Báo Đồng Nai điện tử
En

Huyện Tân Phú: Cấp nhầm hơn 40 sổ đỏ

10:03, 16/03/2014

Sau khi phát hiện hơn 40 trường hợp ở 2 xã Phú An và Nam Cát Tiên được cấp nhầm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (gọi tắt là sổ đỏ), UBND huyện Tân Phú đã ra quyết định thu hồi nhưng bị các hộ dân phản ứng.

Sau khi phát hiện hơn 40 trường hợp ở 2 xã Phú An và Nam Cát Tiên được cấp nhầm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (gọi tắt là sổ đỏ), UBND huyện Tân Phú đã ra quyết định thu hồi nhưng bị các hộ dân phản ứng.

Người dân hoang mang vì sổ đỏ cấp trước đây nay bị thu hồi.
Người dân hoang mang vì sổ đỏ cấp trước đây nay bị thu hồi.

Phần diện tích bị cấp nhầm thuộc đất rừng do Ban quản lý rừng phòng hộ 600 quản lý theo quyết định giao đất của UBND tỉnh năm 1989. Phần đất bị cấp nhầm được các hộ dân đang canh tác nhiều năm trước.

“Được” đất rồi lại…mất đất

Cho đến nay, nhiều gia đình vẫn chưa chịu giao đất theo quyết định thu hồi của UBND huyện Tân Phú. Phần lớn cho rằng, đất họ đang sử dụng là do khai phá, sản xuất nông nghiệp từ trước khi thành lập Ban quản lý rừng phòng hộ 600. Hiện mỗi hộ đang canh tác từ trên 4 ngàn đến khoảng 20 ngàn m2 đất rừng.

Là hộ có diện tích gần 30 ngàn m2 đã được cấp sổ đỏ từ năm 1996 và 2001, gần đây gia đình ông Trần Trọng Vỹ, ngụ ấp 2, xã Phú An rất bất ngờ khi nhận được quyết định thu hồi lại giấy đã cấp. Theo ông Vỹ, thu nhập chính trong gia đình đều dựa vào mảnh đất này. Hơn nữa, nhiều năm qua trên phần đất đã được cấp sổ đỏ không có tranh chấp gì, đến nay thông báo là đất rừng khiến ai cũng ngỡ ngàng. Gia đình ông Vỹ cùng nhiều trường hợp khác đã làm đơn kiến nghị lên các cấp chính quyền địa phương nhưng chưa được giải quyết.

Nhiều vườn cây ăn trái đang cho thu hoạch của người dân nằm trên đất rừng.
Nhiều vườn cây ăn trái đang cho thu hoạch của người dân nằm trên đất rừng.

Trước quyết định sẽ phải trả lại đất cho rừng, nhiều gia đình nằm trong hoàn cảnh này đều hoang mang, lo lắng. Ông P.C., cũng là người dân ấp 2, xã Phú An có 3 hécta trồng sầu riêng đang cho thu hoạch. Nhìn những trái sầu riêng sai trĩu quả mà lòng ông C. nặng trĩu không kém. Với ông C., đây là vườn cây ăn trái đã đưa con cái ông đến trường đại học; cũng như giải quyết đời sống gia đình.

Làm sao thu hồi đất rừng?

Theo quyết định giao đất của UBND tỉnh, hiện tại Ban quản lý rừng phòng hộ 600 quản lý hơn 4.300 ngàn hécta rừng phòng hộ. Trong đó, có 4 giấy chứng nhận được cấp sổ đỏ trên tổng diện tích 3.888 hécta, còn lại gần 400 hécta chưa được cấp giấy chứng nhận là do nằm trong quy hoạch hồ Suối Gấm và đất mà một số hộ dân đang canh tác.

Nhà cửa được xây khang trang trên đất rừng thuộc xã Phú An.
Nhà cửa được xây khang trang trên đất rừng thuộc xã Phú An.

Trong những năm qua, UBND huyện Tân Phú đã cấp 46 sổ đỏ gồm 46 thửa với diện tích 37,9 hécta cho các hộ dân. Trong đó, xã Phú An có 32 thửa và Nam Cát Tiên 14 thửa. Tuy nhiên, việc cấp phép này không phù hợp. Nguyên nhân xảy ra sai sót này là do sự phối hợp giữa chính quyền địa phương 2 xã Phú An, Nam Cát Tiên và Ban quản lý rừng phòng hộ 600 chưa chặt chẽ trong xét duyệt hồ sơ. Tiếp đến, Phòng Tài nguyên - môi trường huyện Tân Phú không kiểm tra, rà soát chặt chẽ dẫn tới việc cấp sổ đỏ nhầm cho các hộ trên. Sau đó, UBND huyện Tân Phú đã ra quyết định thu hồi 46 giấy chứng nhận này, nhưng đến nay mới chỉ có 4 hộ giao nộp.

Theo kết quả điều tra, xác minh của Thanh tra Sở Tài nguyên - môi trường, hiện có 233 căn nhà xây dựng trên đất của Ban quản lý rừng phòng hộ 600. Trong đó, trên địa bàn xã Phú An đã hình thành cụm dân cư tại ấp 1 và 3 với diện tích trên 11 hécta có 2 khu vực nhà ở của người dân san sát;  xã Nam Cát Tiên có gần 7,5 hécta. Căn cứ theo Luật Đất đai, diện tích đất bị cấp nhầm cần thu hồi giao về địa phương quản lý để xem xét công nhận quyền sử dụng đất cho người dân nhằm ổn định cuộc sống.

 Sự nhầm lẫn đáng tiếc này khiến cho công tác quản lý rừng vốn đã phức tạp lại càng khó khăn hơn do người dân không hợp tác. Nói về tình hình liên quan đến đất rừng đã cấp chủ quyền cho dân, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ 600 Phạm Văn Giao khẳng định, theo quy định thì những hộ nằm trên đất của rừng phòng hộ phải thực hiện trồng rừng theo quy hoạch. Ngoài ra, các hộ này phải ký hợp đồng nhận khoán và trồng các loại cây lâu năm, như: dầu, sao. Tuy nhiên, đến nay lãnh đạo rừng phòng hộ mới chỉ ký kết được với 4 hộ dân, số còn lại không đồng ý với lý do đất đã trồng sầu riêng, cà phê, tiêu… đang cho thu hoạch.

Trao đổi về hướng giải quyết đối với vấn đề không đơn giản này, Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Ngô Sỹ Bảng cho biết đang tiếp tục rà soát để có hướng xử lý cụ thể đối với từng trường hợp. Trong khi đó, tại một số vị trí đã cấp sổ đỏ nhầm thì việc cắm mốc xác định ranh giới chưa tiến hành được là do một số người dân chưa thống nhất giữa đất lâm nghiệp với đất sản xuất nông nghiệp hộ gia đình đang sử dụng.

Ngọc Liên

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều