Báo Đồng Nai điện tử
En

Vì sao chợ 142 không hoạt động?

04:02, 08/02/2014

Nằm sát quốc lộ 20, chợ 142 (xã Phú An, huyện Tân Phú) xây đã lâu thì bỏ không. Trong khi đó, các phiên chợ chiều lại diễn ra trên lề đường gần chợ này.

 

Nằm sát quốc lộ 20, chợ 142 (xã Phú An, huyện Tân Phú) xây đã lâu thì bỏ không. Trong khi đó, các phiên chợ chiều lại diễn ra trên lề đường gần chợ này.

Hàng ngày, từ 3 giờ chiều đến 7 giờ tối là cảnh buôn bán tấp nập ngay lề đường thuộc ấp 7, xã Phú An khiến cho việc lưu thông của các phương tiện bị ảnh hưởng. Trước Tết Giáp Ngọ, chợ tạm vẫn hoạt động khiến nhiều người đi mua sắm tết dù bất an về vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng buộc lòng phải chấp nhận vì không có sự lựa chọn khác.

* Lãng phí chợ bỏ không

Chúng tôi có mặt tại chợ 142 vào một ngày đầu năm 2014. Điều khiến chúng tôi không khỏi “sốc” là ngôi chợ xây dựng gần như hoàn chỉnh lại chẳng có một bóng người. “Chợ bỏ không rất lãng phí! Chúng tôi đã kiến nghị chính quyền địa phương rất nhiều lần về ngôi chợ này nhưng vẫn chẳng có chuyển biến gì”. Một người dân ngụ gần chợ 142 mà chúng tôi gặp đã thốt lên như vậy.

Chợ 142 chưa được đưa vào hoạt động. Ảnh: N.Liên
Chợ 142 chưa được đưa vào hoạt động. Ảnh: N.Liên

Trong khi đó, tại một đoạn lề đường gần chợ 142, dù chưa đến giờ họp chợ nhưng mùi hôi tanh từ phiên chợ hôm trước vẫn còn bốc lên; rác rưởi, đầu, ruột cá vứt bừa bãi. Điều tệ hại hơn là các quầy hàng tại chợ tạm này được dựng rất sơ sài, mặt sàn được ghép bằng những tấm gỗ mỏng gần sát mặt đất, mái che cao chưa đầy 2m. Nhìn chung, cảnh chợ chiều rất nhếch nhác. Anh Ngô Tân, một người ở gần chợ tạm, cho biết người dân cư ngụ quanh đây nhiều năm qua luôn phải chịu đựng mùi hôi thối từ các hàng cá bốc lên. Ngoài ra, nước thải của các quầy hàng ăn, hàng rau đổ ngay tại chỗ không chảy được, lâu ngày rất ô nhiễm. Bên cạnh đó, tình trạng tranh giành chỗ bán, lấn chiếm lòng lề đường thường xuyên diễn ra.

Một số tiểu thương mà chúng tôi đã gặp đều mong muốn sớm được vào chợ mới để buôn bán ổn định. Thế nhưng, hơn 4 năm nay, sự chờ đợi của tiểu thương vẫn chỉ là niềm ước, chẳng biết bao giờ mới thành hiện thực. Chị L.T.M., người bán quần áo tại khu chợ tạm này lâu năm tâm sự, hàng ngày chị phải làm ăn trong cảnh ô nhiễm, tạm bợ nên không yên tâm. Đặc biệt là về sự an toàn cho hàng hóa, tài sản của người bán khi để trong chợ tạm. 

* Bao giờ chợ hoạt động?

Dự án chợ 142 được triển khai từ năm 2009 do Công ty TNHH thương mại và dịch vụ 142 (gọi tắt là Công ty 142) là chủ đầu tư. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng chợ thì nội bộ Công ty 142 xảy ra tranh chấp về con dấu khiến việc xây dựng bị ngừng trệ.

Nhận định về những vấn đề liên quan đến chợ 142, Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Ngô Sỹ Bảng cho biết chợ này đã hoàn thành được một số hạng mục cơ bản, hiện còn thiếu hệ thống phòng cháy, chữa cháy, đèn chiếu sáng và các công trình phụ. Để sớm khắc phục tình trạng buôn bán mất an toàn kéo dài, nhất là vệ sinh thực phẩm, UBND huyện đã nhiều lần mời bà Nguyễn Thị Loan Anh và bà Nguyễn Thị Liên lên làm việc, chủ yếu là hòa giải nhưng không thành. Theo ông Bảng, trong thời gian tới cơ quan chức năng sẽ có những biện pháp xử lý kiên quyết hơn để chợ 142 sớm đi vào hoạt động.

Theo kết quả điều tra của Công an tỉnh, Công ty 142 được thành lập từ năm 2006 do bà Nguyễn Thị Loan Anh và Nguyễn Thị Liên cùng góp vốn. Người đại diện pháp luật là bà Loan Anh với chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc. Lạ ở chỗ, con dấu và các giấy tờ liên quan đến công ty lại do bà Nguyễn Thị Thìn, cán bộ Phòng Nông nghiệp  - phát triển nông thôn huyện Tân Phú (do bà Liên ủy quyền) nắm giữ nên mọi hoạt động của doanh nghiệp thường xuyên bị trục trặc. Thực tế, việc ủy quyền của bà Liên chưa hợp pháp nên việc bà Thìn giữ con dấu và các giấy tờ của công ty là trái pháp luật. Chính vì vậy, UBND huyện Tân Phú đã nhiều lần vận động bà Thìn nộp lại con dấu nhưng không thành.

Chợ tạm nhếch nhác ngay sát quốc lộ 20.
Chợ tạm nhếch nhác ngay sát quốc lộ 20.

Trước cảnh chợ xây khang trang không hoạt động, trong khi chợ tạm vẫn diễn ra nên UBND tỉnh đã ra nhiều văn bản chỉ đạo UBND huyện Tân Phú và các ngành có liên quan nhanh chóng giải quyết vấn đề tranh chấp trong Công ty 142, song đến nay vấn đề liên quan đến con dấu vẫn đang trong vòng… luẩn quẩn. Như vậy, người gánh chịu hậu quả từ chuyện không đáng có vẫn là những tiểu thương chưa có nơi buôn bán ổn định. Bên cạnh đó, một khi chợ tạm tồn tại thì tình trạng lấn chiếm lòng lề đường vẫn tiếp diễn, gây nguy hiểm cho tiểu thương cũng như người tham gia giao thông.

Ngọc Liên    

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích