Báo Đồng Nai điện tử
En

Thời tiết diễn biến khó lường

11:04, 28/04/2014

Ngay từ đầu năm 2014, tình hình khí hậu đã có những diễn biến bất ngờ, như: dông, bão, lốc xoáy. Trong đó, một số địa phương của Đồng Nai bị thiên tai làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất…

Ngay từ đầu năm 2014, tình hình khí hậu đã có những diễn biến bất ngờ, như: dông, bão, lốc xoáy. Trong đó, một số địa phương của Đồng Nai bị thiên tai làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất…

Nhiều đoạn cống trên đường 769 mới đây được hoàn thiện nắp đậy trước khi mùa mưa đến.
Nhiều đoạn cống trên đường 769 mới đây được hoàn thiện nắp đậy trước khi mùa mưa đến.

Điển hình là 2 cơn lốc xoáy xảy ra vào đầu tháng 4-2014, làm sập hàng trăm căn nhà tại các huyện: Định Quán, Tân Phú, Trảng Bom. Mới đây nhất, một cơn lốc xoáy đã ập đến xã Nam Cát Tiên làm thiệt hại đáng kể đến tài sản, cây trồng của nhân dân.

* Ám ảnh thiên tai

Tại huyện Định Quán, nhiều hộ dân tới nay không quên trận lốc xoáy diễn ra vào ngày 1-4-2014. Trong đó, thiệt hại về tài sản khá lớn với hàng trăm hécta cây trồng vụ đông - xuân và nhà cửa của bà con các xã: Phú Hòa, Phú Lợi, Gia Canh, Ngọc Định bị cơn lốc phá hủy. Đáng kể, có đến 20/50 hécta bắp chuẩn bị cho thu hoạch bị mất trắng. Nói về cơn lốc xảy ra mới đây, ông Hồ Ngọc Viễng, ngụ ấp 2, xã Phú Hòa, khẳng định: “Gần 30 năm nay, tôi chưa từng thấy một cơn lốc nào mạnh như vậy. Trong xóm tôi cư trú có khoảng 5 nhà bị lột hết tôn, vật dụng gia đình tan nát, không còn gì cả”. Theo ông Viễng, cơn lốc xoáy đáng sợ đó gây hậu quả lớn do nó đến quá bất ngờ, người dân không trở tay kịp. 

Riêng xã Bình An (huyện Long Thành) là một địa phương năm nào cũng xảy ra lũ lụt. Mỗi năm thường xảy ra từ 2-3 cơn lũ vào ban đêm khiến nhiều gia đình tiêu tan tài sản vì không kịp chạy lũ. Người dân trong khu vực ấp An Bình, xã Bình An hiện luôn trong tâm trạng lo lắng khi mùa mưa sắp đến, vì chẳng ai biết lũ lụt khi nào ập đến. Có những thời điểm, dù trời không mưa nhưng nước từ trên cao cứ ào ào đổ về. Nhớ lại trận lũ năm 2013, ông Nguyễn Văn Chương, người dân ở ấp Hàng Gòn, xã Lộc An (huyện Long Thành), cho biết trận lũ năm trước gia đình ông cùng hàng chục hộ khác bị hư hại khá nhiều vật dụng đáng giá. Chính vì vậy, ngay từ bây giờ ông Chương đã chủ động nâng cao một số kệ để đồ, bếp… Không chỉ ông Chương, nhiều hộ dân trong ấp Hàng Gòn đã sửa chữa, nâng cấp nhà cửa, đồng thời chuẩn bị vật dụng để ứng phó với lũ lụt có thể  xảy ra trong mùa mưa tới.

* Chủ động ứng phó bão, lũ

Để chủ động ứng phó với những diễn biến bất thường của thời tiết, người dân cũng như chính quyền các địa phương trong tỉnh hiện tập trung triển khai những phương án ứng phó với thiên tai khi mùa mưa đang đến gần.

Cảnh tan hoang sau cơn lốc xoáy xảy ra tại huyện Tân Phú ngày 1-4-2014.
Cảnh tan hoang sau cơn lốc xoáy xảy ra tại huyện Tân Phú ngày 1-4-2014.

Rút kinh nghiệm từ những năm trước, các xã: Lộc An, Bình Sơn, Bình An... (huyện Long Thành) đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống lụt bão để nhân dân chủ động đối phó với thiên tai. Nhận định về tình hình thời tiết, nhất là tình trạng lũ hay về địa bàn xã, ông Ngô Hồng Hà, Chủ tịch UBND xã Bình An, cho biết trên địa bàn xã có dòng suối Sông Nhạn đi qua khoảng 4km. Khi lũ bất ngờ ập đến, những hộ dân sống ven suối thường xuyên bị ngập lụt bởi nước thoát không kịp. Để khắc phục tình trạng lũ lụt có thể xảy ra trong thời gian tới, UBND xã Bình An đã có tờ trình xin huyện hỗ trợ kinh phí nạo vét, khơi thông lòng suối. Theo ông Hà, dự án đang chờ ý kiến xét duyệt của Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn. Nếu được chấp thuận thì kinh phí thực hiện được trích từ ngân sách Nhà nước, dự kiến khoảng 1,9 tỷ đồng. Bên cạnh đó, UBND xã Bình An còn tổ chức tập huấn cho các lực lượng dân phòng, công an xã về cách cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xấu xảy ra.

Nói về công tác chuẩn bị chung trên địa bàn tỉnh trước khi mùa mưa đến, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Trần Bình Minh nhấn mạnh: Sở đã yêu cầu các cấp chính quyền địa phương thực hiện việc rà soát những khu vực thường xảy ra lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất, nhất là các khu vực ven sông. Mặt khác, cần chủ động hướng dẫn nhân dân ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, đặc biệt là lụt, bão, lốc xoáy; tập trung kiểm tra, sửa chữa các hạng mục công trình thủy lợi, giao thông, trường học, điện… nhằm bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ.

Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Ngô Sỹ Bảng: Chuẩn bị mọi phương án để ứng phó thiên tai!

Hàng năm, tại một số xã của huyện Tân Phú vẫn thường xảy ra lốc xoáy. Tuy nhiên, năm nay do tình hình thời tiết biến đổi bất thường, lốc xoáy xuất hiện sớm hơn mọi năm nên gây thiệt hại nặng cho bà con. Để nhanh chóng giúp bà con khắc phục hậu quả sau lốc xoáy, huyện đã huy động lực lượng giúp dân dọn dẹp hiện trường và sửa chữa lại nhà cửa; đồng thời hỗ trợ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn 1 triệu đồng/hộ. Mới đây Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão huyện đã họp khẩn cấp và chỉ đạo các địa phương nhanh chóng kiểm tra, rà soát số lượng nhà tạm, nhà chưa kiên cố… để kịp thời giúp đỡ những gia đình này gia cố lại nơi ở và có phương án di dời kịp thời khi sự cố xảy ra.

Trong năm 2013, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 17 trận lốc xoáy và 5 đợt ngập lụt cục bộ, làm chết 1 người; 1.525 nhà dân bị tốc mái, xiêu vẹo, ngập lụt; hư hại 1.543 hécta cây trồng, hoa màu. Ngoài ra, một số tuyến đường giao thông bị mưa, lũ gây hư hỏng. Riêng tháng 4-2014 đã xảy ra 3 trận lốc xoáy tại các huyện Tân Phú, Định Quán và Trảng Bom làm trên 250 căn nhà bị tốc mái, sập, nhiều diện tích hoa màu bị hư hỏng gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng.

 

Ngọc Liên

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích