Báo Đồng Nai điện tử
En

Qua sông phải lụy đò?

11:03, 14/03/2014

Thời gian gần đây, bến đò ngang nối liền hai xã Hiếu Liêm - Trị An (huyện Vĩnh Cửu) thu tiền cao hơn so với giá niêm yết, gây bức xúc cho hành khách…

Thời gian gần đây, bến đò ngang nối liền hai xã Hiếu Liêm - Trị An (huyện Vĩnh Cửu) thu tiền cao hơn so với giá niêm yết, gây bức xúc cho hành khách…

Bến đò này có vai trò như một tuyến giao thông huyết mạch trong việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, nông sản của người dân tại địa phương. Tuy không phải là đường độc đạo nhưng đó là sự lựa chọn duy nhất cho những ai không muốn đi vòng bằng đường bộ.

* Thu tiền cao hơn quy định

Theo phản ảnh của những hành khách thường đi lại trên bến đò Hiếu Liêm, giá niêm yết tại bảng thông báo ngay bến đò là 5 ngàn đồng/lượt người và xe gắn máy, thế nhưng lâu nay hành khách phải trả 6 ngàn đồng. Ngoài ra, người đi đò không được cấp vé theo quy định. Tuy số tiền khách phải trả thêm không nhiều, nhưng do hàng ngày có đến hàng trăm lượt người đi nên số tiền chênh lệch được chủ đò thu về không phải ít.

Nhân viên bến đò thu phí.
Nhân viên bến đò thu phí.

Thực tế, phần lớn khách đi đò là nông dân, công nhân nên khi phải thường xuyên chi thêm tiền cho những lần lên đò mỗi tuần, thậm chí mỗi ngày đã làm người lao động thấy xót. Là công nhân của Nhà máy đường Biên Hòa - Trị An ở xã Trị An (huyện Vĩnh Cửu), hàng ngày anh Nguyễn Trọng Tài, ngụ ấp 3, xã Hiếu Liêm phải đi, về 2 lượt đò. Tính ra, mỗi tháng anh Tài phải mất thêm 60 ngàn đồng, chưa kể những lúc có việc đi, về thì tiền đi đò “ngốn” nhiều hơn. Ngoài ra, bến đò chỉ hoạt động tới 18 giờ 30 mỗi ngày, nên việc tăng ca đối với anh Tài và các công nhân khác gần như là không thể. Theo anh Tài, nhiều lúc muốn tăng ca để có thêm thu nhập nhưng khi về muộn phải kêu đò từ xã Lạc An (huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) qua đón, chi phí bao nguyên chuyến hết 70-100 ngàn đồng, chẳng khác nào làm tăng ca không công.

Những người thường đi đò ở bến Hiếu Liêm đề nghị cơ quan quản lý bến xem xét việc giá vé cao hơn quy định. Ngoài ra, nên xem xét bán vé tháng cho những người thường xuyên qua đò để giảm bớt chi phí đi lại cho hành khách.

* Bị bệnh cũng ráng… nằm chờ

Xã Hiếu Liêm có địa hình như một bán đảo, do đó bến đò ngang nối liền hai xã Hiếu Liêm - Trị An có vai trò rất quan trọng đối với việc vận chuyển nông sản, hàng hóa của người dân. Trong khi đó, muốn lưu thông bằng đường bộ phải đi vòng trên 10km, qua Nhà máy thủy điện Trị An nên mất rất nhiều thời gian.

Bến đò Hiếu Liêm - Trị An.
Bến đò Hiếu Liêm - Trị An.

Bến đò Hiếu Liêm thường đóng cửa từ 18 giờ 30, trong khi nhu cầu đi lại của người dân trong xã vào giờ này còn rất nhiều. Việc ngưng hoạt động của bến đò buộc người dân không còn chọn lựa nào khác là phải… nằm nhà chờ cho tới sáng. Bà Nguyễn Thị Mỵ, ngụ ấp 2, xã Hiếu Liêm bức xúc nói: “Nhiều gia đình có người bệnh đột xuất vào buổi tối, không thể tìm phương tiện đi, đành phải đợi trời sáng; kể cả trường hợp bệnh nặng cũng không thể cầu cứu ai được”.

Giải thích về việc bến đò nghỉ sớm, ông Huỳnh Văn Chánh, chủ đò Hiếu Liêm, cho biết đây là quy định từ khi thành lập bến đò nên các phương tiện phải chấp hành. Mặt khác, số đò đang hoạt động tại bến Hiếu Liêm - Trị An chỉ được cấp đăng kiểm cho hoạt động vào ban ngày. Vì vậy, hầu hết các đò trên bến không trang bị các thiết bị để đảm bảo phục vụ vận chuyển khách vào ban đêm. Hơn nữa, khi chạy quá giờ quy định, nhất là vào buổi tối, chủ đò sẽ bị cơ quan chức năng kiểm tra, xử phạt.

Riêng việc thu phí cao hơn giá niêm yết, theo ông Chánh, bến đò chỉ thu 5 ngàn đồng/người/lượt. “Chúng tôi sẽ kiểm tra lại vấn đề này. Có thể nhân viên phụ trách thu tiền nhầm lẫn sao đó. Nếu đúng như hành khách phản ảnh, chúng tôi sẽ khắc phục ngay” - ông Chánh khẳng định.

Văn Chính

 

 

Tin xem nhiều