Báo Đồng Nai điện tử
En

Loay hoay dạy bơi cho trẻ

11:05, 16/05/2014

Dạy bơi được xem là một trong những giải pháp để phòng chống đuối nước ở trẻ em. Nội dung này được cơ quan chức năng lên kế hoạch từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, đến thời điểm này tiến độ triển khai vẫn còn rất chậm…

Dạy bơi được xem là một trong những giải pháp để phòng chống đuối nước ở trẻ em. Nội dung này được cơ quan chức năng lên kế hoạch từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, đến thời điểm này tiến độ triển khai vẫn còn rất chậm…

Trẻ em tập bơi tại hồ bơi Sông Phố, thuộc Trung tâm thể dục - thể thao tỉnh. Ảnh: K.Liễu
Trẻ em tập bơi tại hồ bơi Sông Phố, thuộc Trung tâm thể dục - thể thao tỉnh. Ảnh: K.Liễu

MỚI DẠY BƠI CHO… THẦY

Theo kế hoạch phòng, chống đuối nước cho trẻ em giai đoạn 2013-2015 do UBND tỉnh ban hành, hàng năm sẽ có 20% trẻ từ 6-16 tuổi được phổ cập bơi; trên 20% số lượng trẻ biết bơi an toàn thông qua các hoạt động dạy bơi và giáo dục kỹ năng an toàn dưới nước…

Theo thống kê của cơ quan chức năng, từ năm 2008 đến nay, toàn tỉnh có 196 trẻ em bị đuối nước. Nguyên nhân được xác định là do môi trường sống xung quanh trẻ còn nhiều nguy cơ mất an toàn; thiếu sự giám sát của cha mẹ, hoặc người giữ trẻ lơ là… Trong đó, việc trẻ không biết bơi, hoặc chưa được trang bị những kiến thức về an toàn trên mặt nước được xem là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trẻ bị đuối nước.

Để khắc phục tình trạng này, UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch phòng chống đuối nước ở trẻ giai đoạn 2013-2015 với nhiều mục tiêu cụ thể, trong đó chú trọng việc xóa mù bơi cho trẻ. Đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện là Sở Văn hóa - thể thao và du lịch và Sở GD-ĐT. Năm nào, 2 sở này cũng phối hợp dạy bơi, tập huấn kỹ thuật cứu đuối cho khoảng 200 giáo viên trong tỉnh mà không thấy triển khai dạy cho học sinh.

Nói về vấn đề trên, ông Phan Trọng Nghĩa, Phó phòng Học sinh - sinh viên Sở GD-ĐT lý giải: “Hiện nay Sở mới thực hiện việc dạy bơi cho thầy. Riêng đối với học sinh thì chưa phổ cập bơi được, nguyên nhân là do không đủ hồ bơi để tập”. Theo thầy Nghĩa, toàn tỉnh hiện chỉ có 6/776 trường học có hồ bơi, nhưng hầu hết đều nằm trong các trường tư thục. Số hồ bơi ngoài hệ thống trường học, phần lớn thuộc tư nhân, tập trung ở TP.Biên Hòa và khu trung tâm của các huyện, thị xã. 

THIẾU KINH PHÍ…

Theo tính toán của một đơn vị chức năng, kinh phí xây dựng một hồ bơi hiện nay trên dưới một tỷ đồng, đó là chưa kể phải có mặt bằng xây dựng. Trong khi hầu hết các trường học trong tỉnh, nhất là hệ thống trường công đều không đủ các điều kiện và kinh phí thực hiện nhiệm vụ dạy bơi cho học sinh.

Trước thực trạng trên, Sở GD-ĐT đã kiến nghị UBND tỉnh cho xây dựng ở mỗi huyện, thị xã một hồ bơi di động để dạy bơi cho học sinh. Kinh phí xây dựng khoảng 500 triệu đồng/hồ, các hồ bơi này sẽ được vận hành luân phiên ở những trường chưa có điều kiện xây dựng hồ bơi. Đề xuất này đã được UBND tỉnh chấp thuận, tuy nhiên do không bố trí được ngân sách nên việc xây dựng theo hướng dẫn là phải dựa vào nguồn kinh phí xã hội hóa. Hiện nay, Sở GD-ĐT đang tiến hành vận động xã hội hóa để có thể xây dựng các hồ bơi di động.

Các em làm nóng trước khi xuống hồ
Các em làm nóng trước khi xuống hồ

Mùa nghỉ hè đang đến gần, đây cũng là thời điểm thường xảy ra tai nạn đuối nước ở trẻ em. Do vậy, trong khi chờ đợi việc phổ cập bơi được triển khai đại trà thì việc phòng tránh các tai nạn đáng tiếc, nhất là đuối nước đối với trẻ em là cần thiết. Về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Thành, Chi cục trưởng Chi cục Bảo trợ xã hội - bảo vệ, chăm sóc trẻ em tỉnh, đề nghị chính quyền địa phương cùng các đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với phòng chống tai nạn đuối nước ở trẻ. Đồng thời, các phụ huynh nên tạo điều kiện cho trẻ học bơi song song với việc dạy trẻ có ý thức bảo vệ bản thân và cách ứng xử liên quan đến việc phòng chống đuối nước.               

Kim Liu

 

 

 

Tin xem nhiều