Cho rằng cá nhân bị Cục Thi hành án dân sự (dưới đây gọi tắt là Thi hành án) tỉnh xử lý kỷ luật thiếu cơ sở pháp lý, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án huyện Trảng Bom Võ Hoàng đã làm đơn khiếu nại đến Tổng cục Thi hành án (Bộ Tư pháp) đề nghị làm rõ.
Cho rằng cá nhân bị Cục Thi hành án dân sự (dưới đây gọi tắt là Thi hành án) tỉnh xử lý kỷ luật thiếu cơ sở pháp lý, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án huyện Trảng Bom Võ Hoàng đã làm đơn khiếu nại đến Tổng cục Thi hành án (Bộ Tư pháp) đề nghị làm rõ.
Trụ sở Chi cục Thi hành án huyện Trảng Bom. |
Trong đơn, ông Hoàng cho rằng Cục Thi hành án tỉnh dựa vào những vi phạm chưa cụ thể của cá nhân chi cục trưởng; hoặc chỉ căn cứ vào những công văn của Huyện ủy Trảng Bom gửi lãnh đạo Cục đề nghị thay chi cục trưởng… để xử lý kỷ luật ông là những nguyên nhân chưa thuyết phục.
* Nhiều sai phạm…
Để làm sáng tỏ những vấn đề liên quan đến cá nhân ông Võ Hoàng, Tổng cục Thi hành án đã thành lập đoàn kiểm tra, tiến hành xác minh cụ thể. Qua đó phát hiện hàng loạt sai phạm tại Chi cục Thi hành án huyện Trảng Bom.
Cụ thể: Ngày 1-12-2009, Chi cục Thi hành án TP.Hồ Chí Minh ủy thác cho Chi cục Thi hành án huyện Trảng Bom thi hành bản án dân sự đối với lô hàng lúa mì trong kho hàng của Công ty TNHH Thái Nguyên 1, tại xã Tây Hòa, huyện Trảng Bom. Số tiền bán lô hàng này phải được chuyển vào tài khoản độc lập tại ngân hàng để đảm bảo quyền lợi cho các đương sự liên quan. Trong quá trình tổ chức thi hành án, dù không ghi mức phí dịch vụ đối với hợp đồng thẩm định giá với Công ty TNHH một thành viên E XIM, nhưng Chi cục Thi hành án huyện Trảng Bom đã chi 66 triệu đồng trả tiền dịch vụ thẩm định giá và không lưu chứng từ trong hồ sơ.
Tiếp đến, Chi cục Thi hành án huyện Trảng Bom đề nghị Tổng công ty thương mại Sài Gòn SATRA, đơn vị liên quan đến bản án tạm ứng 66 triệu đồng. Đây là việc làm sai nguyên tắc, quy định tại khoản 4, Điều 73 Luật Thi hành án dân sự về chi phí cưỡng chế thi hành án. Tháng 10-2010, sau khi bán lô hàng lúa mì với tổng số tiền trên 14 tỷ đồng, chi cục đã gửi tiết kiệm số tiền hơn 15 tỷ đồng, chênh lệch gần 100 triệu đồng so với khoản tiền bán hàng. Trong khi đó, theo Quyết định của Tòa án nhân dân quân 1, TP.Hồ Chí Minh thì số tiền bán lô hàng phải gửi vào tài khoản độc lập của ngân hàng để đảm bảo thi hành án.
Tháng 2-2011, Chi cục Thi hành án huyện Trảng Bom lập phiếu chi số 196 để chi cho Công ty TNHH Thái Nguyên 701 triệu đồng. Lý do chi là trả lại tiền thuế giá trị gia tăng cho Tổng công ty thương mại Sài Gòn SATRA, trái với hợp đồng ủy quyền bán đấu giá tài sản. Cũng trong tháng này, Chi cục Thi hành án huyện Trảng Bom lập phiếu chi số 198 chi cho ông Trần Việt Thắng, đại diện Tổng công ty thương mại Sài Gòn SATRA số tiền 200 triệu đồng sai nguyên tắc. Trong khi đó, dù Tổng công ty thương mại Sài Gòn SATRA không phải là đơn vị được thi hành án nên không phải chịu phí thi hành án nhưng Chi cục Thi hành án huyện Trảng Bom vẫn ra quyết định thu phí và lập biên lai thu của doanh nghiệp này 200 triệu đồng.
Ngoài những vi phạm trên, Chi cục Thi hành án huyện Trảng Bom còn tùy tiện chi nhiều khoản tiền sai khác.
* Chi cục trưởng năng lực hạn chế?
Trong đơn khiếu nại, ông Võ Hoàng cho rằng Hội đồng Kỷ luật công chức của Cục Thi hánh án tỉnh dựa vào những văn bản của Huyện ủy Trảng Bom đề nghị bố trí nhân sự khác thay thế ông Hoàng như là một tình tiết tăng nặng hình thức kỷ luật.
“Tôi thừa nhận bản thân có sai sót vì chưa nghiên cứu kỹ Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành, từ đó dẫn đến nhận thức chưa đầy đủ và áp dụng sai. Tôi đề nghị Tổng cục Thi hành án, Cục Thi hành án tỉnh xem xét vấn đề xử lý đối với những vi phạm của cá nhân và giảm nhẹ hình thức kỷ luật cho tôi…” (trích ý kiến của ông Võ Hoàng tại buổi làm việc với Đoàn kiểm tra Tổng cục Thi hành án). |
Thực tế, quá trình đoàn kiểm tra xác minh cho thấy, từ khi về công tác tại Chi cục Thi hánh án huyện Trảng Bom (năm 2009), ông Hoàng không được sự ủng hộ của lãnh đạo huyện và các ngành hữu quan địa phương. Nhất là khi Viện Kiểm sát nhân dân huyện trảng Bom kháng nghị vụ án dân sự nêu trên giữa Công ty TNHH Thái Nguyên 1 và Tổng công ty thương mại Sài Gòn SATRA. Huyện ủy Trảng Bom đã nhiều lần có văn bản gửi Cục Thi hánh án tỉnh đề nghị xem xét, xử lý những vấn đề liên quan đến ông Hoàng. Ví dụ: Công ăn số 141-CV/HU ngày 29-11-2010 gửi lãnh đạo Cục Thi hánh án tỉnh đề nghị bố trí nhân sự mới thay ông Hoàng; thông báo số 130-TB/HU ngày 18-5-2011 gửi Cục Thi hành án tỉnh nêu ông Hoàng thiếu trung thực, khi có kết luận của Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy, ông Hoàng gửi đơn nhiều nơi cho là bị trù dập; Công văn số 547-CV/HU ngày 21-9-2011 đề nghị Cục Thi hành án tỉnh sớm củng cố nội bộ Chi cục Thi hành án huyện Trảng Bom; Công văn số 847-CV/HU ngày 22-5-2012 gửi Cục Thi hành án tỉnh nhắc lại đề nghị bố trí người thay thế ông Hoàng…
Theo kết luận mới đây của đoàn kiểm tra, lý do cấp ủy địa phương có nhiều văn bản kiến nghị việc bố trí lại nhân sự chi cục trưởng là do ông Võ Hoàng không thực hiện tốt vai trò của người quản lý, gây mất đoàn kết nội bộ; vi phạm đạo đức người đảng viên, tạo dư luận không tốt.
Duy Đỗ