Báo Đồng Nai điện tử
En

Hồi hộp với nước giải khát

10:03, 30/03/2014

Thời tiết càng nắng nóng thì nhu cầu về nước giải khát của người dân càng tăng cao. Điều đáng lưu ý, nước giải khát được chế biến như thế nào để người sử dụng không bị ảnh hưởng đến sức khỏe mới là quan trọng…

Thời tiết càng nắng nóng thì nhu cầu về nước giải khát của người dân càng tăng cao. Điều đáng lưu ý, nước giải khát được chế biến như thế nào để người sử dụng không bị ảnh hưởng đến sức khỏe mới là quan trọng…

Thực tế lâu nay, vấn đề bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng trên một số loại nước uống chưa được quan tâm nhiều.

* Thích uống nhưng vẫn lo

Trong một lần mua dừa tươi trên đường Huỳnh Văn Nghệ, phường Tân Hiệp (TP.Biên Hòa), chị Nguyễn Thị Th., ngụ KP.3, phường Bửu Long (TP.Biên Hòa) phát hiện trong 4 trái dừa mua về nhà thì có một trái khi uống nước rất nặng mùi thuốc tẩy. Chị Th. nghĩ đây là loại trái chỉ dùng nước bên trong, không thể bị xử lý qua hóa chất nên vẫn sử dụng. Tuy nhiên, vài tiếng đồng hồ sau khi uống trái dừa đó, chị Th. đau bụng dữ dội, đồng thời bị tiêu chảy. Chị Th. đi khám bệnh thì bác sĩ chẩn đoán có thể do ăn uống phải đồ dùng có hóa chất độc hại nên gây rối loạn tiêu hóa. Nhớ lại những bữa ăn ngày hôm đó, chị Th. khẳng định, trong gia đình chỉ mình chị bị ngộ độc, như vậy thủ phạm có thể là trái dừa.

Sương sa, sương sáo làm thủ công được bày bán tại các chợ.
Sương sa, sương sáo làm thủ công được bày bán tại các chợ.

Không chỉ những điểm bán giải khát trên vỉa hè, lề đường thì nước uống thường là tự chế, gần các trường học, người bán hàng rong hay kinh doanh nước uống không bảo đảm chất lượng, như: trà sữa trân châu, sâm bổ lượng, cocktail… là những thứ học sinh ưa thích. Chị Minh Anh, ngụ ở KP.4, phường Trảng Dài luôn lo lắng khi nghe con nói uống nước giải khát bán trước cổng trường. Chị Anh cho biết, nguyên nhân khiến chị không an tâm là đã có lần, đang làm việc ở công ty thì nhận được điện thoại từ trường thông báo con chị bị đau bụng, về lo cho con. Con chị Th. cho biết, ngoài trà sữa trân châu mua trước cổng trường cháu không uống thứ gì khác.

* Mập mờ chất lượng

Lâu nay, không ít người từng bị các triệu chứng về đường tiêu hóa, như: đau bụng, tiêu chảy, đầy hơi… là do sử dụng các thức ăn, nước uống không bảo đảm vệ sinh. Nhiều loại nước làm thủ công nên khâu bảo đảm vệ sinh hầu như chưa ai kiểm chứng, đáng kể là các loại nước rất được trẻ em, phụ nữ ưa chuộng như: sương sa, sương sáo, chè, cocktail, sâm bổ lượng. Các loại nước uống này thường được bày bán tại những điểm nhỏ nằm rải rác ở các chợ, trường học, một số vỉa hè đông người qua lại.

Nước sirô, đá bào, trà sữa trân châu được học sinh ưa chuộng.
Nước sirô, đá bào, trà sữa trân châu được học sinh ưa chuộng.

Trường hợp mới đây nhất xảy ra ngày 28-3 tại Trường THCS Tam Hòa (TP.Biên Hòa), 14 học sinh lớp 6 phải nhập viện do bị đau bụng, nôn ói, chóng mặt… Những học sinh này cho biết, trước khi vào lớp các em có ăn bánh tráng trộn, trái cây ngâm và sirô đá bào trước cổng trường. Bác sĩ Nguyễn Đức Hoài, Phó trưởng khoa cấp cứu, Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai khẳng định, đây là ca ngộ độc trong học sinh có số người bị nhiều nhất từ đầu năm đến nay. Rất may các em đã được nhà trường, gia đình đưa đến bệnh viện ngay nên được điều trị kịp thời.

Bác sĩ Nguyễn Đình Bình, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, khuyến cáo, để tránh bị những tác hại do một số loại nước uống sản xuất không bảo đảm an toàn, người dân nên sử dụng những loại có xuất xứ, thành phần và ngày sản xuất cụ thể. Nhất thiết phải chọn những sản phẩm đã công bố kết quả kiểm định rõ ràng. Tuyệt đối không nên sử dụng loại sản phẩm không rõ nguồn gốc hoặc quá trình sản xuất không được bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trong vai một người đi mua hàng về để bán nước giải khát, chúng tôi tìm đến chợ Sặt (phường Tân Biên, TP.Biên Hòa) là nơi bán nguyên liệu để chế biến các loại nước giải khát, như: sâm bổ lượng, cocktail, trà sữa trân châu… Tại đây, chúng tôi thấy hầu hết những khay đựng chà là, táo tàu, kiwi, nho khô, đu đủ bào sợi… được tẩm đủ màu sắc nhưng đều không có bất kỳ một thông tin nào về sản phẩm. Một phụ nữ bán nước giải khát lâu năm ở khu vực này cho biết, nguyên liệu để làm nước thường sử dụng loại rẻ tiền nhất. Ví dụ, nho khô mua loại 70 ngàn đồng/kg thay cho loại giá 170 ngàn đồng/kg. Khi nghe chúng tôi thắc mắc sao không chế biến bằng nguyên liệu đắt tiền để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, chị này thanh minh: “Mua loại mắc tiền về bán làm sao có lời. Tôi mua loại rẻ mang về rửa sạch, phơi khô rồi bỏ vào tủ lạnh dùng đến đâu lấy đến đó. Mấy thứ đó để tủ lạnh cả năm cũng không hư. Hơn nữa, khi nấu lên trái nho hút nước vào cũng nở ra to như loại nho mắc tiền. Từ trước đến giờ tôi bán nước giải khát nhưng chưa nghe ai phàn nàn gì, chắc chẳng có vấn đề gì đâu”.

Rõ ràng, việc kiểm định chất lượng cho một số nước giải khát nói chung, nhất là vào mùa nắng nóng hiện nay bị bỏ ngỏ. Thực ra, thói quen của người tiêu dùng khi dùng nước giải khát phần lớn là do ý thích, nên dù bất an nhưng vẫn… uống.

Ngọc Liên

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều