Báo Đồng Nai điện tử
En

Mệt mỏi chờ di dời

10:12, 08/12/2013

Theo kế hoạch, 43 hộ dân ở ấp 3, xã Phước Khánh (huyện Nhơn Trạch) phải di dời đi nơi khác từ 6 năm trước. Nhưng đến nay, số hộ này vẫn phải sống chung với ô nhiễm…

Theo kế hoạch, 43 hộ dân ở ấp 3, xã Phước Khánh (huyện Nhơn Trạch) phải di dời đi nơi khác từ 6 năm trước. Nhưng đến nay, số hộ này vẫn phải sống chung với ô nhiễm…

Năm 2007, nhà máy của Công ty xi măng Lafarge và Trạm nghiền xi măng Công Thanh đi vào hoạt động thì cuộc sống của người dân ở gần khu vực này bị ảnh hưởng. Hàng ngày, bụi từ nhà máy bay mù trời, lan tỏa khắp nhà dân.

* Khổ vì ô nhiễm

Trong khi đó, ấp 3, xã Phước Khánh lại nằm trong dự án xây dựng Khu công nghiệp Ông Kèo do Tổng công ty Tín Nghĩa làm chủ đầu tư. Chính vì vậy, dù rất muốn dọn đi nơi khác nhưng vì nhà, đất nằm trong quy hoạch nên các gia đình ở đây lâm vào tình cảnh dở cười, dở khóc.

Trạm nghiền xi măng Công Thanh lúc không hoạt động.
Trạm nghiền xi măng Công Thanh lúc không hoạt động.

Ông Tô Văn Mười, nhà cách Trạm nghiền xi măng Công Thanh khoảng 50m, cho biết khổ nhất là mỗi lần nhà máy vận chuyển nguyên liệu từ cầu cảng vào kho chứa. Những lúc đó nếu vào thời điểm ăn cơm thì phải dẹp ngay vì bụi mù mịt. Cùng bức xúc như ông Mười, bà Hồ Thị Nhung than: “Ngày nào tôi cũng phải quét và hốt cả ký bụi. Mỗi lần muốn phơi quần áo thì phải canh lúc nào các nhà máy không hoạt động thì mới đem đi phơi, nếu không quần áo sẽ đổi màu ngay”.

Nhận định về cuộc sống người dân trong khu vực bị ô nhiễm bụi, ông Nguyễn Hữu Nam, trưởng ấp 3, nói: “Tình trạng “sống chung với bụi” kéo dài đã 6 năm qua. Hầu hết các hộ dân nằm trong bán kính 200m của khu vực nhà máy đều bị ảnh hưởng. Mừng nhất là những lúc hai nhà máy không hoạt động, người dân mới hít thở được không khí trong lành. Đáng kể là người già và trẻ em hầu hết mắc bệnh về đường hô hấp. Chúng tôi chỉ muốn sớm nhận được tiền bồi thường để di dời ra khỏi khu vực này”. Theo ông Nam, việc kiểm kê tài sản trên diện tích dự án Khu công nghiệp Ông Kèo đã thực hiện xong từ nhiều năm trước, nhưng không hiểu vì sao đến nay vẫn chưa đền bù cho dân.

* Còn kéo dài bao lâu?

Do không chịu nổi tình trạng ô nhiễm nên lần nào tiếp xúc với các đại biểu dân cử, cử tri ấp 3, xã Phước Khánh đều đề nghị sớm được di dời đi nơi khác.

Nhất trí với giải trình của lãnh đạo Sở Tài nguyên - môi trường, ông Cao Văn Tư, đại biểu HĐND huyện Nhơn Trạch, kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng sớm giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường tại ấp 3, xã Phước Khánh. Mặt khác, ông Tư đề nghị Tổng công ty Tín Nghĩa sớm giải quyết bồi thường tiền thu hồi đất cho dân. Nếu tổng công ty không chủ động được nguồn kinh phí đền bù thì giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất huyện ứng trước tiền cho dân di dời khỏi khu vực ô nhiễm để họ ổn định cuộc sống.

Mới đây, tại kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa VIII, giải trình chất vấn của đại biểu HĐND huyện Nhơn Trạch về công tác xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường do nhà máy của Công ty xi măng Lafarge  và Trạm nghiền xi măng Công Thanh gây ra, Giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Lê Viết Hưng nhấn mạnh: “Sở đã nhiều lần kiểm tra, xử phạt và yêu cầu 2 công ty này khắc phục ô nhiễm. Riêng từ đầu năm 2013 đến nay, chúng tôi đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức 4 lần đo kiểm tra chất lượng môi trường không khí trong khu vực sản xuất của nhà máy này để tiếp tục giám sát quá trình khắc phục ô nhiễm đối với doanh nghiệp. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng chưa thể khống chế toàn bộ lượng bụi phát tán ra xung quanh, là do hai nhà máy trên chưa thực hiện tốt các điều kiện đảm bảo môi trường. Ngoài ra, nồng độ bụi lơ lửng trong môi trường lao động của ngành xi măng cao hơn 666 lần so với giá trị cho phép nồng độ bụi trong khu dân cư. Do vậy, dù hai nhà máy trên có xử lý bụi phát sinh đạt quy chuẩn thông thường thì vẫn ảnh hưởng đến môi trường xung quanh”.

Kim Liễu

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều