Cây cà phê được xem là một trong những cây chủ lực của huyện Tân Phú. Tuy nhiên, thời gian gần đây diện tích đất cà phê bị thu hẹp dần. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do chi phí đầu tư cao, công chăm sóc nhiều, năng suất thấp, trong khi giá cà phê lên xuống thất thường…
Cây cà phê được xem là một trong những cây chủ lực của huyện Tân Phú. Tuy nhiên, thời gian gần đây diện tích đất cà phê bị thu hẹp dần. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do chi phí đầu tư cao, công chăm sóc nhiều, năng suất thấp, trong khi giá cà phê lên xuống thất thường…
Ông Trần Văn Tiến đang chặt bỏ cây cà phê trong vườn nhà. |
Những ngày qua tại xã Phú Xuân, nhiều hộ dân đã chặt bỏ hàng loạt cây cà phê để trồng loại cây khác. Theo nhiều người, giá cà phê thời gian gần đây rớt thảm hại, nếu tiếp tục đầu tư thì người trồng không có lãi.
Nói về việc phải “phá hoang” vườn cà phê, bà Hoàng Thị Quế, ở ấp Ngọc Lâm 3, xã Phú Xuân bức xúc: “Gia đình tôi vừa chặt bỏ gần 2 ngàn gốc cà phê trên 7 năm tuổi. Suốt thời gian dài bỏ công sức, tiền bạc ra chăm sóc, nay phá bỏ gia đình tiếc đứt ruột nhưng không còn cách nào khác. Bởi nếu duy trì mãi vườn cà phê này thì càng khốn khổ hơn. Hơn nữa, mấy năm trở lại đây, do thời tiết khắc nghiệt nên cây cà phê hay bị sâu bệnh, năng suất kém; trong khi giá thị trường thấp và không ổn định nên không thể bù đắp được chi phí. Hơn 1 hécta cà phê của gia đình, năm nay chỉ cho thu hoạch hơn 1 tấn. Với giá bán 35 ngàn đồng như hiện nay thì chỉ đủ tiền bỏ phân và thuê mướn công hái”.
Tương tự, mấy ngày qua gia đình ông Trần Văn Tiến, ngụ ấp 3, xã Phú Xuân tiến hành tỉa thưa cây cà phê 5 năm tuổi trồng xen với cây tiêu trên diện tích 8 sào đất. Nói lại quy trình “chặt rồi trồng” cây nông nghiệp, ông Tiến kể: “Năm 2008, khi cà phê đang có giá, thấy nhiều hộ trong vùng phá bỏ vườn cây có múi, như: cam, quýt để trồng cây cà phê, gia đình tôi cũng làm theo. Sau hơn 5 năm đầu tư, chăm sóc đến khi thu hoạch thì cà phê thường xuyên bị thất mùa. Đáng nói là giá cả bấp bênh, nông dân không thể tính được khi nào làm ăn có lãi. Thời gian gần đây, người trồng cà phê điêu đứng khi giá cà phê liên tục tuột dốc. Càng bám vào cây cà phê sẽ càng dẫn đến nợ nần chồng chất nên gia đình tôi phá bỏ nó là quyết định đúng”. Để giữ ổn định sản xuất cho người nông dân, ông Tiến cho rằng Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nhất là cây cà phê thì nông dân mới tránh được vòng luẩn quẩn chặt bỏ lúc giá cà phê xuống thấp và đua nhau trồng lại khi giá cao.
Vườn cà phê của bà Hoàng Thị Quế giờ đã tan hoang. |
Ở huyện Tân Phú, ngoài xã Phú Xuân, xã Phú Lộc cũng có tình trạng người dân chặt cây cà phê để đầu tư cây trồng khác. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về tình trạng nông dân phá bỏ vườn cà phê, Phó chủ tịch UBND huyện Tân Phú Trần Bá Đạt khẳng định, đây chỉ là một số trường hợp nông dân trồng cây cà phê trên đất bạc màu nên năng suất thấp. Theo ông Đạt, UBND huyện sẽ chỉ đạo các địa phương phải thường xuyên kiểm tra và báo cáo về những trường hợp phá bỏ cây cà phê để huyện kịp thời có hướng giải quyết phù hợp.
Trung Hiếu