Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhà máy phân vi sinh gây ô nhiễm

07:03, 13/03/2014

Nguồn nước sinh hoạt không thể sử dụng, không khí xung quanh ngột ngạt, nồng nặc mùi hôi thối và bụi mù trời. Đó là hậu quả từ quá trình sản xuất của Nhà máy sản xuất phân phức hợp hữu cơ vi sinh La Ngà, xã La Ngà (huyện Định Quán).

Nguồn nước sinh hoạt không thể sử dụng, không khí xung quanh ngột ngạt, nồng nặc mùi hôi thối và bụi mù trời. Đó là hậu quả từ quá trình sản xuất của Nhà máy sản xuất phân phức hợp hữu cơ vi sinh La Ngà, xã La Ngà (huyện Định Quán).

Bã mùn đang trong quá trình ủ để sản xuất phân vi sinh được chất đống tràn lan trong sân của Nhà máy phân hữu cơ La Ngà.
Bã mùn đang trong quá trình ủ để sản xuất phân vi sinh được chất đống tràn lan trong sân của Nhà máy phân hữu cơ La Ngà.

Thời gian qua, dù người dân đã nhiều lần phản ảnh, chính quyền địa phương không ít lần nhắc nhở, thậm chí xử phạt nhưng nhà máy vẫn tiến hành sản xuất, “phớt lờ” việc di dời.

* Sống chung với ô nhiễm

Nhà máy sản xuất phân phức hợp hữu cơ vi sinh La Ngà (gọi tắt là Nhà máy phân hữu cơ La Ngà) đi vào hoạt động từ năm 2001 trên diện tích 4 hécta. Đây là doanh nghiệp chuyên sản xuất phân hữu cơ vi sinh, được tận dụng từ bã mùn, thực bì do Công ty cổ phần mía đường La Ngà thải ra.

Trong khuôn viên nhà máy đặt tại ấp Phú Quý 2, xã La Ngà được dành riêng một khu đất rộng để chứa bã mùn. Đáng kể là “núi” mùn này không được che đậy kỹ, nên qua thời gian bị phân hủy, bốc mùi xú uế. Chỉ cần cơn gió nhẹ là mùi hôi thối của phân và bụi bẩn đen kịt bay tứ tung, xộc cả vào khu dân cư. Khoảng 3 tháng nay, thời điểm Công ty mía đường La Ngà hoạt động chính vụ, lượng bã mùn đưa về đây càng nhiều. Đang vào mùa khô, thời tiết nắng nóng và gió lớn khiến mùi hôi thối càng gia tăng vào mọi thời điểm. Nhiều gia đình không chịu nổi ô nhiễm, đã phải bỏ nhà đi “lánh nạn” nơi khác để bảo vệ sức khỏe cho chính mình và con cái.

Theo một số hộ sống gần khu vực sản xuất của Nhà máy phân hữu cơ La Ngà, từ khi doanh nghiệp đi vào hoạt động thì cư dân luôn phải sống chung với ô nhiễm, kể cả nguồn nước giếng dùng để sinh hoạt hàng ngày cũng bị chuyển màu đen, có mùi rất nặng không sử dụng nấu ăn được. Nói về tình trạng ô nhiễm, ông Lê Văn Đại, ngụ ấp Phú Quý 2, xã La Ngà cho biết, mỗi đợt bã mùn đưa về để ủ có khi lên đến hàng trăm tấn. Khi mùn bắt đầu phân hủy, nhà máy mới tiến hành đảo trộn để sản xuất phân. Công đoạn này chính là tác nhân gây ô nhiễm môi trường và không khí quanh khu vực.

* Bao giờ “thoát” khỏi ô nhiễm?

Nằm kế bên nhà máy sản xuất phân nên gia đình bà Phan Thị Hồng Phấn bị ảnh hưởng nhiều nhất. Theo bà Phấn, hàng chục năm qua hầu như chẳng ngày nào nhà máy ngưng hoạt động. Ngoài ra, tình trạng xe tải vào ra liên tục chở hàng khiến khu vực trở nên ầm ĩ. “Chịu đựng mãi, bản thân tôi cũng bị viêm phế quản. Không chỉ mình tôi, vùng này trẻ em và người già mắc bệnh rất nhiều. Riêng nguồn nước giếng sinh hoạt bị ô nhiễm nghiêm trọng, không thể dùng được nữa, phải mua nước từ nơi khác về sử dụng. Còn cây trồng trong vườn không phát triển được vì bụi phủ kín” - bà Phấn bức xúc.

Nguồn nước giếng sinh hoạt của người dân ở ấp Phú Quý 2, xã La Ngà hiện có màu đen và hôi thối, không sử dụng được.
Nguồn nước giếng sinh hoạt của người dân ở ấp Phú Quý 2, xã La Ngà hiện có màu đen và hôi thối, không sử dụng được.

Việc Nhà máy phân hữu cơ La Ngà gây ô nhiễm môi trường đã được kiến nghị rất nhiều tại các buổi tiếp xúc cử tri, tuy nhiên tình hình vẫn chưa được cải thiện. Sau nhiều lần UBND xã lập biên bản, Phòng Tài nguyên - môi trường huyện cũng xử phạt, nhà máy cam kết sẽ di dời đi nơi khác, tránh xa khu dân cư. Thế nhưng, hứa thì hứa còn chuyện đi hay ở thì… cứ đợi đấy.

Trao đổi về vấn đề ô nhiễm gây bức xúc dư luận, ông Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch UBND xã La Ngà, nhấn mạnh: “Mới đây, chúng tôi đã cử cán bộ chuyên môn cùng chính quyền ấp và các hộ dân đến nhà máy làm việc và yêu cầu doanh nghiệp khắc phục ngay tình trạng hôi thối, khói bụi. Cũng như những lần trước, đại diện nhà sản xuất chỉ ỡm ờ cho qua chuyện nên UBND xã đã báo lên UBND huyện và Phòng Tài nguyên - môi trường xin ý kiến, nhưng chưa thấy văn bản chỉ đạo”.

Theo ông Tuấn, việc “phớt lờ” di dời như cam kết của doanh nghiệp nếu còn kéo dài, rất dễ dẫn đến khiếu kiện phức tạp. Bởi hàng ngày, hàng ngàn hộ dân tại khu vực này tiếp tục phải khổ vì môi trường xung quanh khu dân cư đã “xuống cấp” nghiêm trọng.

Thanh Hải

 

 

Tin xem nhiều