Báo Đồng Nai điện tử
En

Hẩm hiu môn Lịch sử

11:03, 24/03/2014

Nhằm giảm tải áp lực thi cử theo xu hướng đổi mới nền giáo dục, từng bước hiện đại và "dễ thở" hơn cho học sinh cuối cấp THPT, Bộ GD-ĐT vừa công bố quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2014.

Nhằm giảm tải áp lực thi cử theo xu hướng đổi mới nền giáo dục, từng bước hiện đại và “dễ thở” hơn cho học sinh cuối cấp THPT, Bộ GD-ĐT vừa công bố quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2014. Theo đó, trong 4 môn phải thi, ngoài 2 môn bắt buộc thì học sinh được chọn lựa 2 môn còn lại theo học lực của bản thân. Từ quy chế mới này đã phát sinh một vấn đề dư luận quan tâm, đó là môn Lịch sử rất ít thí sinh đăng ký thi.

Tôi thường xuyên theo dõi những vấn đề liên quan đến giáo dục trên các phương tiện thông tin đại chúng. Qua đó tôi nhận thấy, rõ ràng môn Lịch sử đang đứng trước nguy cơ bị học sinh… đào thải. Theo Sở GD-ĐT, kết quả thăm dò học sinh chọn môn thi tốt nghiệp của Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Nhơn Trạch) chỉ duy nhất 1 em chọn môn Lịch sử. Với tỷ lệ quá ít học sinh chọn môn Lịch sử để thi, không chỉ các thầy, cô giáo mà kể cả nhà sử học, nhà văn hóa không khỏi đau đầu. Chắc hẳn không ít người tự hỏi, vì sao học sinh lại quay lưng với môn học này? Nói theo lời Phó giáo sư Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh, quận Thanh Xuân (TP.Hà Nội): Môn Lịch sử vừa bị “phang” một đòn chí mạng.

Cho đến nay, khi đã trưởng thành nhưng tôi không bao giờ quên lời Bác Hồ đã dạy: “Dân ta phải biết sử ta. Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Thật vậy, lịch sử hàng ngàn năm dựng và giữ nước của dân tộc ta thấm đẫm nước mắt và máu của hàng triệu người yêu nước qua các thời kỳ, từ những vương triều phong kiến tới thời đại Hồ Chí Minh. Thế nhưng đáng buồn thay, lớp trẻ bây giờ dường như ít người chẳng nhớ gì về các giai đoạn mà ông cha ta đã hiên ngang đuổi giặc ngoại xâm ra khỏi biên cương Tổ quốc. Sự thờ ơ của học sinh với môn học Lịch sử nói lên điều gì? Trả lời câu hỏi này, một người bạn dạy Sử đã chia sẻ: Thực tế, giáo án môn học hầu như bị “đóng khung”. Trong dữ liệu đã được định hướng sẵn, giáo viên không được nói thêm những điều gì vượt quá chương trình.

Thiết nghĩ, nếu không cải tiến cách dạy và học môn Lịch sử thì chắc chắn không thể nào hấp dẫn, lôi cuốn học sinh tìm tòi, học hỏi về cội nguồn của dân tộc. Và như thế, số phận của môn học này sẽ tiếp tục bị hẩm hiu.

Bùi Trường Trí (TP.Biên Hòa)

Tin xem nhiều