Báo Đồng Nai điện tử
En

Xã Tam An (huyện Long Thành): Hàng ngàn lao động thất nghiệp

11:01, 05/01/2014

Hơn 2 năm qua, nhiều lao động trẻ có hộ khẩu ở xã Tam An (huyện Long Thành) không xin được việc làm tại các doanh nghiệp trên địa bàn xã.

Anh Hồ Văn Lộc Ham đang phụ việc sửa xe máy cho người quen.
Anh Hồ Văn Lộc Ham đang phụ việc sửa xe máy cho người quen.

Hơn 2 năm qua, nhiều lao động trẻ có hộ khẩu ở xã Tam An (huyện Long Thành) không xin được việc làm tại các doanh nghiệp trên địa bàn xã.

Xã Tam An có khoảng 10 ngàn dân, trong đó 50% đang trong độ tuổi lao động. Trước đây, cuộc sống người dân Tam An chủ yếu dựa vào đồng ruộng. Những năm gần đây, do đất đai vướng quy hoạch nên việc đầu tư, cải tạo ruộng đồng ít được nông dân quan tâm.

* “Con sâu làm ru nồi canh”

Đất nông nghiệp giảm, nhiều người quay sang tìm việc làm tại những công ty trong các khu công nghiệp (KCN). Tuy nhiên, chỉ có số ít lao động may mắn tìm được việc làm ổn định, còn lại phải đến các doanh nghiệp ngoài xã làm việc.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là vào năm 2003, KCN Long Thành tại xã Tam An đi vào hoạt động, tạo điều kiện cho người dân trong xã có việc làm ổn định. Thế nhưng, sau đó lao động địa phương bị… tẩy chay. Những doanh nghiệp không nhận người xã Tam An vào làm việc lấy lý do là cách nay hơn 2 năm, xảy ra tình trạng công nhân là người địa phương làm việc tại các công ty đã không chấp hành nội quy. Một số trường hợp còn gây rối ở nơi làm việc, làm ảnh hưởng đến dây chuyền sản xuất. Mặc dù số người này đã bị xử lý theo pháp luật, nhưng từ đó đến nay các công ty đều không tuyển dụng công nhân là người địa phương, trừ số ít trường hợp được bảo lãnh, hoặc có sự quen biết.

Ông Ngô Thế Ân, Phó chủ tịch UBND huyện Long Thành, cho biết vừa qua lãnh đạo huyện đã có cuộc họp với các ban, ngành, địa phương để bàn về giải pháp thích hợp hỗ trợ người dân sớm tìm được việc làm. Qua đó xác định, trước tiên phải tăng cường tuyên truyền giáo dục nhằm nâng cao nhận thức pháp luật cho thanh niên trên toàn huyện. Đồng thời đề nghị Ban Quản lý các KCN và doanh nghiệp tạo điều kiện cho người lao động địa phương có việc làm ổn định.

Xuất ngũ từ tháng 8-2013, nhưng đến nay anh Hồ Văn Lộc Ham, ngụ tại ấp 3, xã Tam An vẫn chưa tìm được việc làm ổn định. Ngay khi xuất ngũ, anh đã nộp đơn vào 2 công ty tại KCN Long Thành, thế nhưng cho đến nay chẳng nhận được phản hồi. Hiện tại anh Ham đang phụ việc sửa xe máy cho người bà con nhưng thu nhập không cao. Không chỉ những người trình độ thấp mà ngay cả một số người đã tốt nghiệp đại học vẫn không được nhận vào công ty. Đó là trường hợp anh Võ Nhật Tiến, học xong ngành kế toán tài chính Trường đại học Lạc Hồng đã 3 năm nay vẫn đang thất nghiệp.

* Mong có việc làm ổn định

Ông Đặng Hoàng Hải, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự xã Tam An, trăn trở: “Toàn xã có gần 200 bộ đội xuất ngũ chưa tìm được việc làm. Nhiều người trước khi đi bộ đội đã từng làm công nhân tại công ty trong KCN nhưng phải nghỉ để hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Đến khi xuất ngũ quay về xin vào làm lại thì bị từ chối. Theo quy định, bộ đội xuất ngũ được ưu tiên tạo cơ hội việc làm, thế nhưng số người được vào làm việc tại các doanh nghiệp rất ít. Chúng tôi rất mong các cấp, các ngành sớm có biện pháp can thiệp để bộ đội xuất ngũ cũng như người dân xã Tam An tìm được việc làm trong KCN nhằm ổn định cuộc sống”.

Chia sẻ về những bức xúc của người dân, Chủ tịch UBND xã Tam An Võ Văn Luật cho biết có rất nhiều người làm hồ sơ xin việc và gặp trực tiếp ông nhờ giới thiệu. Đáng tiếc là giấy giới thiệu của xã cũng không giúp được người lao động. Khi người dân đến nộp hồ sơ, các doanh nghiệp vẫn nhận nhưng không gọi phỏng vấn, hoặc yêu cầu phải có người đang làm trong công ty đó bảo lãnh. Theo ông Luật, chính quyền địa phương đã báo cáo lên UBND huyện đề nghị tác động đến các công ty nhằm hỗ trợ người lao động địa phương có cơ hội làm việc gần nhà.

 Ngọc Liên

 

 

Tin xem nhiều