Mặc dù cơ quan chức năng đã áp dụng nhiều giải pháp xử lý, nhưng tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH) trong năm qua vẫn không giảm …
Mặc dù cơ quan chức năng đã áp dụng nhiều giải pháp xử lý, nhưng tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH) trong năm qua vẫn không giảm …
Nguyên nhân được xác định là do chưa có một chế tài đủ mạnh để xử lý hiệu quả các đơn vị nợ BHXH, góp phần bảo vệ quyền lợi cho người lao động.
* Nhận diện những “đại gia” nợ
Bên cạnh những đơn vị rơi vào tình trạng nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) kéo dài do tình trạng kinh tế khó khăn thì còn khá nhiều đơn vị cố tình chiếm dụng quỹ BHXH. Đứng đầu danh sách nợ thuộc diện dài hạn (trên 6 tháng) là Công ty TNHH Hanul Line Việt Nam
Người lao động liên hệ làm hồ sơ giải quyết chế độ tại Bảo hiểm xã hội tỉnh. |
(TX.Long Khánh) với số nợ có thời điểm lên đến cả chục tỷ đồng. Kế đến là hai Công ty Lilama 454 và Lilama 451 (Khu công nghiệp Nhơn Trạch) với số nợ lúc nào cũng vượt mức 6 tỷ đồng.
Đáng nói là tình trạng không chịu trả nợ của các đơn vị này đã đến mức báo động, với tổng số tiền lên đến khoảng 400 tỷ đồng. Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã áp dụng nhiều hình thức đòi nợ, từ nhắc nhở động viên đến xử phạt hành chính; thậm chí kiện ra tòa nhưng xem ra chẳng ăn thua gì. Trong năm 2013, BHXH tỉnh đã khởi kiện 49 đơn vị nợ với số tiền 40,5 tỷ đồng nhưng chỉ thu hồi được 10 tỷ đồng.
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Cẩm, Trưởng phòng thu BHXH tỉnh, một trong những trở ngại đối với việc thu nợ BHXH là công tác khởi kiện ra tòa án mất nhiều thời gian và khó giải quyết dứt điểm. Bởi trong thời gian chờ tòa giải quyết, số nợ của đơn vị lại tăng thêm theo từng kỳ. Phần nợ phát sinh đó thường bị các đơn vị “phớt lờ”. Do vậy, số nợ trong bản án tòa tuyên buộc đơn vị phải trả luôn thấp hơn số nợ thực tế. Muốn đòi tiếp khoản này thì buộc cơ quan BHXH phải tiếp tục… khởi kiện. Đã có trường hợp, khi BHXH kiện ra tòa thì doanh nghiệp tuyên bố phá sản, mất khả năng chi trả. Ðó là chưa nói đến nhiều trường hợp khi đã có quyết định của tòa án nhưng doanh nghiệp cố tình làm ngơ không trả, khiến công tác thu hồi nợ gặp nhiều khó khăn.
* Thiếu “toa thuốc” đặc trị?
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ đọng BHXH được các cơ quan chức năng xác định là do các chế tài xử lý hành vi này chưa đủ mạnh. Từ đó dẫn đến chỗ không đủ sức răn đe, nhất là đối với các đơn vị nợ dài hạn. Để giải quyết tình trạng này, theo Phó giám đốc BHXH tỉnh Phạm Minh Thành, nếu không có một “toa thuốc” đặc trị thì căn bệnh nợ kéo dài của một số doanh nghiệp sẽ rất khó dứt.
Năm 2013, tổng nợ BHXH trong tỉnh khoảng 400 tỷ đồng, trong đó ngân sách nợ BHXH và bảo hiểm thất nghiệp là 174,5 tỷ đồng. Hiện có 166 đơn vị nợ từ 6 tháng trở lên với tổng số tiền khoảng 60 tỷ đồng. Đây là khoản nợ được xếp vào danh sách khó đòi. Tình trạng nợ BHXH kéo dài khiến quyền lợi của hàng ngàn lao động bị ảnh hưởng. Bởi nếu đơn vị không đóng BHXH thì người lao động sẽ không được hưởng các chế độ, chính sách liên quan trong thời gian làm việc, như: ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp... Đặc biệt, khi nghỉ việc thì người lao động sẽ không được hưởng trợ cấp thất nghiệp, thậm chí sẽ mất cả thời gian tham gia BHXH trước đó... |
Theo quy định hiện hành, đơn vị vi phạm chỉ bị áp dụng mức phạt tối đa 75 triệu đồng đối với hành vi chậm đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp. Mức phạt này chẳng thấm vào đâu so với các “con nợ” tiền tỷ. Chính vì vậy, “toa thuốc” mà lãnh đạo BHXH tỉnh đề xuất là tăng mức xử phạt lên nhiều lần. Đồng thời, Nhà nước nên xây dựng khung xử phạt từ thấp đến cao, không nên giới hạn số tiền phạt. Mặt khác, nợ quá hạn BHXH nên tính bằng với lãi xuất ngân hàng tại thời điểm công bố xử lý vi phạm.
Bên cạnh đó, quy trình xử lý vi phạm được áp dụng hiện nay (theo Nghị định 95/2013/NĐ-CP) rất mất thời gian. Cụ thể, để xử phạt đơn vị nợ dây dưa thì cơ quan BHXH phải có văn bản đề nghị ngành lao động và UBND các cấp can thiệp. Sau đó chờ những nơi này ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Đây chính là những bất cập, nếu để tồn tại mãi thì việc xử lý các doanh nghiệp nợ BHXH sẽ còn vướng vào các thủ tục phiền phức. Trước tình hình này, ông Thành cho rằng nhất thiết phải thành lập đội thanh tra chuyên ngành BHXH để xử lý kịp thời các hành vi vi phạm Luật BHXH. Một khi có lực lượng chuyên trách thì các đơn vị sử dụng lao động mới không xem nợ BHXH là một khoản nợ dễ dãi nữa.
Kim Liễu