Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngày 20-5, camera ghi hình giám sát giao thông bắt đầu hoạt động

11:05, 18/05/2014

Từ ngày 20-5, hệ thống camera giám sát giao thông tại 25 vị trí ở TP.Biên Hòa sẽ chính thức hoạt động. Phóng viên Báo Đồng Nai đã trao đổi với Thượng tá Trần Tiến Đạt, Chánh văn phòng Công an tỉnh xung quanh vấn đề này.

Từ ngày 20-5, hệ thống camera giám sát giao thông tại 25 vị trí ở TP.Biên Hòa sẽ chính thức hoạt động. Phóng viên Báo Đồng Nai đã trao đổi với Thượng tá Trần Tiến Đạt, Chánh văn phòng Công an tỉnh xung quanh vấn đề này. Ông Đạt cho biết:

Đường Võ Thị Sáu, một trong những vị trí được gắn camera giám sát giao thông để ghi hình các phương tiện vi phạm.
Đường Võ Thị Sáu, một trong những vị trí được gắn camera giám sát giao thông để ghi hình các phương tiện vi phạm.

- Đến nay, dự án camera giám sát giao thông đã triển khai đầu tư xong bước một với kinh phí trên 92 tỷ đồng. Trong đó có 25 vị trí được lắp đặt hệ thống camera gồm 19 điểm tại các trục đường chính, hoặc giao lộ có tình hình giao thông phức tạp thuộc nội ô TP.Biên Hòa và 6 vị trí quan trọng có yêu cầu về bảo đảm an ninh trật tự, như: trụ sở UBND tỉnh, Tỉnh ủy…

* Hệ thống camera này hoạt động ra sao, và đối với những xe vi phạm thì từ thời gian ghi hình đến khi xử phạt sẽ mất khoảng bao lâu?

- Đây là hệ thống camera hiện đại có chức năng giám sát giao thông và ghi lại hình ảnh người, phương tiện vi phạm, sau đó truyền trực tiếp về Trung tâm giám sát giao thông đặt tại trụ sở Công an TP.Biên Hòa để theo dõi và xử lý. Tất cả camera lắp đặt tại 25 vị trí này được sử dụng phần mềm tự động mã hóa, có thể nhận dạng rõ nét bảng số xe của các phương tiện lưu thông; cũng như loại xe, màu sơn. Qua đó máy sẽ ghi hình mọi trường hợp chạy quá tốc độ, vượt đèn đỏ, đi không đúng làn đường hoặc đi vào đường cấm.

Có 2 hình thức xử phạt đối với các phương tiện vi phạm được ghi nhận lại từ camera. Thứ nhất: Xử phạt trực tiếp. Cụ thể là ngay sau khi camera thông tin phương tiện phạm lỗi, Trung tâm giám sát sẽ thông báo qua bộ đàm cho tổ tuần tra trên đường tìm và dừng xe vi phạm để lập biên bản và xem xét ra quyết định xử phạt. Thứ hai: Phạt nguội. Những trường hợp không trực tiếp dừng được phương tiện vi phạm, việc xử phạt sẽ mất nhiều thời gian hơn. Chẳng hạn, sau khi xác minh bảng số xe, tên và địa chỉ chủ xe vi phạm, cảnh sát giao thông sẽ lập phiếu báo gửi đến chủ xe vi phạm thông qua công an khu vực. Sau 3 lần chủ xe không đến, cảnh sát giao thông cùng công an khu vực sẽ tiến hành cưỡng chế người vi phạm.

* Hiện nay, rất nhiều người sử dụng xe không chính chủ, hoặc không có nơi ở nhất định thì việc xử phạt phương tiện vi phạm sẽ thực hiện như thế nào, thưa ông?

- Đối với những xe vi phạm nhưng đăng ký bảng số ở địa phương khác ngoài tỉnh, cơ quan chức năng sẽ phối hợp với cảnh sát giao thông của nơi đăng ký, quản lý xe đó để truy tìm chủ phương tiện. Trường hợp xe vi phạm đã chuyển nhượng cho người khác, hoặc sang tay qua nhiều lần thì người mua kế tiếp sẽ được mời đến để tìm ra người mua sau cùng. Từ đó xác định ai điều khiển xe vi phạm để tiến hành xử phạt đúng đối tượng.

Theo kinh nghiệm của một số tỉnh, thành đã áp dụng ghi hình bằng camera đối với phương tiện vi phạm an toàn giao thông, khó khăn lớn nhất mà cơ quan chức năng gặp phải là xử phạt “nguội”. Về vấn đề này, lực lượng chuyên trách đang và sẽ tìm cách tháo gỡ trong quá trình thực hiện. Trước mắt, chúng tôi tập trung cho biện pháp xử phạt trực tiếp. Bên cạnh mục tiêu ghi nhận hình vi phạm và tiến hành xử phạt, ý nghĩa lớn nhất mà cơ quan bảo vệ pháp luật muốn hướng đến, chủ yếu là răn đe, mong muốn người dân ý thức tốt hơn khi tham gia giao thông. Bên cạnh đó, nâng cao năng lực giám sát, ngăn ngừa tiêu cực trong lực lượng cảnh sát giao thông.

 Xin cảm ơn ông!

Ngọc Liên (thực hiện)

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều