Sau hơn 13 tháng thi công, công trình cải tạo quốc lộ 1, đoạn qua địa bàn huyện Xuân Lộc đã bộc lộ nhiều bất cập gây bức xúc cho người dân địa phương.
Sau hơn 13 tháng thi công, công trình cải tạo quốc lộ 1, đoạn qua địa bàn huyện Xuân Lộc đã bộc lộ nhiều bất cập gây bức xúc cho người dân địa phương.
Quốc lộ 1 luôn có lưu lượng xe qua lại đông đúc nên dễ xảy ra ùn tắc giao thông, nhất là tại khu vực công trường đang thi công. Ảnh: H.Đình |
Theo kế hoạch, cuối năm nay công trình sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, nhiều người nhận định, dự án sẽ khó hoàn thành tiến độ nếu đơn vị thi công cứ làm việc… tà tà như hiện nay.
* Mặt đường nham nhở
Tuyến quốc lộ 1, đoạn qua huyện Xuân Lộc dài hơn 44km. Trong đó, đoạn từ xã Xuân Hòa đến xã Xuân Phú mặt đường rộng 12m, dài 35km; đoạn từ xã Xuân Phú đến xã Xuân Định rộng 14m dài 9,4km. Do bề rộng mặt đường giữa 2 đoạn này không đồng bộ đã tạo thành nút thắt cổ chai nên rất dễ gây ùn tắc giao thông, nhất là vào các giờ cao điểm. Đặc biệt, vào thời điểm tan ca của khoảng 20 ngàn công nhân đang làm việc tại Khu công nghiệp Xuân Lộc, khu vực này thường xuyên xảy ra tình trạng kẹt xe. Chính đặc điểm này cộng với việc thi công dàn trải, kéo dài đã dẫn đến tình trạng giao thông trên quốc lộ 1 thường xuyên bị ách tắc.
Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về hướng giải quyết những bức xúc, kiến nghị của người dân, Phó chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc Hồ Văn Hà khẳng định: “Phản ảnh của người dân liên quan đến thực trạng thi công quốc lộ 1 đều đúng với tình hình thực tế. Chúng tôi đã báo cáo tình hình này với UBND tỉnh. Được biết, lãnh đạo UBND tỉnh vừa qua đã làm việc với chủ đầu tư, đề nghị có biện pháp thi công phù hợp nhằm đảm bảo an toàn giao thông, tránh gây ảnh hưởng đến các hộ dân trên địa bàn. |
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đồng Nai, trong những ngày qua việc thi công trên tuyến này diễn ra chậm. Tại đoạn đường từ xã Xuân Định đến xã Bảo Hòa dài khoảng 1km nhưng chỉ có 2 chiếc xe lu với vài công nhân đang làm việc, còn chiếc xe cuốc thì nằm im lìm trên đường. Dọc theo tuyến đường rất nhiều đoạn nham nhở vì bị đào sâu xuống rồi… để đó. Các hố sâu này được rào chắn tạm bợ bằng những sợi dây nhựa mỏng manh, rất nguy hiểm cho các phương tiện lưu thông, nhất là vào ban đêm.
Nói về tiến độ thi công “ì ạch” trên quốc lộ 1, ông Lê Thanh Liêm, ngụ ấp Chiến Thắng, xã Bảo Hòa, dẫn chứng: “Đoạn đường từ xã Bảo Hòa tới xã Xuân Định chỉ khoảng 1km nhưng đơn vị thi công làm hơn 3 tháng qua vẫn chưa đâu vào đâu. Mặt đường bị xới tung nhiều chỗ khiến việc đi lại khó khăn”.
* Dân bức xúc…
Tại buổi tiếp xúc với đại biểu Quốc hội mới đây, cử tri huyện Xuân Lộc đã phản ảnh không ít vấn đề liên quan đến việc thi công tuyến quốc lộ 1 thời gian qua. Nhiều ý kiến cho rằng, việc nâng cấp quốc lộ 1 là cần thiết, bởi đây là tuyến đường huyết mạch của cả nước. Tuy nhiên, một khi chủ đầu tư bố trí thi công thiếu hợp lý, dàn trải nhiều nhưng năng lực không đáp ứng, sẽ dẫn đến những hệ lụy liên quan đến đời sống, sinh hoạt của người dân.
Trong hàng loạt kiến nghị gửi đại biểu Quốc hội, đáng chú ý là vấn đề ô nhiễm môi trường được nhiều cử tri phản ứng nhất. Ông Hồ Văn Thắng, ngụ xã Xuân Phú, thẳng thắn nói: “Mỗi lần đơn vị đào xới mặt đường là bụi bay mịt mù, che khuất tầm nhìn của người đi đường. Bụi ào ào tấp vào nhà của các hộ dân hai bên đường khiến nhà nào nhà nấy lem luốc “đổi màu”. Giai đoạn tưới nhựa đường, công trình cũng chẳng được che chắn gì nên bụi nhựa li ti cứ thế theo gió bay bám vào nhà dân, quần áo người đi đường và các phương tiện lưu thông”. Một số dân cư ở xã Bảo Hòa còn phàn nàn, trong khu vực có nhiều đoạn mặt đường mới thi công cao hơn rất nhiều so với mặt đường cũ. Từ đó, việc đi lại, lên xuống từ trong nhà ra quốc lộ của người dân rất khó khăn. Hơn nữa khi trời mưa, nước từ quốc lộ không có lối thoát nên cứ chảy tràn vào nhà các hộ dân hai bên đường gây hư hại tài sản.
Theo người dân địa phương, để khắc phục tình trạng thi công chậm chạp, giải pháp phù hợp nhất là đơn vị thi công phải đẩy mạnh tiến độ làm việc và áp dụng theo kiểu “cuốn chiếu” từng bên. Đồng thời tại những khu vực thấp, nhất thiết phải xây dựng hệ thống thoát nước hai bên đường.
Kim Liễu - Hoàng Đình