ quan chức năng kiểm tra, phòng dịch khá chặt chẽ trước khi đưa ra thị trường. Trong khi đó, chim cũng là nguồn lây lan dịch cúm gia cầm nhưng vẫn được vô tư bày bán trên đường phố.

Thời gian qua, hầu như gà, vịt được cơ quan chức năng kiểm tra, phòng dịch khá chặt chẽ trước khi đưa ra thị trường. Trong khi đó, chim cũng là nguồn lây lan dịch cúm gia cầm nhưng vẫn được vô tư bày bán trên đường phố.

Hàng đoàn xe bán chim rừng trên đường Nguyễn Ái Quốc (TP.Biên Hòa) .
Hàng đoàn xe bán chim rừng trên đường Nguyễn Ái Quốc (TP.Biên Hòa) .

Đã có thời điểm, chim yến nuôi cũng bị quy kết là tác nhân gây dịch cúm gia cầm. Do đó, một số địa phương đã tiến hành diệt bỏ với số lượng lớn. Thế nhưng, chim nuôi làm cảnh lại không được chú ý về dịch bệnh, ngay cả khi cúm gia cầm bùng phát.

* Chim rừng xuống phố

Lâu nay, tại một số tuyến đường nội ô ở TP.Biên Hòa, như: Nguyễn Ái Quốc, Đồng Khởi, Võ Thị Sáu… thường xuyên xuất hiện một số “cửa hàng” di động chuyên bán chim cảnh. Đó là những chiếc xe gắn máy chở rất nhiều loại chim nhốt trong những chuồng chật hẹp, từ chim sẻ đến chào mào, cu gáy, vẹt, khướu, chích chòe, họa mi… Giá bán của những loài chim này rất đa dạng, chẳng hạn trung bình cu gáy 200-300 ngàn đồng/con, chào mào 100-150 ngàn đồng, vẹt 400-800 ngàn đồng, sáo 150-200 ngàn đồng… Thế nhưng, đối với chim “tuyển” thì có giá vô chừng, có khi lên đến vài triệu đồng/con.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cúm gia cầm là một loại bệnh do virus gây ra cho các loài gia cầm hoặc chim. Các trang trại nhiễm dịch cúm A/H5N1 phần lớn do chim trời lây lan. Virus này được phát hiện lần đầu tiên tại Ý vào đầu thập niên 1900 và giờ đây được phát hiện ở hầu hết các nơi trên thế giới. Bệnh cúm gia cầm lây truyền qua không khí và phân bón, nhưng cũng có thể lây nhiễm trên thức ăn, nước, dụng cụ và quần áo. Gà, vịt, chim sau khi nhiễm bệnh mà còn sống sót vẫn phát tán virus trong vòng 10 ngày, chủ yếu qua đường miệng (khi ăn, uống nước) và phân. Ở người, cúm gia cầm gây ra các triệu chứng tương tự như các loại cúm khác, chẳng hạn như: bị sốt, ho, đau họng, đau nhức cơ bắp, viêm màng kết. Đối với những trường hợp nghiêm trọng, có thể gây suy giảm hô hấp và viêm phổi, có thể dẫn đến tử vong.

Mặc dù giá chim cảnh bán dạo không hề rẻ, nhưng hàng ngày tại những điểm này luôn sôi động cảnh mua bán. Điều này cho thấy, thú nuôi chim trong nhà đã trở thành phong trào được nhiều người hưởng ứng. Tuy nhiên, đã có mấy ai quan tâm đến dịch cúm gia cầm từ chính vật nuôi này? Anh P.V.T., một người chuyên bán chim cảnh trên đường Nguyễn Ái Quốc, cho biết hầu hết chim đem về đây bán đều có xuất xứ từ Vườn quốc gia Cát Tiên; hoặc những khu rừng ở Bình Thuận, Ninh Thuận. Khi được hỏi về việc phòng dịch cúm gia cầm cho chim cảnh, ông T. thẳng thắn: “Tôi bán chim dạo ở Biên Hòa gần 1 năm rồi nhưng có thấy ai kiểm dịch hay phun thuốc phòng dịch đâu? Kể cả thời điểm dịch đang bùng phát, người bán gà, vịt không rõ nguồn gốc phải đem hàng giấu, còn chúng tôi vẫn bán chim bình thường, chẳng có ông thú y nào hỏi thăm”.

Không chỉ người bán chim rừng mới thờ ơ, ngay cả những hộ nuôi chim để giải trí cũng tỏ thái độ khá chủ quan, chẳng màng gì tới dịch bệnh nguy hiểm này. Ông Nguyễn Văn Tiếng, ngụ phường Tân Biên

(TP.Biên Hòa) là một trong số gia đình nuôi chim cảnh từ lâu cho rằng, chỉ nuôi một vài con chim làm cảnh thì không thể lây dịch được. Theo ông Tiếng, chim nuôi hàng ngày được chăm sóc rất kỹ nên rất khó bị dịch cúm.

* Nguy cơ lây lan dịch bệnh

Điều đáng lo ngại là dịch cúm gia cầm có thể quay trở lại bất kỳ lúc nào mà nguồn lây lan không loại trừ chim rừng đang được bày bán công khai ở thành phố. Không ít người còn băn khoăn, phong trào nuôi chim hót ngày càng tăng, đồng nghĩa với việc một số loài chim quý hiếm bị săn bắt vô tội vạ làm mất cân bằng sinh thái môi trường thiên nhiên. Tuy nhiên, tình trạng bắt chim rừng đem về đô thị bán đã trở nên quá quen thuộc, trong khi ngành chức năng lại thờ ơ trong việc ngăn chặn, xử lý.

Một điểm bán chim trên đường Võ Thị Sáu đang bắt chim chào mào giao cho khách.
Một điểm bán chim trên đường Võ Thị Sáu đang bắt chim chào mào giao cho khách.

Những năm trước, dịch cúm gia cầm bùng phát tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước và trở thành đại dịch, Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư số 69/2005/TT-BNN về hướng dẫn thực hiện một số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm. Trong đó nêu rõ: Cấm vận chuyển và buôn bán chim cảnh, chim hoang dã vào nội thành, nội thị; khi phát hiện thấy chim bị bệnh, chết phải báo ngay cho cơ quan thú y; không nuôi chim cảnh ở nơi công cộng, nơi có đông người qua lại hoặc tụ tập… Đây chính là cơ sở để khẳng định một điều, chim rừng chính là nguồn lây lan dịch cúm gia cầm rất khó kiểm soát.

Trao đổi về thực trạng bày bán chim cảnh tràn lan hiện nay, ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh, nhấn mạnh: “Gần đây, nhiều loại chim rừng được bày bán công khai ở một số tuyến đường thuộc TP.Biên Hòa. Dù chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm bệnh từ các loài chim cảnh, song về nguyên tắc nó vẫn là động vật có nguy cơ gây dịch bệnh nên người dân cần phải cảnh giác khi tiếp xúc với loài vật này, đặc biệt là thời điểm xuất hiện dịch”.

Văn Chính - Ngọc Liên

 

 

 

Tin xem nhiều