Khi mọi người đang vui vẻ sum họp bên gia đình trong những ngày tết thì có những người tranh thủ lao động mưu sinh. Với họ, tết đến cũng là cơ hội kiếm tiền khá nhất trong năm.
Khi mọi người đang vui vẻ sum họp bên gia đình trong những ngày tết thì có những người tranh thủ lao động mưu sinh. Với họ, tết đến cũng là cơ hội kiếm tiền khá nhất trong năm.
Họ là những người buôn bán nhỏ lẻ, như: vé số, đồ chơi trẻ em, làm thuê… Dù vất vả, nhưng thu nhập trong những ngày tết phần nào bù đắp sự thiệt thòi khi phải làm việc trong lúc mọi người vui xuân.
* Đón Tết… trên đường
Nhiều năm nay, anh Trần Văn Tuấn, ngụ xã Gia Kiệm (huyện Thống Nhất) đều bắt đầu một năm làm việc của mình ngay từ sáng mùng 1 tết. Với chiếc xe máy chất đầy đồ chơi trẻ em, anh Tuấn rong ruổi đi khắp nơi để bán. Theo anh Tuấn, dịp tết hàng bán được nhất nên anh phải tranh thủ ra đi từ tờ mờ sáng đến khuya mới về. Ngày thường trong năm, anh Tuấn bán cao lắm chỉ được khoảng 200 ngàn đồng/ngày, nhưng dịp tết có khi kiếm được hàng triệu đồng. Anh Tuấn tâm sự, năm nào cũng đón tết trên đường, thấy nhà nhà vui tết bản thân anh cũng buồn. Nhưng nếu vì vui chơi mà nghỉ thì tiếc, đành hy sinh, chịu cực để tăng thu nhập.
Một điểm bán cá tại xã Phú Ngọc (huyện Định Quán) ngày mùng 3 tết. |
Nếu có dịp đi trên quốc lộ 20, đoạn qua 2 xã La Ngà và Phú Ngọc (huyện Định Quán), nhiều người sẽ không khỏi bị thu hút bởi những điểm bán cá bên đường. Vào dịp tết, những người đi xa muốn có được những con cá tươi ngon từ miền quê về làm quà cho người thân nên không ngần ngại mua, dù giá có cao hơn thời điểm trước. Có lẽ vì nhu cầu thực tế nên đã hình thành những điểm bán cá trên hành lang quốc lộ 20 ngay trong ngày tết. Một chủ hàng gần cầu La Ngà cho biết mỗi ngày bán được hàng trăm ký cá, không ít người mua một lần cả chục ký. Sở dĩ khách thích mua cá còn đang vùng vẫy trong chậu về làm quà biếu vì cá ở đây tươi ngon và giá rẻ hơn trên thành phố nên được mọi người ưa chuộng.
* Vất vả mưu sinh
Với những người làm thuê, giá ngày công vào thời điểm tết thường gấp đôi, gấp ba ngày thường nên nhiều người tạm gác thú vui xuân để tranh thủ phụ bán quán, làm rẫy... Bà Trần Thị Thu, ngụ xã Túc Trưng (huyện Định Quán), người chuyên đi làm thuê, thổ lộ giá tiền công trong 3 ngày tết tăng từ 150 ngàn đồng/ngày lên 300 ngàn đồng/ngày. Do thu nhập cao nên năm nào gia đình bà Thu đều có từ 2-3 người nhận làm mướn vào dịp này, tối mới về đi chúc tết bà con chòm xóm, họ hàng.
Nhà có tới 6 con nhỏ nên tết nào hai mẹ con chị Nguyễn Ngọc Thương ở phường Bửu Hòa (TP.Biên Hòa) cũng chia nhau đi khắp các nẻo đường trong thành phố để bán vé số. “Tết tôi rất muốn ở nhà quây quần bên người thân, hoặc đi chúc tết họ hàng. Nhưng thời điểm này vé số bán được gấp đôi ngày thường nên nghỉ thì tiếc lắm. Vì vậy, tôi ráng chịu cực để kiếm thêm tiền lo cho con cái” - chị Thương chia sẻ. |
Cũng giống như nhiều trường hợp mưu sinh trong dịp tết, anh Phạm Nguyên An, nhà ở KP.2, phường Tân Biên (TP.Biên Hòa) 3 năm nay không có thời gian nghỉ cũng như đón giao thừa cùng gia đình. Là Đội trưởng Đội bảo vệ của Công ty TNHH Hoàng Thiện, nên khi tết đến anh An đành gác việc nhà để túc trực tại chùa Ông (xã Hiệp Hòa). Việc của anh An là hướng dẫn khách đến tham quan và viếng chùa với tiền lương ngày tết cao gấp 2-3 lần lúc thường. Những ngày đầu năm, anh An gửi con cho bà nội dẫn đi chúc tuổi họ hàng nhằm tập các cháu ý thức được ý nghĩa của tết truyền thống. Còn bản thân dù có cực nhọc, song anh An vẫn bằng lòng với công việc đang làm để lo cho gia đình...
Gánh nặng mưu sinh luôn đè lên đôi vai của những người nghèo, buộc họ phải gác lại niềm vui đón tết. Nhưng bù lại, bằng những giọt mồ hôi của mình, họ có thêm khoản tiền để trang trải cho cuộc sống vốn còn không ít khó khăn.
Ngọc Liên - Kim Liễu