Báo Đồng Nai điện tử
En

Hàng ngàn hộ dân thiếu nước sạch

09:05, 12/05/2014

Do khu vực này chưa có nước máy nên thời gian qua gần 3 ngàn hộ dân với hơn 10 ngàn nhân khẩu ở đây sử dụng nước giếng. Đáng lo nhất là những năm gần đây, nguồn nước ngầm đã trở nên khan hiếm và ngày càng bị ô nhiễm.

Do khu vực này chưa có nước máy nên thời gian qua gần 3 ngàn hộ dân với hơn 10 ngàn nhân khẩu ở đây sử dụng nước giếng. Đáng lo nhất là những năm gần đây, nguồn nước ngầm đã trở nên khan hiếm và ngày càng bị ô nhiễm.

* Sống chung với nước bẩn

Các hộ dân ở KP.2 chủ yếu sống bằng nghề chăn nuôi gia súc với số lượng chiếm 2/3 của toàn phường. Có thời điểm, số hộ chăn nuôi tại khu phố này lên đến gần 200 hộ. Do nhà nhà đều kinh doanh ở lĩnh vực này, trong khi toàn khu vực không có hệ thống xử lý nước thải nên hầu như chất thải từ chăn nuôi tại các hộ dân được xả trực tiếp ra cống rãnh, suối, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

C
Cặn nước đọng lại trên miếng bông dùng bịt vòi nước.

Nhiều năm qua, cả khu phố phải sống chung với mùi hôi thối nồng nặc tỏa ra từ trại nuôi heo cũng như từ các con suối đã bị ô nhiễm. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nguồn nước ngầm ở khu vực bị nhiễm bẩn. Ông Nguyễn Đức Thuận, Trưởng KP.2 cho biết, ngoài vấn đề hôi thối thì điều mà người dân lo ngại nhất, chính là nguồn nước ngầm tại khu vực hiện đang bị giảm chất lượng trầm trọng. Nước các hộ dân bơm lên đều rất đục, nhiều khi còn có mùi hôi. “Không biết có phải do dùng nước bẩn hay không mà trong vòng 3 năm nay tại KP.2 đã có 69 người chết vì mắc bệnh ung thư” - ông Thuận lo lắng nói. Theo những hộ dân ở đây, với số lượng người chết bởi bệnh ung thư quá cao nên thời gian qua rất ít hộ sử dụng nước giếng để nấu ăn vì nó rất bẩn. Chị Ngô Thị Oanh, nhà ở tổ 15 kể: “Kể cả khi nước giếng nấu sôi lên là có một lớp màng màu vàng đóng trên mặt nước, còn cặn thì đóng lớp ở đáy nồi. Nước này đem pha trà thì vị bị biến đổi mùi vị, rất khó dùng”.

Một số hộ không có điều kiện mua nước bình sử dụng trong ăn uống nên phải dùng bông gòn quấn các vòi nước lại để lọc nước. Nhưng cách này không hiệu quả vì chỉ giúp lọc bớt chất cặn trong nước chứ không khử được mùi hôi.

*Bao giờ dân được sử dụng nước máy

Năm 2009, người dân ở KP.2 đã rất phấn khởi vì tưởng rằng sẽ thoát khỏi cảnh dùng nước bẩn. Bởi thời điểm đó, chủ một cơ sở giữ trẻ tại địa phương đồng ý đứng ra làm chủ dự án xây dựng đường cấp nước sạch cho khu vực. Tuy nhiên, sau hơn 3 năm triển khai, dự án xin cấp nước máy không thực hiện được vì không hoàn thiện được hồ sơ xây dựng.

Để giải quyết nhu cầu “khát” nước sạch của người dân, vào tháng 2-2014, Ban điều hành KP.2 đã họp dân bàn về vấn đề này. Đa số các gia đình ở đây đều thống nhất phương án xã hội hóa hệ thống nước sạch trong khu phố. Theo đó, mỗi hộ sẽ đóng góp kinh phí để thực hiện toàn bộ đường ống nước dẫn vào từng nhà. Sau cuộc họp này, đại diện KP.2 đã có đơn gửi Công ty TNHH một thành viên cấp nước Đồng Nai, đề nghị xây dựng hệ thống cấp nước sạch cho dân. Thế nhưng, từ đó đến nay vẫn chưa thấy công ty phản hồi.

Trao đổi về vần đề này, ông Phạm Thế Tăng, Trưởng phòng Kế hoạch - kỹ thuật Công ty TNHH một thành viên cấp nước Đồng Nai khẳng định: “Dự án cấp nước cho KP.2, phường Long Bình là công trình lớn, khi hoàn thiện sẽ cung cấp nước cho gần 3 ngàn hộ dân. Chính vì vậy nên công ty cần có thời gian để tiến hành khảo sát, tính toán thuỷ lực, lập thiết kế. Chúng tôi sẽ gấp rút triển khai phần việc của mình. Tuy nhiên, để tránh tình trạng lập thiết kế dự án xong lại phải bỏ đi, làm lãng phí cho công ty và gây thất vọng cho người dân như lần trước, đề nghị UBND phường Long Bình thống nhất cách tổ chức thực hiện. Đặc biệt phải tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân, không để xảy ra khiếu kiện. Dứt khoát không để xảy ra tình trạng cá nhân đứng ra đầu tư quản lý nguồn nước”.

        Kim Liễu

 

Tin xem nhiều