Báo Đồng Nai điện tử
En

Cán bộ xã làm chuyện "bao đồng"

10:04, 28/04/2014

Do không am hiểu pháp luật, cán bộ xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu) đứng ra đòi nợ thay cho người khác. Việc làm lạ lùng này đã phát sinh khiếu kiện rắc rối kéo dài gần 5 năm qua vẫn chưa giải quyết xong...

Do không am hiểu pháp luật, cán bộ xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu) đứng ra đòi nợ thay cho người khác. Việc làm lạ lùng này đã phát sinh khiếu kiện rắc rối kéo dài gần 5 năm qua vẫn chưa giải quyết xong...

Thay vì chứng thực hợp đồng chuyển nhượng đất cho ông Q., ngụ xã Phú Lý, theo đúng chức năng, thẩm quyền thì cán bộ xã lại ra điều kiện: Nếu ông Q. thay vợ trả khoản nợ trước đây đã mượn thì mới được ký xác nhận.

* Tự làm khó mình

Năm 2009, ông Q. đến UBND xã Phú Lý để làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng 2,5 hécta đất cho người khác. Lúc đó, cán bộ tư pháp xã đã từ chối xác nhận. Lý do được đưa ra là vợ ông Q. nợ tiền của bà Th. (ngụ huyện Long Thành) và bà Ng. (ngụ huyện Vĩnh Cửu) với số tiền tổng cộng là 160 triệu đồng. Do lâu ngày không đòi được nợ nên hai người này có đơn phản ảnh gửi UBND xã đề nghị xem xét giải quyết.

Trước tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan” do phải nhận tiền cọc của người mua đất, ông Q. phải mang 160 triệu đồng lên UBND xã nộp và được nhận một giấy biên nhận. Sau khi nhận tiền của ông Q., cán bộ tư pháp xã mời bà Ng. và bà Th. đến để trao lại số tiền trên. Mặc dù đã được chứng thực trong hợp đồng chuyển nhượng đất, nhưng vì ấm ức với cách làm khó hiểu của cán bộ xã, ông Q. bèn gặp Chủ tịch UBND xã Phú Lý để hỏi cho ra lẽ, nhưng cũng không được giải thích thấu tình đạt lý. Vì cho rằng UBND xã mập mờ và có ý định chiếm dụng khoản tiền mình đã nộp nên ông Q. khởi kiện UBND xã Phú Lý ra tòa để đòi tiền lại.

Tại phiên tòa xét xử theo đơn khởi kiện của ông Q., Hội đồng xét xử nhận định, cán bộ xã không có mục đích vụ lợi khi đòi nợ giúp, mà chỉ vì không nắm vững nghiệp vụ nên dẫn đến sai sót. Theo đó, Tòa án nhân dân huyện Vĩnh Cửu tuyên buộc UBND xã Phú Lý phải trả lại cho ông Q. 160 triệu đồng và hơn 36 triệu đồng tiền lãi theo mức lãi suất quy định.

* Khiếu kiện lòng vòng 

Tính từ thời điểm bản án có hiệu lực đến nay đã 3 năm, nhưng ông  Q. vẫn chưa nhận được số tiền 160 triệu đồng đã nộp cho UBND xã, cũng như lãi suất. Sau nhiều lần đề nghị được thi hành án nhưng không có kết quả, ông Q. gửi đơn khiếu nại khắp nơi.

Trong khi đó, lãnh đạo Chi cục Thi hành án dân sự huyện Vĩnh Cửu cho biết, ngay khi ông Q. có đơn yêu cầu thi hành án, cơ quan này đã tiến hành các thủ tục pháp lý theo quy định. Thế nhưng, do UBND xã Phú Lý không có điều kiện để thi hành án nên cơ quan chức năng chỉ dừng lại ở việc đốc thúc chứ không thể tiến hành kê biên trụ sở UBND để thu nợ được.

Bản án của Tòa án nhân dân huyện Vĩnh Cửu nhận định việc đòi nợ giúp của các cán bộ xã Phú Lý là sai nguyên tắc. Cụ thể, trong quá trình giải quyết thủ tục sang nhượng quyền sử dụng đất, cán bộ xã lấy lý do đang có đơn khiếu nại về nợ nần để không ký vào hợp đồng chuyển nhượng là không đúng quy định của pháp luật.

Trao đổi về vấn đề liên quan đến việc chính quyền địa phương phải thi hành án, Chủ tịch UBND xã Phú Lý Trần Viết Hạnh cho biết vì địa phương không có ngân quỹ nên đến nay vẫn phải… nợ. Để có thể trả khoản tiền cho ông Q. như bản án đã tuyên, UBND xã đã khởi kiện bà Ng. và bà Th., yêu cầu hai người này hoàn lại toàn bộ số tiền mà cán bộ xã đã đưa cho họ trước đây. Mới đây, tại phiên xử phúc thẩm, Tòa án nhân dân tỉnh đã tuyên buộc bà Ng. và bà Th. phải hoàn lại số tiền nêu trên cho UBND xã. Theo ông Hạnh, khi nhận được tiền thi hành án của bà Ng. và bà Th., UBND xã sẽ trả cho ông Q. ngay.

Rắc rối ở chỗ, hiện tại bà Ng. và bà Th. cũng đang tiến hành khởi kiện gia đình ông Q. để đòi lại số tiền mà trước đây vợ ông đã nợ. Vụ kiện tụng lòng vòng không đáng có này không chỉ gây khó khăn cho người trong cuộc mà còn làm mất thời gian và gây không ít phiền phức cho các cơ quan chức năng.

Kim Liễu

 

 

Tin xem nhiều