Báo Đồng Nai điện tử
En

Đừng xúc phạm người khuyết tật

10:02, 06/02/2014

Không hiểu vì lý do gì mà thời gian gần đây, một số hài kịch trên các kênh truyền hình thường lấy người khuyết tật ra làm trò cười. Hình ảnh của người bị khoèo tay chân, đi khập khiễng, nói ngọng, mắt lé, lưng gù… không còn là cá biệt trong những vở kịch và phim truyền hình lâu nay.

Không hiểu vì lý do gì mà thời gian gần đây, một số hài kịch trên các kênh truyền hình thường lấy người khuyết tật ra làm trò cười. Hình ảnh của người bị khoèo tay chân, đi khập khiễng, nói ngọng, mắt lé, lưng gù… không còn là cá biệt trong những vở kịch và phim truyền hình lâu nay. Thực tế, mỗi lần thấy hình ảnh dị tật, dị hình của những số phận này, tôi chợt nghĩ không lẽ các nhà dựng kịch không còn nhân vật khác để thay thế cho người khuyết tật?

Đại diện Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.Hồ Chí Minh trao học bổng thạc sĩ kỹ năng lãnh đạo điếc thế giới trị giá 117 ngàn USD cho Nguyễn Trần Thủy Tiên (29 tuổi, cựu sinh viên ngành cao đẳng tiểu học, Trường đại học Đồng Nai). Ảnh: Hạnh Dung
Đại diện Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.Hồ Chí Minh trao học bổng thạc sĩ kỹ năng lãnh đạo điếc thế giới trị giá 117 ngàn USD cho Nguyễn Trần Thủy Tiên (29 tuổi, cựu sinh viên ngành cao đẳng tiểu học, Trường đại học Đồng Nai). Ảnh: Hạnh Dung

Không chỉ riêng tôi, một số người quen cũng đều nhận định, người khuyết tật không có lỗi gì. Do đó, đưa hình ảnh “xấu xí” của họ để giễu cợt, làm trò cười cho thiên hạ thì quá độc ác. Bởi khi cơ thể của một con người không được đầy đủ, trọn vẹn như bao người khác thì người khuyết tật đã bị thiệt thòi trong cuộc sống đời thường; thậm chí bị chê cười, khinh khi và xa lánh. Chính vì vậy, lấy “mẫu” người khuyết tật để mua vui, kiếm tiền chẳng khác gì hành vi vô cảm. Thử hỏi, nếu người nhà của chúng ta bị khuyết tật mà “được” đưa lên phim, kịch thì tâm lý những người trong gia đình sẽ ra sao, chắc chắn là rất sốc.  

Đẹp đẽ biết bao hình ảnh một em bé cõng bạn bị liệt chân đến trường; một thiếu niên hai tay không phát triển nhưng vẫn nỗ lực học hỏi để viết chữ bằng chân… Tôi nghĩ rằng, trong xã hội có không ít những người lành lặn nhưng lại lười lao động, ăn bám trên thân xác kẻ khác. Trường hợp đó mới đáng phải lên án. Thực ra, từ cổ chí kim ai cũng yêu cái đẹp, song đối với những hình hài bị khiếm khuyết lại càng cần sự yêu thương của cộng đồng. Theo tôi, hình ảnh của những người khuyết tật kém may mắn đó lẽ ra phải được đề cao như tấm gương vượt khó, dũng cảm để bản thân họ gắng vượt lên số phận vươn lên làm người hữu ích, đóng góp cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Như thế, khi “ngắm” những nhân vật trên truyền hình có hoàn cảnh  giống mình, những người khuyết tật sẽ giảm được sự tự ti, mặc cảm, điều rất cần thiết giúp họ có nghị lực để hòa nhập cộng đồng một cách hạnh phúc.

Đinh Thị Minh Thơm (TP.Vũng Tàu)

 

 

Tin xem nhiều